Bất hạnh cùng cực của người đàn bà thất lạc chồng con

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Cuộc đời “ba chìm bảy nổi” của thiếu phụ là sự day dứt, hối hận tột cùng, khi chính tay cho đi đứa con dại mà mình dứt ruột sinh thành.

Cuộc đời “ba chìm, bảy nổi"

Người đàn bà cho con vì nghèo là bà Trần Thị Thìn (SN 1951, quê xã Hải Ân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) hiện đang sống tại xóm trọ ở Long Biên (Hà Nội). Nơi bà ở có nhiều người lao động tứ xứ tập trung vì giá thành rẻ, thế nhưng, những người nơi đây đều biết đến hoàn cảnh khó khăn, cùng quẩn của bà Thìn. 

Căn nhà xập xệ của hai mẹ con bà Thìn
Căn nhà xập xệ của hai mẹ con bà Thìn

Trong căn nhà xập xệ, người phụ nữ lam lũ nước mắt trực trào mỗi khi nghĩ đến cuộc sống hiện tại của mình. Giọng bà nghèn nghẹn kể về chuỗi ngày vất vả của bản thân: “Sinh ra trong gia đình làm nông có 7 anh chị em, tôi là con cả nên bao nhiêu công việc nặng nhọc đều đến tay. Đến năm 18 tuổi, tôi được vào làm công nhân cho một công ty xây dựng tại Nam Định. 

Một hôm đang lao động tôi bị ngã giàn giáo từ tầng 5 xuống đất phải nằm viện điều trị 6 tháng trong tình nặng thương tật nặng. Khi xuất viện, tôi có biểu hiện lúc nhớ, lúc quên. Nhiều khi không kiềm chế được bản thân cứ đi lang thang hò hét trong vô thức”.

Cũng theo bà Thìn, đến năm 1984, người dân thương tình đã đưa bà vào Trung tâm nuôi dưỡng người khó khăn, tàn tật tỉnh Nam Định. Tại đây, bà nên duyên với ông Nguyễn Văn Ba (SN 1937, quê Nam Định) là bộ đội trên thân thể có nhiều vết thương nên đầu óc cũng không minh mẫn. Hai con người bệnh tật quyết định kết hôn rồi về ở với nhau để chăm sóc, vun vén cho tổ ấm riêng. 

May mắn mỉm cười khi bà Thìn sinh hạ được một bé trai bụ bẫm, bà đặt tên là Nguyễn Văn Bình (SN 1985) hy vọng cuộc sống được bình yên, phẳng lặng. Thế nhưng, niềm vui chỉ được một thời gian ngắn thì dập tắt, bởi Bình có biểu hiện của bệnh tâm thần. 

Mỗi đêm hai vợ chồng bà Thìn nhìn thấy con ú ớ, hò hét trong vô thức khiến lòng người mẹ như quặn thắt đau đớn. Bà hy vọng có một đứa con khỏe mạnh để tuổi “xế chiều” được nương nhờ. 

Đến năm 1990, một lần nữa, bà lại hạ sinh được một bé gái khỏe mạnh đặt tên là Nguyễn Thị Tý. Thời gian này, chồng bà liên tục ốm đau do vết thương của thời chiến hành hạ. Bao nhiêu công việc nuôi con, chăm sóc cho gia đình đều do bà đảm đương khiến thân thể đã gầy nay càng xanh xao, mệt mỏi. Bà nhiều bữa chỉ dám ăn cơm vãi, canh thừa còn bát cơm, chén cháo nhường chồng, con ăn. Dù là lao động chính trong nhà, thường ngày bà ôm cái bụng trống rỗng để đi kiếm tiền nuôi gia đình. 

Thất lạc cả chồng lẫn con

Đến năm 1994, vợ chồng bà lâm cảnh thất nghiệp. Hàng ngày, vợ chồng gồng mình cố gắng kiếm tiền nuôi hai con cũng không đủ. Đường cùng, bà Thìn quyết định cho đứa con gái để dành tiền nuôi con trai tật nguyền. Gia đình nhận nuôi bé Tý đã cho bà 300 USD (tương đương 3,3 triệu lúc bấy giờ). 

Chân dung bà Thìn
Chân dung bà Thìn

“Sau cái ngày cho con gái, vợ chồng đã dùng số tiền dành dụm để chữa cho con trai tâm thần nhưng không thành. Hết cách, cả nhà lại dắt tay nhau đi lang thang tìm nơi kiếm sống. Rồi dạt về Hà Nội thuê trọ làm nghề nhặt rác, nhặt phế liệu. Tính ra cũng được gần hai chục năm” – bà Thìn chia sẻ. 

Cũng theo bà Thìn, năm 2008, chồng phát bệnh nặng không theo bà đi nhặt rác được. Số tiền bà kiếm được hàng ngày cũng ít dần đi. Đã thế, chủ phòng trọ sợ chồng bà chết nên làm khó, đuổi cả nhà bà đi. Hết cách, bà đưa chồng con ra bờ sông ở tạm. 

Được vài ngày, các chú công an đã đến gọi xe đưa chồng bà đi bệnh viện. Vì không có tiền trả viện phí, bà Thìn đành phải nuốt nước mắt tránh né không dám đến viện thăm chồng. Về sau, bà nghe tin chồng được đưa về một trung tâm ở Ba Vì. Do điều kiện khó khăn, bà Thìn chỉ biết ngậm ngùi cầu mong một ngày gia đình được đoàn tụ. 

Kể về cuộc sống của bà Thìn, chị Nguyễn Thị Hằng (hàng xóm) cho biết: “Hàng ngày bà Thìn luôn sống trong sự dằn vặt, hối hận. Bà thường nói “đẻ con ra mà không nuôi nổi là có tội, cho con để người khác nuôi thì tội lại càng nặng không thể tha thứ được”. 

Thời gian gần đây, bà Thìn sức khỏe yếu dần phải nằm một chỗ. May mắn, đứa con trai tâm thần đầu óc có vấn đề nhưng khỏe mạnh và rất hiếu thảo. Hằng ngày, Bình đẩy xe rác kiếm được 600.000đ/tháng cũng phụ giúp mẹ một phần. Nhìn cảnh mẹ già, con dại chăm nhau tội lắm” – chị Hằng chua xót. 

“Hy vọng trước khi chết, bằng “thần giao cách cảm” chồng và con gái tìm được chúng tôi để gia đình đoàn tụ. Khi gặp nhau, không biết con gái có tha thứ cho tôi không? Nó có oán trách tôi đã bỏ rơi nó không? Dù có bị mắng chửi tôi cũng hy vọng được gặp con gái một lần, được ôm nó là niềm hạnh phúc của tôi…” – bà Thìn gạt nước mắt hy vọng. 

Quặn lòng người mẹ làm đám tang giả để cứu vớt cuộc đời con
Để tránh nanh vuốt của bọn xã hội đen, người mẹ đã tổ chức một đám tang giả để qua mặt các “hảo hán giang hồ” có số.
 

 

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn