Chế độ ăn uống đối với bệnh nhân viêm gan
Gan được ví như một nhà máy mà nguyên liệu chính là 3 nhóm: chất đạm, chất béo, đường... và các chất phụ gia không thể thiếu là khoáng chất. Do đó, chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng cho người bệnh gan. Thiếu dinh dưỡng thì gan không làm việc được nhưng dư thừa cũng không tốt vì gan yếu, khó loại thải chất dư thừa. Do vậy tốt nhất cần biết những thứ gì nên ăn và thứ gì nên tránh.
Những thực phẩm người viêm gan nên dùng
Protein (chất đạm): Là chất vô cùng quan trọng đối với người bệnh về gan. Cần bảo đảm 1g protein/kg cơ thể/ngày. Trong đó, 50% lượng protein này do ngũ cốc và rau quả cung cấp nên chỉ còn 50% là lấy từ thực phẩm như cá, thịt, trứng, sữa hoặc đạm thực vật như: đậu phụ... có nghĩa một ngày chỉ cần 200g cá hoặc 100g thịt nạc, trứng và cốc sữa là đủ. Protein từ cá và sữa bò rất tốt cho người yếu gan vì dễ tiêu hóa. Trong sữa bò tươi hoặc sữa bột pha tương ứng có khoảng 3,7% chất đạm và 3,5% chất béo. Chất béo trong sữa bò thuộc loại khó tiêu hóa nên người ta thường khuyên người yếu gan không nên uống nhiều sữa chứ không phải là kiêng sữa (mỗi ngày nên uống 1 cốc).
Chất béo: Người bệnh gan cần giảm các chất béo, hạn chế ăn các món rán, chứ không phải kiêng hẳn chất béo. Một nghiên cứu cho thấy: ăn nhiều chất béo cùng với giảm protein và bột đường làm gia tăng quá trình xơ gan ở người viêm gan siêu vi C. Trong khi đó, một nghiên cứu khác chứng minh chất lecithin có nhiều trong lòng đỏ trứng gà và đậu mè các loại chứa nhiều acid béo, omega-3 rất cần cho người bị bệnh về gan mạn tính kể cả viêm gan siêu vi A, B, C. Lòng trắng trứng chứa nhiều methionin, eytein, eystin là các acid amin bảo vệ gan. Như vậy, người bệnh về gan có thể cách ngày ăn một quả trứng luộc. Acid béo và omega-3 từ thực vật hay từ cá đều tốt cho gan và làm chậm quá trình ung thư hóa gan. Do đó, chất béo từ cá, trứng, đậu mè tốt cho gan. Điều cốt yếu là không dùng dư thừa. Chú ý nên chế biến thực phẩm theo lối kho, nấu, luộc, hấp chưng chứ không nên rán.
Vitamin và khoáng chất: Các vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho gan. Mỗi ngày cần bảo đảm đủ rau quả tươi (rau xanh 200g + củ quả non 1.000g + quả chín tươi 200g). Trường hợp người già yếu không thể ăn đủ sinh tố qua rau quả thì có thể bổ sung thêm viên đa sinh tố khoáng chất..
Những thực phẩm người bệnh gan nên tránh
Các thức uống có chất cồn (rượu, bia...), thuốc lá, tránh ăn thực phẩm ôi thiu, nhiễm hóa chất, tránh lao động quá sức. Người bệnh gan cần chú ý ăn uống hợp lý, không được ăn dư thừa hoặc đưa các chất độc hại vào cơ thể. Nguyên tắc ăn uống hằng ngày là chọn thức ăn dễ tiêu và không kiêng quá mức sẽ dẫn đến suy kiệt cơ thể.
Xét nghiệm chẩn đoán viêm gan cấp
Tất cả các thông số xét nghiệm dưới đây đều rất cần để phát hiện được nguyên nhân gây bệnh, theo dõi được quá trình tiến triển bệnh và xác định được chức năng gan bị ảnh hưởng như thế nào, từ đó có hướng điều trị phù hợp.
Khám lâm sàng:
Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ ấn nhẹ lên bụng để xem bạn có đau và khám xem gan có to không, da và mắt có vàng không.
Người bệnh được làm các xét nghiệm điển hình sau:
Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm chỉ số men gan như: ALT, AST
Xét nghiệm bất thường về bài tiết mật ở gan như: GGT, ALP.
Xét nghiệm máu: giúp phát hiện kháng thể virus viêm gan và kháng nguyên trong máu giúp xác định loại virus nào gây bệnh.
Siêu âm: giúp xem có dịch, gan to hay tổn thương trong ổ bụng hay không.
Ngoài ra, người bệnh có thể làm thêm các xét nghiệm khác do bác sĩ chỉ định như:
Tiến hành thêm xét nghiệm viêm gan virus (A, B, C,…) để xác định rõ nguyên nhân gây viêm gan cấp.
Sinh thiết gan: đây là thủ thuật xâm lấn, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô gan. Xét nghiệm giúp xác định xem có nhiễm trùng, viêm hoặc tổn thương gan hay không.