Trong kiếp nhân sinh con người có phúc có họa đều do những gì chúng ta đã tạo ra trong quá khứ và hiện tại. Người xưa nói “Ông trời có đức hiếu sinh”, đối với bất kể sinh linh nào đều là dùng từ bi mà đối đãi. Theo đó những người tạo được phước lành thì sẽ được hưởng vận may và tài lộc. Nhưng nếu chúng ta làm những việc xấu thì sẽ gặp họa tuy nhiên ông trời để đức hiếu sinh nên những người làm sai mà biết hối cải, sám hối, sửa sai thực hiện tích đức làm việc thiện thì sẽ được giải xui, hóa giải vận xấu.
Do đó theo lời dạy của người xưa trong cuộc đời này dù đã tốt hay chưa tốt thì muốn hoán cải vận xui thì tập trung vào hai chữ sám hối.
Sám hối thành tâm để sửa sai, chuyển họa thành phúc
Chuyện kể về Yến Huệ An, vốn người huyện Đan Dương, phủ Trấn Giang cho thấy chuyện sám hối có giá trị lớn. Bố mẹ Huệ An đến tuổi trung niên, cầu thần khắp nơi mới sinh được anh ta. Bởi thế, từ nhỏ Huệ An đã được cưng chiều. Đến tuổi học hành, anh cũng tỏ ra là người có chí, mong lập được công danh, sau này vinh quy bái tổ.
Tuy nhiên Huệ An hay tụ tập đem chuyện nam nữ ra đàm luận, chọc ghẹo lẫn nhau. Khi ấy, nhà hàng xóm có một thiếu nữ trạc tuổi Huệ An. Ban đầu, Huệ An khoét một lỗ nhỏ trên tường để nhìn trộm nàng, về sau còn dám trèo tường sang trêu hoa ghẹo nguyệt. Huệ An cả ngày chỉ tơ tưởng đến chuyện dâm dục, dần dần xao nhãng học hành. Huệ An còn lấy chuyện lên kinh để sống nơi thành thị nhằm thỏa mãn dục vọng. Anh ta sa đà vào thói xấu, nào là trà quán, tửu lầu, ngõ liễu phố hoa, nào là lầu xanh gác tía, đâu đâu cũng in dấu chân của anh. Hàng ngày, Huệ An cử chỉ phóng đãng, nói năng tuỳ tiện, đốt tiền vào tửu điếm, lầu xanh, xới bạc, phóng túng ăn chơi, không từ việc xấu nào. Anh lại thích đọc dị thuyết, tà thư, tinh thần hoảng hốt hệt như trúng tà.
Năm thứ ba, trong một lần tản bộ, dạo chơi trên phố, Huệ An gặp được một người đang phát sách hướng thiện. Anh đưa tay đón lấy, giở ra xem thì thấy ghi mấy chữ “Cảm Ứng Thiên”. Tò mò đọc thử, anh không khỏi giật mình kinh sợ, suy xét lại bản thân mình thì như chợt tỉnh cơn mê, thầm nghĩ:
“Những chuyện miêu tả trong sách này đều giống hệt mình, cứ như là đang viết về mình vậy. Đúng là lâu nay ta đã ngu si biết bao, xấu xa, bại hoại biết bao! Bậc thánh hiền xưa đều khuyên bảo con người từ bỏ tà dâm, thế mà ta vẫn cứ tham luyến không nỡ rời, lại còn phóng đãng không chút kiêng dè, thật đúng là tự mình đày đoạ mà!”.
Hôm đó, Huệ An về nhà liền vội đốt nhang, quỳ xuống cầu nguyện, phát thệ quyết không bao giờ tại phạm tà dâm. Anh còn muốn thức tỉnh tất cả mọi người dứt bỏ tà dâm và in tặng cả nghìn quyển sách hướng thiện này những mong tiêu giảm tội nghiệp trước đây.
Chỉ 2 năm sau, khi đã thực hiện tất cả những lời hứa của mình, đến kỳ thi huyện, Huệ An đỗ đầu bảng. Từ đó, anh lại càng thêm gắng sức, hết lòng khuyên bảo người đời, in sách tặng, thật sự đã tạo nên công đức rất to lớn, cải biến được không biết bao nhiêu người trở về từ cõi lầm lạc.
Huệ An còn có một người bạn học cùng trường vẫn cố chấp mãi không thay đổi. Người này trong một lần gian dâm bị bắt quả tang, đã phải đồng ý bồi thường, viết biên lai vay mượn tiền mới được người ta tha đánh. Quá hổ thẹn, lại sợ bị cha phát hiện rồi trừng phạt, anh này đã nhảy sông tự vẫn. Tiếc là anh không nghe lời khuyên của Huệ An sớm để đến nỗi thân chìm dưới 3 thước nước, chịu làm mồi cho cá.
