Nhận hàng hóa từ người khác sao cho an toàn, chả lẽ xịt khuẩn lên đồ ăn: Bác sĩ trả lời

( PHUNUTODAY ) - Làm thế nào để đảm bảo an toàn khi nhận hàng hóa từ người khác là quan tâm của nhiều người trong mùa dịch hiện nay.

Tình hình dịch bệnh ở nước ta đang diễn biến rất phức tạp. Mỗi ngày ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm mới. Việc hạn chế tiếp xúc với người khác là điều cực kỳ quan trọng để giữ an toàn cho bản thân.

Thực phẩm, đồ dùng thiết yếu được lực lượng quân đội phân phát từng nhà, còn các nơi khác, người dân cũng ưu tiên việc đặt hàng online để hạn chế việc tiếp xúc.

Nhiều người được khuyên cần xịt khuẩn bất cứ lúc nào có tiếp xúc với người lạ hay đồ vật bên ngoài. Nhưng chả nhẽ nhận thực phẩm lại đi xịt khuẩn vào đồ ăn?

8

Chuyên gia chỉ cách sát khuẩn đúng để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm

Theo BS. Nguyễn Văn Ngoan (Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ) cho biết: Để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh khi nhận hàng hóa từ người khác, bạn cần đặc biệt lưu ý việc giữ khoảng cách tiếp xúc, đeo khẩu trang và vệ sinh, sát khuẩn.

Theo BS. Ngoan, việc đầu tiên mà mọi người khi nhận hàng từ người khác là phải giữ khoảng cách ít nhất 2m và đeo khẩu trang đúng cách.

Khi đã nhận hàng xong, nên sử dụng dung dịch khử khuẩn như cồn khoảng 70 độ xịt lên bao bì hàng hóa hay bao bì đựng thực phẩm. Sau đó, loại bỏ mọi bao bì không cần thiết rồi bỏ vào thùng rác có nắp đậy.

Tiếp đó, rửa sạch tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có cồn rồi dùng bao bì hay khay chứa đựng khác chuẩn bị sẵn để chứa đồ vừa nhận.

Với các sản phẩm không đóng gói, chẳng hạn như trái cây rau quả, cần rửa sạch dưới vòi nước.

Nếu lỡ có vô tình xịt cồn vào thức ăn hay thực phẩm thì cũng đừng quá lo lắng. Bởi cồn có tính chất bay hơi nên sẽ không ảnh hưởng gì. Những thực phẩm như rau, củ, quả dính cồn chỉ cần rửa sạch với nước là được. Với những hàng hóa có bao bì như lon, chai, hộp… thì người nhận có thể lau sạch bằng chất khử khuẩn trước khi mở sử dụng hoặc cất giữ.

9

Bên cạnh đó, mọi người cũng cần chú ý vệ sinh bề mặt tiếp xúc

Tại các vị trí tiếp xúc với hàng hóa mới mang về như mặt bàn, tủ, kệ bếp… cũng cần phải được được lau sạch bằng dung dịch sát khuẩn. Đây là những địa điểm mà thời gian tồn tại của virus ở một số bề mặt như gỗ có thể lên đến 4 – 5 ngày, giấy 3 – 5 ngày, nhôm 2 – 8 giờ, găng tay trong 8 giờ, áo choàng 1 – 2 giờ

Chính vì thế, việc lau sát khuẩn ở các bề mặt tiếp xúc với hàng hóa mang về là rất cần thiết.

Chỉ có điều, không nên lau sạch ngay sau khi vừa phun xịt dung dịch lên bề mặt. Tốt nhất để ướt bề mặt trong vài phút cho tăng hiệu quả sát khuẩn.

Với những thứ như tiền, biên lai giao nhận hàng từ người khác cũng cần được sát khuẩn kỹ càng.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link