"Người ba mắt" ở Việt Nam và hạnh phúc giản đơn

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bị khiếm thị, nhưng khả năng đánh bắt cá, nhận biết tiền thật giả, ước lượng khối lượng chính xác của ông Thành khiến nhiều người nể phục.

Kỳ II: Khả năng ước lượng chính xác từng cân, lạng và hạnh phúc của người đàn ông mù.

Bị khiếm thị, nhưng khả năng đánh bắt cá, nhận biết tiền thật giả nhanh như máy, ước lượng khối lượng chính xác đến từng cân, lạng của ông Thành khiến ai cũng phải nể phục. Không những thế, ông còn tự mình bán quán, và đích thân đi buôn, chuyện khó tin với một người bị khiếm thị. Cũng chính bởi những biệt tài kỳ lạ này, mà ông đã tìm được cho mình một hạnh phúc giản dị nhưng viên mãn.

“Chuyên gia” bán hàng “tay bo”

Trong cái quán nhỏ của ông Thành, ngoài những món hàng lặt vặt, còn có cả rượu, xăng, dầu đèn (ngày xưa ở quê chủ yếu là dùng đèn đốt bằng dầu) và một số thứ khác như chè, hoa quả…, là những thứ phải đo đếm bằng khối lượng, bằng cân, lạng. Có điều là ông bị khiếm thị, nên những thứ để đong đếm như cân, lít thì ông chẳng bao giờ dùng, mà ông chỉ bán hàng cho khách bằng cách ước lượng. Và biệt tài của ông là ước lượng khối lượng không bao giờ nhầm.

Khi mua hàng, khách chỉ cần nói là mua bao nhiêu thì ông ước lượng đủ số lượng đó mà không cần cân. Những ngày đầu bán hàng kiểu đó, nhiều người không tin là ông ước lượng đúng, cứ bắt ông cân cho bằng được. Ông lấy cái cân đĩa ra cân thì quả đúng từng lạng không hề sai. Từ đó những người khách quen đến quán mua chẳng yêu cầu ông cân kẹo gì nữa. Bây giờ có cân đồng hồ, ông cũng đặt một chiếc ở quán, nhưng hầu như chẳng bao giờ dùng đến, vì chỉ có những người khách lạ không tin tưởng vào biệt tài của ông mới bắt cân. Và cứ sau một vài lần thấy ông ước lượng chính xác như dùng cân, thì chẳng ai quan tâm đến cái cân nữa…

Mô tả ảnh.
Hạnh phúc giản dị của vợ chồng ông Thành.

Ngoài biệt tài sờ nắn, ước lượng chính xác khối lượng đồ vật, ông Thành còn có biệt tài nghe tiếng bước chân của lợn, gà để ước lượng chính xác khối lượng của con vật đó. Khả năng của ông được minh chứng qua nhiều lần ông bán lợn, gà cho những tay thương lái. Có lần, nhà ông có mấy con lợn đến kỳ xuất chuồng, mấy tay thương lái yêu cầu ông cân, ông bảo: “Không cần, tôi biết chính xác chúng bao nhiêu cân!”. Người ta không nghe tin, bảo ông nói “xạo”, nhưng khi cân lên thì ông đoán con nào bao nhiêu cân thì chính xác bằng đó, sai số chỉ một vài lạng khiến mấy tay thương lái cứ há hốc mồm kinh ngạc. Tuy nhiên, nhiều người “bán tín bán nghi” cho là ông đã cân trước nên biết chính xác trọng lượng. Phải kiểm nghiệm thêm mấy lần nữa, mọi người mới tin hẳn. Từ đó mua lợn gà nhà ông chẳng ai đòi cân.

Không những thế, ở cái thời cân hiếm, người ta thường chỉ bán hàng “vo” theo kiểu ước lượng, thì ông Thành bỗng dưng trở thành “chuyên gia” đi ước lượng cân hộ những nhà hàng xóm. Họ thường nhờ ông đến ước lượng khối lượng lợn, gà trước khi bán cho lái buôn để đỡ bị “hớ”.

“Rinh” được vợ nhờ tài khác người

Ngoài biệt tài ước lượng khối lượng hàng hóa, ông Thành còn biệt tài là ước lượng khối lượng gỗ rất chuẩn chỉ bằng cách sờ nắn và gõ vào thân cây. Cũng vì cái tài này của ông mà bà Trương Thị Đồng (SN 1967), chỉ một lần tình cờ bán gỗ cho ông, đã mê ông như điếu đổ vì quá thán phục tài năng của ông. Bà khước từ rất nhiều đám “lành lặn”, để quyết “nâng khăn sửa túi” cho ông mù.

Lần đó ông Thành cùng một người nữa đi buôn gỗ, ông vào nhà bà Đồng hỏi mua gỗ. Bà Đồng thấy một người mù mà đi buôn gỗ thì lấy làm lạ và buồn cười lắm, bà chỉ ông ra vườn cây bạch đàn xem ông mua bán ra sao. Khi thấy ông chọn được những cây gỗ thẳng nhất, mà rất đều nhau chỉ bằng cách sờ nắn vào gõ vào thân cây, thì bà vô cùng ngạc nhiên. Bà Đồng không hiểu tại sao một người khiếm thị như ông lại có thể làm được việc như vậy. Qua lần đó và vài lần gặp gỡ nữa, do cảm phục cái tài và thương cảm hoàn cảnh của ông Thành nên hai người đã nên duyên vợ chồng.

Mô tả ảnh.
Ông Thành tự tay làm tất cả việc nhà giúp vợ con.

