Từ 1975 – 1986 được xem là giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ XX. Có thể nói giai đoạn này để lại cho người ta nhiều ký ức nhất về Tết.
Người Hà Nội qua bao nhiêu thế hệ vẫn giữ được những nét văn hóa đẹp cho riêng mình. Không khí ăn Tết ở Hà Nội cũng được lưu giữ và truyền lại qua bao thế hệ mà vẫn giữ được phong vị cổ truyền của ngày xưa.
Ngày nay, chúng ta đón Tết khá ấm cúng, đủ đầy. Người lớn có nhiều lựa chọn mua sắm, trẻ con thì được mua cho nhiều quần áo đẹp. Tuy nhiên với những người đã từng trải qua những năm tháng bao cấp nghèo khó thì Tết Hà Nội xưa luôn là một ký ức đẹp.
Những tấm ảnh màu chụp vào dịp Tết Bính Dần 1986 này được thực hiện bởi một nhà nghiên cứu Nhật Bảo. Cụ thể là được chụp vào ngày 28 tháng Chạp năm Ất Sửu, dương lịch là ngày 6 tháng 2 năm 1986.
Bức ảnh này chụp ga Hà Nội trên phố Lê Duẩn đầu năm 1986. Ga Hà Nội không có nhiều thay đổi nhưng hàng cột điện phía bên phải đã được thay thế bằng cáp ngầm.
Chợ hoa trên phố Hàng Lược, người dân nô nức mua hoa. Sau nhiều năm, thói quen này vẫn được người Hà Nội lưu giữ.
Những chậu cây quất nhỏ xinh được bày bán trên đường phố vào dịp Tết.
36 năm trước, phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân cho những hành trình dài vẫn là tàu hỏa.
Hình ảnh chụp lại chợ Cửa Nam vào dịp Tết. Đây là một trong những chợ lớn nhất, nhì Hà Nội thời điểm đó.
Đây là hình ảnh chụp ngã tư Hàng Điếu, Hàng Da lúc cận Tết. Khi ấy đường phố Hà Nội khá vắng vẻ chứ không đông đúc như bây giờ.
Bến xe Hà Nội vào năm 1986.
Tết năm 1986 chỉ có vài hộp mứt thập cẩm, bên trong có vài miếng mứt bí, mứt cà rốt, vài cái kẹo lạc,… Có khi xếp hàng cả buổi chiều mới mua được vài lạng đỗ xanh để gói bánh chưng. May chăng thì mua được ít thịt, có thêm bánh pháo tép và mấy bông hoa tươi nữa. Như vậy là đã có một cái Tết linh đình.
Khu vực hồ Hoàn Kiếm ngày ấy không được trang hoàng rực rỡ đèn hoa như bây giờ. Chỉ có tiếng chuông vọng ra từ đền Ngọc Sơn, đền Hàng Trống, chùa Bà Đá, quyện trong mưa phùn đêm giao thừa là mùi hương trầm phảng phất nhưng cũng đủ tạo nên không khí Tết đường phố không bao giờ quên trong ký ức người dân thuở ấy.