Nguy cơ nhiễm Covid-19 giữa người chưa tiêm, đã tiêm 2 mũi và 3 mũi vắc-xin khác nhau thế nào?

08:00, Thứ bảy 20/11/2021

( PHUNUTODAY ) - Vắc-xin ngừa Covid-19 không bảo vệ tuyệt đối, hiệu lực bảo vệ của từng loại vắc-xin cũng khác nhau. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc-xin vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

Nguy cơ nhiễm Covid-19 giữa người chưa tiêm, đã tiêm 2 mũi và 3 mũi vắc-xin khác nhau thế nào?

Ngày 19/10/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) báo cáo những người chưa tiêm vắc-xin có khả năng nhiễm Covid-19 cao hơn 6,1 lần so với những người được tiêm đầy đủ. Rõ ràng là nếu bạn không bị nhiễm thì không thể lây bệnh cho người khác. Điều đó chính là hiệu quả của vắc-xin. Các nghiên cứu ban đầu cho cả Pfizer và Moderna đều cho thấy hiệu quả của vắc-xin là 95%.

Những người đã tiêm đủ 02 mũi vắc-xin ít có nguy cơ bị nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, có triệu chứng hoặc không có triệu chứng.

Theo một nghiên cứu mới từ Anh, liều vaccine thứ ba làm giảm 2/3 nguy cơ mắc Covid-19 và do đó, đã giúp giảm số ca mắc Covid ở Anh trong tháng qua.

vacxin

Nghiên cứu thực hiện bởi Đại học Hoàng gia London, xem xét kết quả xét nghiệm Covid-19 của 100.000 người ngẫu nhiên.

Giáo sư Paul Elliott, đến từ từ Đại học Hoàng gia London, cho biết: "Trong vòng 14 ngày sau khi tiêm liều thứ ba, nguy cơ nhiễm Covid-19 giảm 2/3 - vì vậy liều vaccine này rất, rất hiệu quả".

Kết quả nghiên cứu cho thấy những người được tiêm ba mũi vaccine Covid-19 có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn 62% so với người tiêm hai liều.

Và kể từ khi triển khai tiêm liều tăng cường vào tháng trước, tỷ lệ nhiễm Covid-19 của Anh đã giảm từ 1,72% xuống còn 1,57%.

Số liệu mới của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cũng cho thấy người tiêm liều tăng cường có nguy cơ nhiễm Covid-19 thấp hơn tới 80% so với những người không tiêm liều nào.

Và liều tăng cường thậm chí còn có hiệu quả tốt hơn trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và tử vong.

Giáo sư Elliott cho biết thêm: "Việc triển khai tiêm vaccine tăng cường số lượng lớn thật sự rất ấn tượng và chúng tôi đã thấy những tác động tích cực của liều tăng cường.

"Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nhưng đây là những dấu hiệu tích cực quan trọng - hy vọng số ca mắc sẽ không tăng trở lại".

Tiến sĩ Simon Clarke, từ Đại học Reading, Vương quốc Anh, nói thêm: "Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của chiến dịch tiêm liều tăng cường trong việc hạn chế số ca bệnh".

Ngày 16/11, Anh ghi nhận 38.263 ca mắc COVID-19 mới, giảm 3% so với 7 ngày trước. Cùng ngày, Anh báo cáo 201 trường hợp tử vong.

Hồi đầu tháng 11, Bộ Y tế Israel cũng công bố dữ liệu về hiệu quả liều tăng cường của vaccine COVID-19 do Pfizer và đối tác BioNTech sản xuất.

Theo đó, nguy cơ mắc bệnh nặng giảm đáng kể ngay sau khi tiêm liều vaccine thứ ba của Pfizer.

Từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9, khi biến thể Delta chiếm ưu thế, các nhà nghiên cứu Israel đã theo dõi hơn 1,4 triệu người đã tiêm hai liều vaccine Pfizer trước đó ít nhất 5 tháng. Trong đó, một nửa đã tiêm liều vaccine Pfizer thứ ba ít nhất một tuần trước khi tham gia nghiên cứu.

Kết quả cho thấy những người được tiêm liều tăng cường có nguy cơ nhập viện liên quan đến COVID-19 thấp hơn 93%, nguy cơ mắc bệnh nặng thấp hơn 92% và nguy cơ tử vong do COVID-19 thấp hơn 81%.

Vì sao tiêm vắc xin phòng Covid-19 vẫn dương tính với virus Sars-coV-2?

Lý giải nguyên nhân những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 rồi vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam phân tích: Vaccine phòng COVID-19 là loại vaccine mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vaccine có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không.

Tuy nhiên, việc tiêm vaccine sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện nay cũng chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm là bao lâu. Ngoài ra, vaccine không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh.

Trên thực tế, có những loại vaccine hiệu lực bảo vệ với 90%, nhưng có vaccine chỉ hiệu lực bảo vệ khoảng 50%-60%. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

Với những người tiêm đủ 2 mũi vaccine với đủ thời gian khuyến cáo thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ nhưng không phải tất cả mọi người đều có.

Hơn nữa, đây là chủng virus mới nên cũng cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá vaccine này có hiệu lực bảo vệ tốt với chủng Ấn Độ hay không.

“Tuy nhiên, phải khẳng định rằng khi tiêm vaccine COVID-19, nếu chưa cản được sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 thì vaccine sẽ giảm tình trạng nặng và tử vong đối với người nhiễm,” PGS.TS Trần Đắc Phu chỉ rõ.

Người đã được tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt là những người mới chỉ được tiêm 1 mũi vaccine vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khác, đặc biệt là biện pháp 5K.

Nguyên nhân là do vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp.

Sau tiêm mũi vaccine thứ 2 từ một tháng trở ra thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vaccine.

“Lý do thứ 2 là vaccine không bảo vệ tuyệt đối nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh, điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác”, TS. Phạm Quang Thái cho biết.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vaccine COVID-19 vẫn rất cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, trong đó có 5K: Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Vũ Ngọc