Nhận hối lộ 16 tỷ đồng của công ty Nhật Bản
Ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch Cty Tư vấn GTVT Nhật Bản (JTC) có trụ sở ở Tokyo, vừa thừa nhận đã trả tiền lại quả cho một số công chức Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan, để nhận được hợp đồng cho các dự án ODA ở ba nước này, nhật báo lớn nhất Nhật Bản Yomiuri Shimbun, đưa tin ngày 21/3.
Trong đó, một nguồn tin cho Yomiuri Shimbun biết, JTC đã hối lộ 80 triệu Yên (khoảng 16,5 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) cho một quan chức cấp cao tại một cơ quan có trách nhiệm quản lý dự án tại Đường sắt Việt Nam. Đổi lại, JTC trúng thầu một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ Yên (~867 tỷ đồng).
Việc thanh toán sai mục đích này đã diễn ra tới 40 lần từ tháng 2/2008-2/2014 và lên tới 1.27 triệu USD nhằm giúp JTC giành lấy 5 dự án ODA.
Nhận hối lộ 16 tỷ là vụ bê bối mới nhất của ngành đường sắt. |
Số tiền thanh toán từng đợt này được xác định dựa trên giá trị của các dự án ODA mà họ thắng thầu. Số tiền này được JTC chi cho 5 quan chức, trong đó có 1 quan chức Việt Nam quản lý các dự án tại Tập đoàn Đường sắt Việt Nam và một quan chức thuộc Bộ Giao thông Ấn Độ.
Được biết, dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam của Việt Nam, có tổng chiều dài là 1.555 km, kinh phí lên đến 55,8 tỷ đô-la Mỹ đã được giao cho do Liên danh tư vấn Việt Nam-Nhật Bản (VJC) khảo sát, nghiên cứu và lập báo cáo vào năm 2009.
Sau khi thông tin trên được công bố, chiều ngày 23/3, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đã quyết định đình chỉ chức danh Trưởng ban Quản lý Dự án đường sắt và lập tổ điều tra nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng của doanh nghiệp Nhật Bản.
Cán bộ vẫn đi chơi golf mặc nhân viên không có việc làm
Trong cuộc họp đầu tháng 2/2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thẳng thắn phê bình cán bộ ngành đường sắt trong việc chơi golf. Ông nhấn mạnh: Chơi golf là quyền của mọi người, nhưng không thể chấp nhận được việc cán bộ đi chơi golf trong khi công nhân không có việc làm, thu nhập của người lao động thấp”.
Bộ trưởng Thăng cho biết, ngành đường sắt đang trong thực trạng lạc hậu về công tác bán vé, dịch vụ trên tàu còn nghèo nàn, đắt đỏ, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Thậm chí, cuối năm 2013, do không kham nổi nên ngành đường sắt đã có kế hoạch cắt 5 đôi tàu chợ để tránh thua lỗ 900 tỷ đồng/năm song không được Bộ chấp thuận.
Bộ trưởng Thăng cho rằng, qua sự việc cán bộ mải mê chơi golf, lơ là công việc lần này, cần phải truy trách nhiệm của người đứng đầu, truy trách nhiệm cán bộ khiến công việc trì trệ. Ông cũng đã yêu cầu đơn vị chuyên môn làm rõ hoạt động chơi golf của cán bộ ngành đường sắt, tùy theo mức độ của từng cá nhân, tập thể chơi golf làm ảnh hưởng đến công việc để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định.
"Canh siêu tốc" pha chế trên tàu
Hồi cuối năm 2013, các hành khách trên chuyến tàu khách Thống Nhất mang số hiệu TN1, chạy từ Hà Nội vào Sài Gòn trong lịch trình ngày 14 đến 16/11/2013 bất ngờ thấy nam nhân viên phục vụ canh đang dùng chiếc ca nhựa hứng nước từ chiếc bình nóng - lạnh. Sau đó anh ta rút một gói nilông chứa những hạt bột màu trắng, trút vào ca rồi dùng tay (có đeo bao tay nilông) khuấy đều lên. Cuối cùng, nhân viên này trút hỗn hợp này vào chiếc thùng nhựa, rồi tiếp tục cho nước vào đến khi đầy bình, sau đó mang đi phục vụ suất ăn cho hành khách trên tàu!