Huệ An đã thức tỉnh đúng lúc và sám hối sửa sai kịp thời, gắng làm việc thiện để cứu người nên được đỗ đạt vinh hiển, sau sống trường thọ. Con cháu của Huệ cũng đều gặt hái thành công hiển hách.
Sám hối sửa sai, lấy lại công danh
Chuyện về Tôn Hồng có thể là một bài học cho nhiều người. Thời trẻ, Tôn Hồng kết thân với một người bạn học tại Thái học viện. Hai người qua lại mật thiết, tình cảm rất tốt, đối với nhau chẳng khác nào anh em ruột, gặp phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chịu, thư nhà gửi đến cũng đều không giấu, thường mang ra đọc cùng nhau.
Một lần, người bạn nhận được thư nhà nhưng lại giấu đi không cho Tôn Hồng xem. Thấy thái độ của bạn có phần lạ lùng, khó hiểu, Tôn Hồng bèn lân la dò hỏi. Người bạn trả lời: “Trong thư nhà gửi lên có vài lời e huynh đọc xong sẽ cảm thấy buồn”. Thấy sự việc càng kỳ quái, Tôn Hồng nhất quyết muốn xem. Người bạn bất đắc dĩ phải chiều lòng, đưa ra bức thư cha mình gửi.
Trong thư viết: “Hôm qua, ta có một giấc mơ rất kỳ lạ. Có một vị Thần nói cho ta biết trước danh sách thí sinh thi đỗ bảng vàng. Vị ấy dẫn ta đến một phủ quan cho xem. Ta nhìn thấy rất rõ ràng trên bảng vàng có tên con và Tôn Hồng”.
“Nhưng dưới tên của Tôn hồng lại có dòng chữ đỏ, nói rằng vào năm ấy, tháng ấy đã thay một người người nào đó viết giấy ly hôn. Thiên thượng trách phạt bèn huỷ tên cậu ta, công danh vì thế cũng tiêu tán”.
Tôn Hồng xem xong thất kinh, sợ đến toát cả mồi hôi lạnh. Người bạn thấy anh ta thần sắc khác thường vội gặng hỏi. Tôn Hồng bèn cứ thành thật mà nói: “Đúng vậy, mới đây tôi có gặp một cặp vợ chồng già. Hai người cãi nhau gay gắt, trong cơn giận có ý muốn ly hôn. Nhưng lại chẳng có ai giúp họ viết giấy nên tôi đã làm giùm. Khi ấy tôi quả không có ý gì khác nên cứ vô tư mà làm, chẳng ngờ vì thế mà bị trời cao khiển trách”.
Thấy Tôn Hồng lo âu, sợ hãi, người bạn an ủi: “Việc trong mơ thường không rõ ràng, thật giả khó mà biết được. Huynh cũng chớ để trong lòng. Huynh là người có tài, lẽ nào lại không đỗ bảng vàng cho được?”.
Kỳ thi đến, khi kết quả được niêm yết, quả nhiên người bạn kia thi đỗ còn Tôn Hồng trượt khỏi bảng vàng. Điều này khiến cả hai không khỏi kinh ngạc, càng tin giấc mơ kia là điềm báo, điểm hoá của Thần, quyết không phải là huyễn mộng.
Tôn Hồng bấy giờ rầu rĩ, hối hận khôn nguôi. Người bạn cũng áy náy không thôi, mới bày ra một kế: “Huynh chớ quá đau buồn, lúc tôi trở về sẽ khuyên nhủ cặp vợ chồng già đó kết hôn trở lại, bù đắp lỗi lầm của huynh, ý huynh thế nào?”.
Tôn Hồng nghe theo lời, liền đưa danh tính và chỗ ở của cặp vợ chồng già nọ cho người bạn. Về sau, người bạn nọ tìm đến nơi, thấy rằng cả hai người họ đều chưa tái hôn, liền đem sự tình của Tôn Hồng nói ra, lại cho chuẩn bị tiệc rượu, đem lời tốt đẹp mà hoà giải hai người, khuyên họ nên tái hôn.
Việc xong xuôi, người bạn bèn viết thư báo lại cho Tôn Hồng yên lòng. Tôn Hồng xem thư xong vui mừng khôn xiết, cảm kích vô cùng. Về sau, quả nhiên sự nghiệp của Tôn Hồng thăng tiến như diều gặp gió. Anh được miễn thi tỉnh, một bước lên mây, giữ chức thị lang. Trong khi tại chức, phàm là cặp vợ chồng nào cãi nhau muốn ly hôn, Tôn Hồng đều nghĩ mọi cách hoà giải cho họ, bảo toàn tổ ấm cho rất nhiều người.
Trong dân gian có câu ở đời kỵ nhất là khuyên người khác ly hôn thế nên việc Tôn Hồng làm viết giấy ly hôn cho cặp vợ chồng kia được xem là việc tổn phước rất lớn. Vì thế sau khi sám hối sửa sai thì đã gặp thuận lợi trong cuộc sống.
*Thông tin mang tính tham khảo chiêm nghiệm