1. Bắp chân được ví như "trái tim thứ 2" của cơ thể
Trong Y học hiện đại, bắp chân thường được xem như là "trái tim thứ hai" của cơ thể. Bởi, để có thể hỗ trợ cho việc đi đứng hàng ngày của con người, bàn chân và cổ chân là cấu trúc giải phẫu bao gồm 26 xương không đồng đều về hình dạng, 30 khớp hoạt dịch, hơn 100 dây chằng và có 30 cơ tác động lên các phân đoạn. Chính vì vậy, bắp chân tuy nằm ở vị trí thấm nhất nhưng lại có thể mang lại vai trò quan trọng và có liên quan mật thiết tới não bộ, hệ thần kinh cũng như tim.
Có khoảng 70% hàm lượng máu trong cơ thể do chịu tác dụng của trọng lực nên sẽ tập trung ở phần thân dưới. Lúc này, bắp chân sẽ đóng vai trò giống như một chiếc máy bơm máu, nó sẽ tiếp nhận lượng máu được truyền xuống cũng như sẽ "chống lại" trọng lực mà bơm máu trở về tim, cứ thế hoạt động tiếp diễn không kể ngày đêm.
Trong tuần hoàn máu, dựa vào sự co bóp của tim mà động mạch sẽ hoạt động, còn tĩnh mạch sẽ dựa trên sự co cơ thúc đẩy sự lưu thông máu để hoạt động và sự hồi phục của tĩnh mạch chủ yếu phụ thuộc vào cơ bắp chân. Trong y học cổ truyền, chân là nơi tập trung rất nhiều huyệt đạo.
Bên cạnh đó, khu vực bắp chân cũng là nơi mà 6 kinh mạch quan trọng của cơ thể đi qua và được xem là con đường vận chuyển quan trọng và duy trì sự chuyển động lên xuống của khí huyết. Qua đây, ta có thể thấy một điều rằng, việc chăm sóc tốt cho bắp chân cũng sẽ đồng nghĩa với việc ta đang cung cấp cho cơ thể thêm một chiếc "máy bơm" khỏe và điều này sẽ vô cùng giúp ích cho tim và cơ thể.
2. Những cách nâng cao sức khỏe thông qua bắp chân
- Đi bộ: Đi bộ chính là một trong những cách rèn luyện đôi chân cũng như vùng bắp chân đơn giản và dễ dàng nhất. Theo khuyến cáo của Học viện Y học Thể thao Hoa Kỳ, thoạt động đi bộ là một bài tập luyện tốt, có thể mang lại hiệu quả cho việc nâng cao sức mạnh đôi chân. Mỗi ngày bạn hãy chăm chỉ tập luyện đi bộ 30 phút, hơn 5 lần cho mỗi tuần để có được đôi chân khỏe mạnh và sức khỏe tốt nhé!
- Tập kiễng chân: Để thực hiện bài tập kiễng chân, bạn hãy đứng hai chân trên mặt đất và dần nâng gót lên. Bài tập này sẽ tạo nên chuyển động tương tự như hoạt động co bóp "một - một" của tim, lượng máu bị ép ra mỗi khi cơ bắp chân co lại sẽ gần tương đương với lượng máu được bơm ra trên mỗi nhịp đập của tim. Việc tập luyện bài tập này sẽ góp phần giải tỏa cơ bắp chân, kích thích huyệt tam âm giao, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu. Bên cạnh đó, tập kiễng chân đối với những người thận yếu cũng sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe hiệu quả.
- Massage bắp chân: Không nhất thiết lúc nào cũng phải đến spa, bạn cũng có thể hoàn toàn cải thiện sức khỏe bằng cách massage bắp chân tại nhà. Chỉ cần thường xuyên xoa bóp các huyệt đạo bắp chân khoảng 10-20 phút, giống như bạn cũng đang massage các cơ quan nội tạng, làm ấm cơ thể và điều hòa khí huyết.
- Ngâm bắp chân: Các chuyên gia khuyến khích chúng ta nên ngâm chân bao gồm cả cùng bắp chân vì vùng da vị trí này tương đối mỏng và dễ hấp thu dưỡng chất từ bên ngoài. Để ngâm cả bắp chân, bạn nên chọn chậu có lòng sâu, lượng nước hợp lý chính là khoảng 2/3 bắp chân và chỉ ngâm chân tối đa 30 phút. Nhiệt độ phù hợp và tốt nhất để ngâm chân là từ 40 - 45 độ C.
- Tập squat: Bài tập squat sẽ giúp cơ bắp chân, đùi trở nên linh hoạt hơn, tăng cường sự dẻo dai và giúp xương chắc khỏe. Tất cả những gì ta cần làm là nâng cao đầu và ngực, hai tay chống eo hoặc đưa thẳng về phía trước, sau đó ngồi xổm xuống một cách chậm rãi (không cần ngồi xổm quá sâu) và đứng lên. Trong lúc thực hiện bài tập ngồi xổm, ta cần điều hòa nhịp thở, duy trì tốc độ và thực hiện 15-20 nhịp/ lần.