Cảnh pha chế canh siêu tốc trên tàu. |
Bởi vì chiếc xe hàng của nhân viên này chắn ngang lối đi nên một số hành khách có dịp quan sát kỹ quá trình pha chế “canh siêu tốc”. Đáng chú ý là do vòi nước nóng chảy nhỏ nên nhân viên này lấy luôn cả nước bên vòi lạnh để làm nước canh. Bình nước đặt gần các phòng vệ sinh, khu rửa mặt... nơi có nhiều người qua lại mà nhân viên này vô tư dùng để pha chế canh, thật phản cảm.
Sau clip đăng tải cách chế biến canh của nhân viên trên tàu TN1, một loạt những phản ánh về chất lượng và giá cả các bữa ăn trên tàu được báo chí nêu ra. Mặc dù ngay sau đó các lãnh đạo ngành đường sắt đã nhận trách nhiệm và nói sẽ sửa chữa, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi của những hành khách đi tàu.
Cán bộ ngành đường sắt đánh bạc trong khách sạn
Ngày 24/2/2012, Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) cho biết bắt quả tang bốn cán bộ ngành đường sắt đánh bạc.
Bốn cán bộ ngành đường sắt gồm: Nguyễn Việt Thắng, Phó Trưởng phòng của Công ty TNHH một thành viên Vận tải Đường sắt (trụ sở chính tại Hà Nội); Lê Ngọc Minh, Phó Trưởng phòng Vận dụng toa xe và An toàn vận tải; Lê Quang Chín, Trạm trưởng Trạm Vận tải hàng hóa Nha Trang và Đặng Văn Hữu, Trạm trưởng Trạm Vận tải hàng hóa Hố Nai tham gia sát phạt tại khách sạn Hà Nguyễn (thị xã Dĩ An). Hình thức là đánh bài tiến lên, mức ăn thua mỗi ván 50.000-100.000 đồng.
Nhân viên tổ chức cho hành khách đi tàu chui tập thể
Cuối năm 2011, trên báo chí đã đăng tải một loạt thông tin nhân viên nhà tàu tổ chức cho hành khách đi tàu chui tập thể. Theo đó, các nhân viên trên tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Lào Cai đã cho khách lên tàu mặc dù không mua vé, sau đó thu tiền của hành khách nhằm chuộc lợi cho bản thân.
Thậm chí, tại ga Lào Cai, cảnh tượng bảo vệ nhà ga “cộng tác” cùng phe vé chào mời khách đi tàu diễn ra công khai trước mắt mọi người. Nhân viên bảo vệ túc trực tại quầy bán vé. Họ đứng chắn ngay cửa bán vé, bất kỳ ai muốn vào mua vé đều qua “cửa kiểm soát” bất đắc dĩ này. Nhân viên nhà ga còn nói, hết vé rồi, chỉ có “vé tập thể” để đi cùng tổ tàu. Cứ mời được 1 khách “mua vé” xong là họ chia nhau tiền ngay trước mắt hành khách.
Sau khi nhận được thông tin này, nhân viên Nguyễn Văn Linh và Phan Văn Tuyển là 2 nhân viên đã trực tiếp thực hiện hành vi trên đã bị lãnh đạo Xí nghiệp toa xe Sài Gòn sa thải, nhân viên Đào Văn Linh và Đỗ Việt Đức bị lãnh đạo Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội kỷ luật với hình thức chuyển làm công tác vệ sinh toa xe (cao hơn mức khiển trách). Các trưởng tàu liên quan cũng bị kỷ luật nghiêm khắc như không bố trí làm trưởng tàu, kéo dài thời gian nâng lương, chuyển làm công việc khác có thu nhập thấp hơn.
Ngành đường sắt cần phải có những chấn chỉnh nghiêm khắc. |
Hơn 2% cán bộ ngành đường sắt dùng ma túy
Năm 2005, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành một cuộc điều tra bí mật và phát hiện hơn 300 cán bộ thuộc lực lượng chạy tàu có khả năng đã sử dụng ma túy.
Trong đợt kiểm tra cả nước lần này, hầu như tại đơn vị nào cũng phát hiện đối tượng nghiện ma túy, chiếm tỉ lệ lớn nhất là Thanh Hóa. Tại tỉnh này, lãnh đạo đơn vị thậm chí đã chủ động trích tiền để mua que thử phát hiện chất ma túy phát cho cán bộ, công nhân viên.