Có cho mình một cuốn sổ ghi chép
Hiện nay có nhiều ứng dụng cho phép bạn ghi chép lại chi tiêu nhưng người Nhật vẫn giữ thói quen dùng sổ ghi chép. Mỗi người dân Nhật Bản có cho mình một cuốn sổ và một cây bút.
Các nghiên cứu cho thấy bạn sẽ ghi nhớ nhiều thông tin hơn nếu bạn thực sự viết xuống từng chữ cái thay vì gõ chúng trên màn hình.
Người Nhật gọi cuốn sổ tài chính này là Kakeibo. Nó đã có từ năm 1904. Hani Motoko là người phát minh ra phương pháp này. Bà cũng được coi là nhà báo nữ đầu tiên của Nhật Bản.
Nếu không mua được cuốn sổ tay kakeibo đặc biệt của người Nhật Bản, bạn vẫn có thể biến cuốn sổ thông thường thành sổ kakeibo.
Ghi chi tiết thu nhập hàng tháng
Bạn cần viết ra tất cả các nguồn thu và số tiền kiếm được trong một tháng. Bạn có thể lập bảng cho mỗi tuần hoặc gạch đầu dòng, chia cột,…
Vào đầu tháng, hãy viết thu nhập bạn chắc chắn nhận được bằng màu đỏ. Những khoản thu nhập bổ sung ghi lại bằng màu xanh. Ghi chép lại từng đồng bạn có được, dù là tiền lương, hàng hóa bán được hay khoản nợ đã trả...
Kế hoạch tiết kiệm hàng tháng
Bạn vẽ một bảng khác vào sổ. Tại đây bạn sẽ viết ra số tiền bạn muốn tiết kiệm mỗi tuần của tháng tương ứng. Quan trọng là bạn phải quyết định số tiền này trước khi bạn bắt đầu lập kế hoạch chi tiêu của mình.
Kế hoạch chi tiêu hàng tháng
Bạn cần thắt chặt chi tiêu hàng tháng để có thể đạt được số tiền tiết kiệm như kế hoạch. Do đó, bạn hãy viết các chi phí cố định mà bạn cần chi trong tháng như tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước, hóa đơn điện thoại, internet.
Lên kế hoạch cho các chi phí còn lại
Số tiền còn lại sau khi bạn trừ các khoản chi tiêu thông thường và thêm những thứ bạn muốn tiết kiệm là số tiền bạn có thể chi tiêu. Có thể chia thành 4 loại:
- Chi phí sinh hoạt như thực phẩm, quần áo, khí đốt, sản phẩm gia dụng,…
- Chi phí cho văn hóa và giáo dục như vé tham dự các cuộc triển lãm ở bảo tàng hoặc các khóa học giáo dục.
- Chi phí cho giải trí: bạn cần ghi lại từng bữa trưa hoặc bữa tối đã tiêu bao nhiêu tiền.
- Chi phí cho những thứ khác: bạn cần tính tất cả các chi phí không phù hợp với bất kỳ danh mục nào đã nói ở trên.
Tỷ lệ mức chi cho 4 loại trên tùy thuộc vào bạn.
Vạch ra chiến lược tương lai
Đến cuối tháng bạn hãy tổng kết xem mình có thực hiện đúng kế hoạch không. Từ đây bạn sẽ rút ra được kinh nghiệm để lập kế hoạch tài chính tháng sau tốt hơn.
Sau khi bạn đã viết ra tất cả thu nhập, chi phí và khoản tiết kiệm của mình, hãy để một cuốn sổ thứ hai, nhỏ hơn bên mình. Bạn nên mang theo nó mọi lúc mọi nơi. Viết tất cả những gì bạn chi tiêu vào đó, kể cả chỉ là một thanh kẹo vài nghìn đồng.
Hãy lập danh sách mua sắm mỗi khi đi mua hàng tạp hóa - nó sẽ giúp bạn theo dõi chi tiêu của mình.