Nam thanh niên suýt chết vì làm 2 việc xỉa răng và uống nước cùng lúc
Trường hợp của anh N.N.N (25 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện ngụ ở Tân Uyên, Bình Dương) gần đây là một lời cảnh tỉnh với những ai còn giữ thói quen xấu sau khi ăn xong. Anh bị thủng ruột, đe dọa nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng vì sự cố khá hi hữu.
Cách đây 1 tháng trong lúc đang ăn cơm, anh N. vừa uống nước vừa xỉa răng và vô tình làm chiếc tăm trôi thẳng vào miệng. Bệnh nhân sau đó đi khám nhưng chỉ được kê toa thuốc và cho về.
Nghĩ là không có vấn đề gì nghiêm trọng, phần vì anh có tiền sử đau dạ dày nên dù ít ngày sau có đau bụng nhưng nam thanh niên vẫn chủ quan không đi khám.
Đến khi đau bụng dữ dội không thể chịu được nữa, bệnh nhân mới tìm đến Bệnh viện (BV) Đa khoa tư nhân Bình Dương cầu cứu.
BS Lê Xuân Đức, người điều trị trực tiếp trường hợp này cho biết, sau gần 30 phút thực hiện thủ thuật, cây tăm sắc nhọn dài gần 5cm đã được gắp ra khỏi dạ dày người bệnh. Ekip điều trị cũng dùng clip kẹp vị trí thủng để điều trị bảo tồn.
Sau khi lấy dị vật và được đội ngũ y BS chăm sóc, anh N. đã đỡ đau bụng và vẫn nằm tại BV để theo dõi thêm.
"Đây là một trường hợp bất cẩn nuốt dị vật thường gặp khi ăn. Phần dị vật lần này là cây tăm sắc nhọn đã đâm xuyên dạ dày trong khoảng 1 tháng. Nếu không điều trị kịp thời có thể khiến dị vật cắm sâu hơn dẫn tới khả năng gây viêm phúc mạc, thủng các tạng lân cận, nguy cơ nhiễm trùng cao" - BS Đức thông tin.
BS khuyên người dân nên cẩn thận trong quá trình ăn uống để tránh nuốt phải những dị vật. Đặc biệt không nên ngậm tăm trong quá trình ăn uống dễ gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong trường hợp có dấu hiệu đau bụng do nghi ngờ nuốt nhầm dị vật, người bệnh nên tới ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và nội soi gắp dị vật sớm.
Bạn sẽ xử lý như thế nào nếu bị hóc dị vật khi chỉ có 1 mình?
- Cố gắng ho. Hầu hết các chướng ngại vật sẽ tự động được loại bỏ bằng cách phản xạ tự nhiên của cơ thể.
- Nếu ho không hiệu quả, lúc đó, bạn phải tự tìm cách tác động lực vào bụng để đẩy dị vật ra khỏi đường hô hấp.
- Tìm một chiếc ghế tựa có thành cao vừa phải. Hai tay nắm chặt vào thành ghế, và cân đối rốn vào đúng vị trí thành ghế.
- Dùng một lực mạnh để đập vào ghế, khi đó, lực tác động vào bụng, dị vật sẽ bị văng ra ngoài. Hành động này có thể làm bạn bị chấn thương, vì vậy đừng quên khám bác sĩ sau khi xử lý xong nghẹt thở.
Còn theo Jeff Rehman, một lính cứu hỏa chuyên nghiệp kiêm nhân viên y tế với 22 năm kinh nghiệm ở Mỹ, trong trường hợp này, mọi người nên thực hiện theo các bước sau.
- Đầu gối quỳ xuống làm sao cho thân song song với mặt đất. Chống 2 bàn tay xuống đất và ném mình xuống nền nhà. Bạn có thể phải làm nhiều lần thì dị vật mới văng ra ngoài.
Động tác đơn giản và kịp thời này có thể đẩy ép mạnh khối khí ở phổi ra ngoài, vì vậy, giữ cho đường thở được thông suốt.