"Mái ấm" chưa đến 25m2 - chốn nương thân của 22 cụ già bán vé số
Nhà văn Nam Cao từng viết: "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất". Thế nhưng căn nhà số 24/22A nằm khuất trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ (phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM), rộng chỉ khoảng 25m2 là nơi 22 cụ già tập trung từ các vùng quê của tỉnh Phú Yên về đây mưu sinh bằng nghề bán vé số luôn đong đầy tình đồng hương.
Căn nhà tuy cũ kỹ, ọp ẹp nhưng đầy ắp tình thương này được ông Ngô Văn Tiến (51 tuổi) thuê hơn 5 năm nay với giá 5 triệu đồng/ 1 tháng. Cùng cảnh phiêu bạt xa quê, họ cưu mang nhau, chia sẻ từng miếng cơm, chỗ ngủ và từng tháng tiền nhà. Những bữa cơm với họ không chỉ là thời gian để nghỉ ngơi, mà còn là lúc ngôi nhà có đông đủ thành viên nhất.
Chân dung ông Tiến - người cưu mang những mảnh đời bất hạnh |
Ông Tiến nhắc về cơ duyên sống chung một mái nhà với những cụ già đồng hương bán vé số: “Lúc trước, tôi làm nghề xe ôm nên hay chở những người già tàn tật đi bán vé số lắm. Rồi thấy có những cụ cùng quê, đi bán cả ngày mà tối lại phải ngủ dưới mái hiên hay trên ghế đá công viên nên tôi rất xót. Những người khỏe mạnh không sao chứ nhiều người bệnh tật mà ngủ dưới gió mưa thế này thì có ngày trúng gió chết. Nghĩ vậy, tôi liền thuê phòng trọ rồi khuyên họ về sống chung cho vui. Dần dà, họ rủ thêm mấy người đồng hương vào đây nên số lượng người càng tăng. Đến nay, chắc cũng hơn 20 cụ rồi. Tuy nhiên, tôi chỉ nhận người đồng hương cho dễ gắn bó, tin tưởng. Tất cả các cụ ở đây đều bán vé số mưu sinh và cùng đến từ mảnh đất Phú Yên. Hơn một nửa nhân khẩu trong ngôi nhà đều gắn bó với nơi đây từ 3 đến 4 năm”.
Trong suốt 5 năm qua, ông Tiến đã cưu mang không biết bao nhiêu những mảnh đời cơ nhỡ như thế. Có lúc, số thành viên tại đây lên đến 42 người.
Những bữa cơm chan chứa tình người trong căn nhà trọ |
Các cụ ở nơi đây có người bán vào ban đêm đến tận 2 đến 3 giờ khuya mới về đến nhà, lại có người đi từ rất sớm để bán cho hết vé số mà đêm qua chưa bán hết. Cứ thế người về, rồi người đi nên căn nhà chưa bao giờ đóng cửa.
Ông Tiến năm nay cũng ngoài năm mươi, một bên mắt bị chứng bệnh cườm nước, gần như mù hẳn nên không thể đi xin việc. Từ ngày lập ra mái ấm này, thỉnh thoảng ông mới chạy xe ôm buổi tối. Ban ngày thì lo phần cơm nước, đưa đón các cụ đi bán. Ấy vậy mà chưa ngày nào ông chán nản hay muốn từ bỏ những người đồng hương của mình.
Dù cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng họ vẫn nương tựa vào nhau để sống... |
Tình người, tình đồng hương luôn chan chứa trong căn nhà chật hẹp
Mỗi cụ già sống ở đây có một số phận và hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung của họ là đều phải rời xa gia đình, con cháu để tự mình kiếm sống trong những năm tháng cuối đời....
Cụ Tĩnh (83 tuổi) rưng rưng nước mắt: “Bà nhớ quê, nhớ thời con bà như tụi con, cả nhà ngồi chơi vui cười. Thì giờ, tụi nó lại bỏ bà mà đi, có nhiều lần chúng nó có đón bà về mà phần vì vợ con của chúng nên bà không muốn thành gánh nặng cho con”.
Không cầm được nước mắt, bà Hồ Thị Thảo nói: “Nghèo tiền bạc nhưng nghĩa tình không nghèo. Tất cả cùng quê hương, cùng cảnh ngộ, chia sẻ với nhau những vui buồn. Người này bệnh thì có người kia mua thuốc, động viên chăm sóc, bán giùm vé số đã lỡ nhận”.
Mặc dù hoàn cảnh khốn khó, ngày ngày bươn chải nơi phố thị kia để có tiền trang trải cuộc sống nhưng với tình thương và sự chở che, đùm bọc họ dành cho nhau, căn nhà ấy vẫn mãi đầy ắp tiếng cười, vẫn luôn đong đầy yêu thương, nghĩa tình để viết tiếp những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Xót thương bé gái xinh như thiên thần bị bỏ rơi tới 2 lần (Xã hội) - (Phunutoday) - Theo một số thông tin người phụ nữ bỏ rơi cháu bé 2 tuổi xinh xắn ở quán nước là một phụ nữ làm nghề buôn bán hải sản ở TP. Hạ Long. |