Mua 1kg roi… mất 15 triệu đồng, cảnh báo nạn thôi miên chiếm đoạt tài sản

09:00, Thứ tư 25/06/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) – Mua 1kg roi mất toi gần 15 triệu đồng, đây có thể coi là lời cảnh báo đối với tình trạng thôi miên chiếm đoạt tài sản xảy ra trong thời gian vừa qua trên địa bàn Hà Nội.

Nạn nhân của vụ việc là chị Phạm Thị Thanh T (địa chỉ tại phố Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội).

Mua 1kg roi mất 10 triệu đồng

Theo lời kể của nạn nhân, trưa ngày 24/6, chị T có đi qua ngã tư Sở và dừng lại mua 1kg roi của một người bán hang rong ở bên đường. Sau đó chị lấy tiền trong ví ra trả. Đúng lúc này thì có một người phụ nữ trung tuổi đi xe tay ga (hình như là xe Lead) mặc áo chống nắng,đi ngược chiều tiến lại hỏi chị là “roi bao nhiêu tiền một kg?”. 

Thôi miên chiếm đoạt tài sản, tội phạm thôi miên
Chia sẻ của chị T trên mạng xã hội facebook về việc chị bị thôi miên chiếm đoạt tài sản.

Theo chị T cho biết, người phụ nữ này hỏi chị T hai lần câu hỏi đó. Lúc đó chị T trả lời đại ý là “roi 20 ngàn đồng/1kg”. Sau cuộc hỏi – đáp như vậy, chị T đi thẳng về cơ quan ở ngay gần đó...

“Khi về đến công ty thì mình không thấy mình cầm ví lên và nghĩ rằng mình đã để ví trong cốp xe nên bảo với mọi người là quên điện thoại và ví dưới cốp xe nhưng ngại xuống lấy...”, chị T kể.

Thế nhưng, đến hết giờ làm việc, xuống lấy xe, mở cốp ra chị T mới tá hoả… toàn bộ ví tiền, điện thoại, giấy tờ tuỳ thân… đã không có trong cốp xe. Chị đã cùng đồng nghiệp lục tìm rất kỹ mọi chỗ cũng không thấy, gọi vào số điện thoại thì điện thoại đã bị tắt máy, không liên lạc được.

“Lúc này mình mới hồi tưởng lại là trong lúc mình trả tiền roi thì em bán roi cứ nhìn mình...Lúc đó mình lại tưởng em ấy cân đểu, cân thiếu cho mình, sợ mình biết nên dò xem thái độ của mình, còn em bé ngồi sau xe đang đợi mẹ mua roi cũng cứ nhìn mình...lúc đấy đúng là mình đã không nghĩ được gì hết…”, chị T nói.

Xâu chuỗi các sự kiện lại, chị T cho rằng mình đã bị thôi miên tự tay đưa ví tiền và điện thoại cho người đàn bà kia mà không hề hay biết mình đã làm cái việc vô thức ấy. Theo chị T cho biết, tài sản bị mất gồm tiền mặt, điện thoại iPhone, một số đồ nữ trang cùng toàn bộ giấy tờ xe, giấy CMND, thẻ ATM của hai vợ chồng cùng chính cái ví mà chị rất là yêu thích, tổng giá trị khoảng gần 15 triệu đồng.

Nguyên nhân chính là do mất cảnh giác

Về tình trạng này, trả lời báo chí, PGS - TS Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) đã từng lý giải: Về góc độ tâm lý con người, các đối tượng có khả năng dùng ám thị (mỗi người có sức mạnh từ con mắt, từ tâm sinh lý của họ và họ có thể ám thị đối tượng bên cạnh, làm đối tượng bị lúng túng) sau đó có thể tấn công bằng ngôn ngữ, lời nói, ánh mắt, cử chỉ tình cảm, làm cho người đối diện bị mê muội, mất tỉnh táo dẫn đến mất cảnh giác. Ngoài ra có những đối tượng còn kết hợp dùng cả những loại chất hóa học nào đó để gây mê, làm cho người bị hại mê muội đi nhằm chiếm đoạt tài sản. 

Nhóm tội phạm dùng ma tuý thôi miên bị công an bắt giữ
Công an thành phố Vinh, Nghệ An đang xử lý một nghi án dùng thủ đoạn thôi miên cướp tài sản.

Dưới khía cạnh nghiên cứu về tội phạm, đây là hiện tượng dùng sức mạnh vật chất tấn công người quản lý tài sản, hoặc dùng sức mạnh ngay tức khắc để làm người quản lý tài sản bị tê liệt ý chí, không thể quản lý được tài sản. Cơ quan công an đã làm rõ rất nhiều vụ việc liên quan đến hành vi này. 

Bên cạnh đó các đối tượng này còn có thể dùng các thủ thuật đặc biệt đã được rèn luyện rất nhiều qua năm tháng giống như trò nhanh tay, nhanh mắt trong ảo thuật. Trò này đã từng được những “phù thủy” ngoại quốc thực hiện ở Việt Nam. Lợi dụng sự mất cảnh giác của những người bán hàng, những đối tượng này đã bày ra màn đổi tiền rồi tìm cách chiếm đoạt tiền của họ.

Theo Thượng tá Nguyễn Minh Đức, đây không phải là một thủ đoạn mới của tội phạm, tuy nhiên trước khi ra tay các đối tượng này đã nghiên cứu rất kỹ và thường áp dụng với những người nào mất cảnh giác, hoặc yếu về mặt tâm lý.

Do vậy để đối phó với loại tội phạm này, ngoài việc người dân tự nâng cao ý thức cảnh giác thì các lực lượng chức năng cũng cần phải nâng cao công tác tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của tội phạm để người dân có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.

Lời khuyên của tiến sĩ tâm lý

PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam - cho biết, việc hiểu đúng về thuật ngữ "thôi miên" cũng như người thực sự sử dụng nó không phải đơn giản như thế. Khi bị thôi miên, con người ở trạng thái không có ý thức cũng như không thể kiểm soát mình và phụ thuộc vào một kích thích hay một tác động chủ đích nào đó. Do vậy, để tránh bị thôi miên chiếm đoạt tài sản cần chú ý một số điểm sau:

-Tránh giao tiếp thân tình với người lạ hay thiếu độ an toàn trong cảm giác.

-Luôn cảnh giác cao độ trước người lạ, thiết lập mối quan hệ an toàn, đảm bảo hoạt động nhóm.

-Kiểm soát cuộc giao tiếp của chính mình và tránh bị phân tán chú ý quá mức bởi chủ thể giao tiếp khác.

-Tỉnh táo và sống chân thành, công bằng và tích cực cũng như đừng để cái lợi trước mắt làm mờ lương tri để thiếu cảnh giác.

-Sống đúng với phương châm: không có thuận lợi hòa toàn mà cũng chẳng có khó khăn chồng chất… Mọi thứ đều có cái này và cái khác. Không có việc quá nhẹ nhàng mà lương cao hay thưởng hậu.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Vũ Hồng Loan