Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học London đã chỉ ra, chụp ảnh tự sướng quá nhiều dễ khiến bạn mắc chứng bệnh tâm thần, cụ thể là hội chứng Mặc cảm về ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder - BDD).
Chụp ảnh tự sướng dùng để chỉ thói quen tự mình tìm ra góc hoàn hảo nhất trên khuôn mặt và chụp lại, sau đó đăng tải lên các trang mạng xã hội như một cách ghi nhật ký hoạt động của bản thân và thu hút sự chú ý của mọi người.
Tiến sĩ David Veale - bác sĩ tâm thần ở bệnh viện Priory, London (Anh) cho biết: “2/3 số bệnh nhân của tôi mắc hội chứng BDD kể từ khi dùng điện thoại di động để chụp ảnh tự sướng đưa lên các trang mạng xã hội". Ông khẳng định, chụp ảnh tự sướng không chỉ đơn thuần là chứng nghiện mà còn là triệu chứng của hội chứng BDD.
Những người "cuồng" chụp ảnh tự sướng thường bỏ ra hàng giờ để tìm góc đẹp nhất và chụp những bức ảnh hoàn hảo nhất. Họ đặc biệt chú ý đến vẻ ngoại hình, cố gắng che đi những điểm còn chưa đẹp của mình, trái ngược với nhiều người khác khi họ không mấy quan tâm đến điều này.
Các nhà khoa học đưa ra dẫn chứng về một trường hợp, đó là Danny Bowman - một thanh niên người Anh đã tự tử khi không thể tìm ra bức hình "tự sướng" hoàn hảo nhất của mình. Bởi niềm khao khát quyến rũ các cô gái mà Bowman đã bỏ ra 10 giờ mỗi ngày để chụp hơn 200 bức ảnh, nhằm tìm ra bức hình ưng ý nhất. Thói quen này bắt đầu từ khi Bowman 15 tuổi và nó đã khiến anh sụt gần 13 kg trong tuyệt vọng khi chưa tìm được tấm hình ưng ý.
Bowman đã không rời khỏi nhà ở Newcastle suốt 6 tháng và khi không chụp được bức ảnh "tự sướng" hoàn hảo, cậu đã cố gắng tự tử bằng cách uống thuốc quá liều. May mắn thay, mẹ Bowman đã phát hiện kịp thời để cứu sống Bowman và phải nhờ đến các bác sĩ nhằm cứu con khỏi thói quen mất kiểm soát.
Trường hợp của Danny thật sự là một hồi chuông cảnh tỉnh những ai có xu hướng chụp hình tự sướng quá nhiều và quan tâm quá mức về nó. Đây chỉ là một cách giải trí và từng để bản thân ám ảnh bởi những điều không có quá nhiều ý nghĩa trong cuộc sống.
Các nhà khoa học đã chỉ ra, xu hướng chụp ảnh "tự sướng" còn có nguy cơ gây hại đến hình ảnh và tâm lý của người chụp, tổn hại cho hình ảnh của những người chụp. Bên cạnh đó còn khiến những bạn trẻ dễ bị lạm dụng và tổn thương tâm lý.
Hầu hết mọi người đều đăng tải, chia sẻ hình ảnh, thông tin của mình trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram - nơi bạn bè hay người khác có thể "like" và đưa ra những lời nhận xét về bức ảnh, thông tin đó.
Tiến sĩ Jessamy Hibberd cho rằng: "Các bức hình được chia sẻ trên mạng là một cách mà những người trẻ tuổi tìm kiếm sự ủng hộ, chấp thuận từ bạn bè, đồng nghiệp của họ. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một số vấn đề về sự tự tin của bản thân người chụp".
Jessamy Hibberd nói thêm: "Đa số các bạn trẻ đăng tải ảnh để tìm kiếm sự khen ngợi, nhưng kèm với đó cũng có những ý kiến tiêu cực, lời nhận xét dễ khiến họ bị tổn thương. Nếu bức ảnh, lời tâm sự của bạn không nhận được bất kỳ "like" nào hay không ai "comment" vào bài viết, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy bối rối. Đây được coi như một sự kỳ vọng của giới trẻ khi nghĩ mình sẽ nhận được nhiều sự ưa thích về bức ảnh, các bài viết trên blog, hay trang cá nhân".
Trên thế giới cũng đã xuất hiện nhiều trường hợp kẻ xấu lấy ảnh rồi lắp ghép, chỉnh sửa... nhằm bôi nhọ hình ảnh khiến nạn nhân xấu hổ, tự ti đến mức tự tử. Có một sự thật rằng, hầu hết mọi người đều nhận thấy mặt tốt của các trang mạng xã hội nhưng chưa lường hết những việc xấu có thể xảy ra. Và khi vướng vào rắc rối, không phải ai cũng đủ can đảm, tự tin để đối phó với làn sóng phản ứng từ bạn bè, xã hội.
Tiến sĩ Jessamy Hibberd khẳng định: "Mỗi người đều có suy nghĩ, hoàn cảnh khác nhau, do đó, khó có thể quy chụp tất cả mọi người vào cùng một khuôn mẫu. Những ý kiến trái chiều sẽ phần nào làm tổn hại đến sự tự tin của các bạn trẻ. Nó có thể làm sai lệch phần nào nhận thức, suy nghĩ về bản thân họ trong cuộc sống sau này".
Theo Tiến sĩ Pamela Rutledge - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học Truyền thông ở Boston Massachusett (Mỹ): "Việc "nghiện" chụp ảnh tự sướng có thể là dấu hiệu của sự thiếu tự tin hoặc quá phụ thuộc vào sự chú ý của xã hội. Điều này khiến họ trở thành nạn nhân của các vấn đề khác".
Bác sĩ Panpimol Wipulakorn cho rằng, "tự sướng" là hành vi phổ biến được ưa thích của giới trẻ nhưng nó cũng là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần trong tương lai.