Ngọn núi lửa Erebus, tọa lạc trên bờ biển phía đông của đảo Ross ở châu Nam Cực, là một kỳ quan thiên nhiên vô cùng đặc biệt với độ cao 3.794 m trên mực nước biển. Erebus là một trong số ít núi lửa đang hoạt động trên thế giới, và điểm đặc biệt nhất của nó chính là khả năng phun ra vàng thật mỗi ngày.
Núi lửa Erebus nổi tiếng không chỉ bởi hoạt động địa chất của nó mà còn vì các luồng khí phun ra từ miệng núi chứa các tinh thể vàng siêu nhỏ. Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi ngày Erebus có thể phun ra khoảng 80 gram vàng kết tinh, với mỗi tinh thể nhỏ hơn 20 micromet, trị giá lên tới khoảng 6.000 USD.
Những hạt bụi vàng từ núi Erebus có thể bay xa và được phát hiện trong không khí cách ngọn núi khoảng 1.000 km. Tuy nhiên, do kích thước siêu nhỏ và phạm vi lan tỏa rộng, việc thu thập những hạt bụi vàng này trở nên cực kỳ khó khăn.
Không chỉ có vàng, Erebus còn phun ra nhiều loại khí khác nhau bao gồm hơi nước và đá. Theo NASA, ngọn núi này thường xuyên thải ra các luồng khí và hơi nước, đồng thời thỉnh thoảng phun ra đá. Tamsin Mather, một nhà khoa học người Anh chuyên nghiên cứu núi lửa, cho biết rằng magma tại Erebus có phản ứng hóa học khá kỳ lạ, tạo ra các hạt kim loại quý như vàng.
Dung nham bên trong núi lửa Erebus không ngừng hoạt động, và các loại khí mà nó phun ra thường chứa các hạt kim loại nhỏ, không chỉ riêng vàng. Conor Bacon, từ Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty tại Đại học Columbia ở New York, chia sẻ rằng những trường hợp như Erebus rất hiếm vì cần phải có những điều kiện rất cụ thể để bề mặt núi lửa không bao giờ bị đóng băng.
Ngoài sự kỳ lạ về địa chất, núi Erebus còn nổi tiếng vì một thảm kịch hàng không vào năm 1979. Ngày 28/11/1979, chuyến bay TE 901 của hãng hàng không Air New Zealand đã gặp tai nạn và lao thẳng vào sườn núi, khiến 257 người trên máy bay thiệt mạng. Thảm họa này là một cú sốc lớn đối với New Zealand và vẫn còn là nỗi ám ảnh với người dân nước này.
Ngày định mệnh đó, mặc dù trời nhiều mây, chuyến bay vẫn khởi hành. Khi máy bay hạ độ cao để du khách có thể ngắm nhìn cảnh đẹp bên dưới, nó đã gặp tai nạn và đâm vào sườn núi. Nguyên nhân vụ tai nạn sau này được xác định là do lỗi hệ thống định vị trên máy bay, và các phi công hoàn toàn không có lỗi trong vụ việc này.
Sau thảm họa, dịch vụ du lịch bay ngắm cảnh Nam Cực đã bị ngừng hoàn toàn. Cho đến nay, sự việc kinh hoàng năm đó vẫn là một phần ký ức đau buồn của New Zealand.