Chè đỗ đen chỉ đơn giản bao gồm đỗ đen được ninh nhừ với nước sau đó cho thêm đường. Khi ăn, đem thưởng thức chè đỗ đen với đá lạnh. Bạn có thể thêm dầu chuối tăng hương vị, một ít lạc rang, dừa bào sợi...
Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc, không hiểu vì sao mình nấu chè đỗ đen hạt lại hay bị vỡ nát chứ không lành lặn, hạt căng mọng như ngoài quán. Việc hạt chè đỗ đen vị nát khiến nước chè hơi đục do bột của đỗ thôi ra trong quá trình nấu.
Đầu bếp chia sẻ kinh nghiệm, mặc dù đỗ đen rất đơn giản, dễ nấu nhưng muốn hạt đỗ lạnh lặn, mềm ngon thì lại cần có bí quyết riêng. Vậy đó là bí quyết gì các bạn hãy cùng tham khảo cách làm dưới đây nhé:
Chuẩn bị nguyên liệu nấu chè đỗ đen:
- Đỗ đen
- Đường phèn hoặc đường cát trắng hay đường thốt nốt tùy ý
- 1 thìa baking soda
Cách nấu chè đỗ đen bở tơi nhưng không nát hạt:
Đỗ đen mua về đem đãi sạch đỗ. Hạt nào nổi lên trên mặt nước chứng tỏ đã mối hỏng, nên vứt bỏ.
Cho đỗ vào một nồi nước, nấu sôi khoảng 3 phút rồi chắt bỏ nước. Khâu luộc sơ đỗ này giúp đỗ sạch hoàn toàn bụi bẩn bám bên ngoài.
Tiếp tục, đổ nước mới vào nồi đỗ đen. Lưu ý lượng nước đủ để bạn nấu thành chè, sau đó tiếp tục đun sôi. Sau khi nước sôi, thêm 1 chút baking soda vào, đun thêm một lát. Sau đó tắt bếp, ủ nồi đỗ đen cho đến khi gần nguội. Việc ủ nồi đỗ đen có baking soda sẽ giúp hạt đỗ nhanh mềm nhưng nguyên vẹn không bị vỡ nát.
Khi nồi đỗ đen đã ủ xong, bật bếp đun sôi trở lại, sau đó giảm lửa, đun liu riu vài phút, thấy đỗ mềm thì tắt bếp. Gạn phần nước đỗ đen ra bát để riêng. Trong nồi giữ lại một chút nước cùng đỗ đen. Cho đường vào, đảo đều rồi rim liu riu cho đường ngấm vào hạt đỗ, đỗ săn lại trong từ 5-7 phút hoặc đến khi nào bạn thấy nó đủ ngấm đường là được.
Lúc này thêm nước đỗ đen đã gạn lúc trước ra, đun sôi rồi tắt bếp.
Múc chè ra cốc hoặc bát, thêm đá lạnh cùng vài giọt dầu chuối/vani rồi thưởng thức. Đây là cách ăn chè đỗ đen đơn giản nhất. Còn cầu kỳ hơn, bạn có thể cho thêm chút cốt dừa, lạc rang hoặc dừa khô, dừa tươi nạo lên đều được.