Ngày cưới diễn ra trong sự mừng vui của cả hai gia đình. Vì ngày đó chẳng có xe hoa như bây giờ, nên ông Thành đích thân đạp xe đến đón dâu. Con đường từ nhà ông đến nhà cô dâu cách nhau mấy cây số, đông nghịt người đứng xem, vì thiên hạ hiếu kỳ khi thấy chú rể bị khiếm thị mà lại đi được xe đạp, còn đèo thêm cô dâu.

Đã 25 trôi qua, nhưng cuộc sống hôn nhân của người đàn ông mù và người vợ hiền lành, tháo vát luôn êm ả, hạnh phúc. Họ đã có với nhau ba người con, các con đều chăm ngoan học giỏi. Mấy chục năm sống với chồng, bà Đồng vẫn một mực kính trọng, phục tài và nghị lực của ông…

Vượt lên số phận

Cả cuộc đời, từ nhỏ đến lúc trưởng thành, và mấy chục năm xây dựng gia đình, chưa bao giờ ông Thành có ý định dựa dẫm hay đầu hàng số phận. Ông xoay xở đủ nghề từ bán hàng, đi buôn đến học nghề nấu rượu để tăng thu nhập. Công việc nấu rượu khá khó khăn ngay cả với người bình thường, nhưng ông Thành vẫn làm được. Ông không chỉ biết nấu rượu mà còn nấu rượu rất ngon, nên rượu của ông nấu ra chẳng kịp bán. Ông còn chăn nuôi lợn, đích thân lấy bèo, băm rau nấu cám cho lợn. Ông cũng đảm nhiệm việc nấu cơm cho vợ con hằng ngày để vợ mình có thể chuyên tâm công việc đồng áng, và các con có thời gian học hành. Những đồ điện, máy móc trong nhà có hỏng hóc, cũng tự tay ông mày mò sửa chữa, chứ chẳng tốn một đồng công cho thợ sửa chữa bên ngoài.

Quả thực, nhìn ông Thành đi lại, làm việc nhà thuần thục, nhiều người không tin là ông bị mù bẩm sinh, họ bảo mắt ông vẫn nhìn thấy được nên mới có thể làm việc như người bình thường như vậy. Nhưng ít người hiểu thấu đáo rằng, để làm được những việc như người bình thường, thậm chí khác thường, ông Thành phải có nghị lực và quyết tâm phi thường. Ông quyết tâm làm mọi việc, không đầu hàng bất cứ việc gì, bởi ông không muốn dựa dẫm vào ai. “Ông Trời đã không cho tôi đôi mắt. Nhưng cha mẹ lại cho tôi bàn tay để lao động, bàn chân để đi lại thì tôi phải lao động để kiếm sống. Dựa dẫm vào người khác để sống tôi không quen, vì vậy bắt buộc phải cố gắng thôi!”, ông Thành tâm sự.

Chẳng những kiếm tiền giỏi, hay lam hay làm, ông Thành còn có máu “văn nghệ sĩ”. Ông đàn rất giỏi, giỏi nhất là đàn bầu. Trước kia ông còn tham gia vào ban nhạc hiếu, giờ thì bận bịu, lại ở tuổi xế chiều, nên ông nghỉ. Thi thoảng ông cũng hứng chí làm thơ. Thơ ông cũng nhiều lần được đăng trên báo tỉnh, phát trên sóng đài phát thanh của huyện.

Ông Thành là một người khiếm thị đáng kính trọng. Cả cuộc đời ông là chuỗi ngày không ngừng học hỏi, vươn lên, thoát khỏi cảnh tối tăm, giúp mình, giúp đời. Những điều ông làm được là phi thường, nhưng chính bản thân ông lại cho rằng việc làm của ông cũng chỉ là bình thường, chẳng có gì đặc biệt, chỉ là do ông cố gắng và chịu khó cảm nhận. Gặp ông, trò chuyện với ông, chúng tôi chỉ có thể lý giải rằng, tài năng của ông một phần do thiên bẩm, phần khác lại do sự cố gắng vượt bậc, một nghị lực phi thường. Chia tay chúng tôi, ông tặng chúng tôi bài thơ “Cuộc đời khiếm thị”. Bài thơ khá dài, chỉ xin trích ra đây vài câu:

“Xuân ơi xuân đến từ bao giờ

Một đôi mắt sáng đã mờ từ lâu

Ngày dài cho đến đêm thâu

Xa gần chẳng được đi đâu cùng người…

… Dù nhìn chẳng được như người

Nhưng tâm ta sáng rạng ngời tựa Đông”.

Nghị lực giúp mình, giúp đời

Không những tự mình vươn lên trong lao động, giúp bản thân và gia đình, ông Thành còn giúp đỡ được nhiều người cùng cảnh ngộ. Trong xã Tân Hưng có khoảng chục người khiếm thị được ông Thành chỉ dạy cho cách đọc chữ nổi. Ông còn truyền dạy cho họ cách tự lập, chỉ cho họ nghề đan nát để kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra, ông còn là người năng nổ trong công tác xã hội. Ông đã là Ủy viên của Ban chấp hành Hội người khiếm thị Bắc Giang nhiều khóa liền, và hiện là Hội trưởng Hội Người khiếm thị xã Tâm Hưng. Với những thành tích đã đạt được, ông được Tỉnh ủy và Hội tặng nhiều bằng khen, giấy khen…

Nghị lực của những cô gái ung thư khiến triệu người nể phục
Mặc dù mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác nhưng nghị lực sống phi thường của Khánh Thương, Ngọc Nữ, Khánh Vân... luôn luôn mãnh liệt, khiến nhiều người cảm phục.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn