Những chuyện ít biết thủ lĩnh đội tuyển U19 Công Phượng

15:15, Thứ năm 11/09/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Có năng khiếu và được đánh giá cao nhưng con đường đến với đội tuyển U19 Việt Nam của cậu bé suy dinh dưỡng Công Phượng gặp không ít chông gai.

Gia cảnh nghèo khó và nghị lực phi thường

Sinh ra ở vùng bán sơn địa nghèo thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), tài sản nhà Công Phượng không có gì giá trị ngoài chiếc TV do đồng đội ở U19 Việt Nam tặng.

Mô tả ảnh.

Ngôi nhà đơn sơ và khoảng sân từng là nơi Công Phượng cùng anh trai đá bóng.

Ở vùng đất cày lên sỏi đá, làm kinh tế rất khó khăn nên người dân làng Vồng Vổng chủ yếu ly hương để tránh cái đói, cái nghèo. Bố mẹ của Phượng là ông Nguyễn Công Bảy và bà Nguyễn Thị Hoa vì nhiều lý do nên phải ở lại bám trụ với mảnh đất quê hương.

Nhà thuộc diện hộ nghèo lại phải nuôi tới sáu miệng ăn nên mãi tới những năm sau 2000, nhiều bữa cơm của gia đình vẫn còn phải độn ngô, khoai, sắn, vốn là những sản phẩm nông nghiệp do gia đình làm ra.

Không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, ba anh chị đầu của Phượng phải vào miền Nam làm thuê kiếm sống. Phượng và anh trai Nguyễn Công Khoa ở nhà phải thả trúm bắt lươn và làm đủ thứ nghề để phụ giúp bố mẹ.

Ông Bảy làm nghề thợ xây, nhiều hôm đi làm không có người phụ giúp, đành phải bắt Phượng đi xách hồ, nhặt đá. Thương con phải xách xô hồ cao gần đến hông nhưng bởi hoàn cảnh gia đình, ông Bảy cũng đành phải nén nước mắt vào trong.

An ủi lớn nhất của Phượng là người anh trai Nguyễn Công Khoa. Những buổi chơi bóng cùng anh trai đã thực sự làm cho Phượng thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Nhưng cuộc đời chẳng ai học được chữ ngờ, trong một buổi trưa hè đi tắm khe, Khoa chết đuối, ra đi mãi mãi. Bà Hoa sụt tới 12kg vì cú sốc quá lớn, trong khi Phượng vốn đã trầm tính lại càng trở nên lầm lỳ.

Sau cái chết của anh trai, Phượng cả tuần liền không đến trường, bóng banh là niềm đam mê, Phượng cũng bỏ. Cậu bé chín tuổi bị bố đánh cho một trận no đòn vì dám cả gan xin bỏ học để vào miền Nam làm thuê. Chia ly, nghèo đói bao trùm khiến cho ngôi nhà nghèo dột nát càng trở nên bi đát hơn. Phượng đã gày yếu, lại suy sụp tinh thần nên còi xương, hệt như đứa trẻ suy dinh dưỡng.

Thương con, bà Hoa phải bán cả tạ lúa mới đủ lên thị trấn mua một quả bóng da về cho Phượng. Có quả bóng trong mơ nhưng nỗi nhớ người anh trai vẫn khiến Phương chưa thể lấy lại được niềm đam mê. Bà Hoa lại tiếp tục động viên con và đạp xe 18 km đưa Phượng lên thị trấn mỗi ngày để theo học lớp năng khiếu bóng đá của huyện.

Có năng khiếu, được đánh giá cao nhưng thử việc ở lò Sông Lam, Phương lại bị loại vì… thiếu cân. Xóm làng xì xào bàn tán Phượng bị suy dinh dưỡng nên không thể trúng tuyển khiến bà Hoa nhiều đêm khóc ròng, trong khi Phượng lần này nhất quyết bỏ học để vào Nam ở với anh chị và đi làm thuê.

Niềm hạnh phúc vỡ òa

Đến lúc bầu Đức mở Học viện bóng đá ở phố núi, rồi rầm rộ đăng tin tìm kiếm tài năng trẻ. Công Phượng cũng náo nức như nhiều bạn bè cùng lứa tuổi. Thế là Công Phượng lấy hết tài thuyết phục bố mẹ để được xuống thành Vinh thi tuyển. Công Phượng cũng lý luận rằng nếu làm học viên của Học viện do bầu Đức mở, không chỉ được ăn uống, luyện tập như cầu thủ chuyên nghiệp, mà việc học văn hóa cũng được đảm bảo.

Nhờ tài thuyết phục ấy, Công Phượng được bố mẹ đồng ý đưa xuống Vinh để thử vận may làm cầu thủ chuyên nghiệp một lần trong đời. Không may trước ngày xuống thành Vinh, Công Phượng bị đau nhẹ. Chưa kể do hồi hộp trong lúc thi thử, Công Phượng bị đánh trượt trong ngày thi hôm ấy.

Mô tả ảnh.
Công Phượng (trái) đóng góp hai bàn thắng trong trận U19 Việt Nam thắng U19 Arsenal 3-0.

Tưởng chừng thất bại đầu đời ấy làm cầu thủ nhí xứ Nghệ thối chí. Nhưng chỉ vài ngày sau, Phượng lại xin bố cho mình vào tận TP.Pleiku (Gia Lai) để có thêm cơ hội thi thố tài năng một lần nữa. Hoàn cảnh kinh tế chưa dư dả, nhưng bố Công Phượng cũng là người đam mê bóng đá, lại thương cho đam mê của con.

Thế là 2 cha con Công Phượng lại bắt chuyến xe nữa lặn lội từ Đô Lương (Nghệ An) để vào phố núi Gia Lai lần đầu trong đời.

Khi Công Phượng bước ra sân để thi thêm một lần nữa, các tuyển trạch viên của Học viện HA.GL Arsenal JMG, giật mình thấy gương mặt này quen quen. Đến khi Phượng thổ lộ từng thi rớt ở Vinh, rồi cùng cha bắt xe vào tận đây, tất cả các thầy đều khâm phục ý chí cầu tiến của cậu bé người Nghệ sinh năm 1995 này.

Chỉ khác so với đợt thi ở thành Vinh, Công Phượng giờ đã tự tin và mạnh mẽ hơn hẳn. Trong phần lừa bóng, tâng bóng, sút bóng,... Phượng đều thể hiện xuất sắc và nhận được điểm cao từ các thành viên của ban giám khảo. Cuối cùng, Công Phượng cũng nằm trong số 13 học viên trúng tuyển đợt một của đội bóng phố núi. Riêng 2 cha con Công Phượng ôm nhau khóc trong hạnh phúc, khi vượt qua đến 2 cuộc thi để có được hạnh phúc như ngày hôm ấy.

Thấm thoát đã qua 5 năm, kể từ ngày Phượng cùng đồng đội ăn tập, thi đấu, học hành tại đây. Không còn giống với cậu bé nhỏ nhắn ngày mới vào Hàm Rồng, Phượng giờ đã cao 1m67 và đóng vai trò tiền vệ tấn công của U17 Học viện HA.GL Arsenal JMG. Trong vai trò đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khôn ngoan và quyết đoán này, Phượng luôn tỏ ra xuất sắc trong vai trò cầm trịch, hỗ trợ cho các chân sút ở hàng tiền đạo.

Ngoài ra, kỹ thuật xử lý bóng và khả năng kiến tạo của cầu thủ gốc Nghệ cũng được HLV Guillaume và trợ lý Dương Minh Ninh đánh giá rất cao. Ở đội trẻ của thầy Guilaume, Công Phượng mang áo số 10, cũng đồng nghĩa là ''nhạc trưởng" của đội bóng U19 Việt Nam trong các trận đấu mà mình có mặt.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phương anh