Dùng hóa chất để tạo mùi thơm
Đáp ứng nhu cầu này, thị trường nhang cũng ngày càng sôi động với sự xuất hiện của nhiều mẫu mã chủng loại vô cùng phong phú. Một số loại nhang mới xuất hiện, được nhiều người tiêu dùng ưa thích là nhang có mùi thơm của hoa hồng, hoa quế, hoa nhài... và đặc biệt thơm rất lâu. Hương cháy hết lâu rồi mà mùi thơm vẫn phảng phất trong nhà. Hay hương đốt xong có tàn trắng xóa như tuyết (bông), phủ khắp bàn thờ.
Tuy nhiên, tất cả các loại hương này đều không được tạo từ thảo mộc, tự nhiên. Qua tìm hiểu mới biết, loại nhang có mùi thơm lâu được xịt một loại chất tạo mùi không rõ nguồn gốc xuất xứ để tăng mùi thơm và giả mùi hương liệu tự nhiên. Các loại hóa chất này có dạng lỏng, đựng trong can nhựa trắng, có mùi thơm đặc trưng của các loài hoa, đang được bày bán công khai tại phố hàng Hòm (Hà Nội), chợ Kim Biên (TP.HCM) với giá cao nhất là 20.000 đồng/lít, không nhãn hiệu, không tiêu chuẩn chất lượng. Các cơ sở sản xuất nhang thường mua loại hóa chất này về xịt vào cây nhang đã làm xong. Một lít hóa chất có thể xịt cho 10.000 cây nhang, khiến chúng có hương thơm ngát, thơm lâu, giá lại rẻ.
Đa số những sản phẩm tạo hương thơm hiện nay đều có nguồn gốc từ dầu mỏ chứ không phải là hương liệu thiên nhiên như trước kia. Về nguyên lý hóa học, những mùi thơm trên được tạo thành từ những vòng benzen, vòng thơm này khi phát tán có thể theo đường hô hấp vào cơ thể gây khó thở, viêm đường hô hấp, kích thích cơn hen, đồng thời có khả năng bẻ gãy cấu trúc tế bào cơ thể gây rối loạn nội tiết.
Các nghiên cứu trước đó của Viện khoa học sức khỏe môi trường Mỹ từng khẳng định: Việc tiếp xúc với mùi thơm có chứa chất hữu cơ tên là 1,4 dicholorobenzen có thể làm giảm 4% chức năng phổi. Một số chất hữu cơ khác như acetone, limonene, este có thể gây dị ứng mắt, kích thích đường hô hấp, gây đau đầu và chóng mặt. Chất phthalates có trong nước thơm tẩy mùi có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và phát triển, tổn thương nội tạng, suy giảm miễn dịch, rối loạn nội tiết.
Một nghiên cứu khác tiến hành ở 10 nước châu Âu cho thấy, sử dụng thường xuyên các sản phẩm tạo mùi thơm hàng ngày khiến các bà mẹ mang thai dễ bị đau đầu và trầm cảm hơn, đồng thời con của họ dễ có nguy cơ tiêu chảy, dị ứng, mẩn ngứa. Đáng lo ngại hơn nữa là rất nhiều sản phẩm tạo mùi thơm có chứa các chất ô nhiễm gây ung thư thuộc nhóm đặc biệt nguy hiểm.
Dạo một vòng thị trường nhang, cứ như lạc vào "ma trận" mùi hương, từ hương trầm, quế, sứ, lài, hoa hồng, hoa cúc... đến những mùi chẳng biết gọi là gì. Hàng trăm nhãn hiệu, mỗi nhãn hiệu lại có vài chục mùi hương trở lên khiến khách hàng chẳng biết chọn lựa thế nào. Quan sát người mua mới thấy hầu như chẳng ai hỏi về thương hiệu, chất lượng hoặc thành phần có trong nhang mà chỉ quan tâm đến mùi hương đó thơm lâu không, thơm như thế nào...
Loại mùi hương được nhiều người hỏi mua nhất là mùi trầm. Chỉ riêng mùi trầm đã có khoảng vài chục mùi khác nhau, từ trầm nhẹ, trầm thường, trầm đặc biệt đến trầm nội, trầm ngoại nhập... Tình trạng phổ biến là gần như 100% nhãn hiệu nhang không hề ghi thành phần, hương liệu sử dụng trong nhang. Về địa chỉ cơ sở sản xuất thì hiếm hoi với có vài nhãn hiệu in trên bao bì.
Một chủ cơ sở cung cấp vật liệu làm nhang ở đường Phạm Văn Hữu (quận 6, TP HCM) xác nhận là không thể biết được cách thức các cơ sở làm nhang đã pha chế mùi thơm như thế nào, liều lượng hương liệu sử dụng ra sao. Ông cho biết: "Gia đình chúng tôi chỉ xài nhang thường cho... chắc ăn!". Theo ông, mùi trầm thật ra là toàn... hương liệu chứ làm gì có trầm thật. Chợ Kim Biên là nơi tập trung mua bán các loại hương liệu này. Công thức làm nhang thì như nhau nhưng mỗi nơi có cách pha chế hương thơm theo "gu" của mình, thường pha trộn 3-4 loại mùi hương, nên không có nhãn hiệu nào bị trùng mùi hương cả.
Mục kích sở thị tại cơ sở làm nhang, thấy rõ quy trình tẩm nhang thơm khá đơn giản. Đây là khâu cuối trước khi đóng gói nhang. Mùi hương được pha chế cùng với cồn trong bình xịt (giống như bình xịt thuốc rầy), mỗi lít xịt được 20 thiên (20.000 cây), mỗi lần xịt khoảng một thiên, để khoảng 5 phút cho mùi thơm ngấm vào. Một số nơi thì pha chế hương liệu trong thùng phuy, nhang được nhúng vào đấy, hương thơm sẽ đều hơn. Đối với nhang trầm, hương thơm được trộn nhiều lần ở khâu làm bột để giữ mùi lâu hơn. Lượng cồn sử dụng nhiều hay ít tùy theo "lương tâm" của nhà sản xuất, quá nhiều có thể gây cay mắt, khó chịu cho người tiêu dùng nhưng lại lợi cho nhà sản xuất.
Các loại tinh dầu thơm bày bán khắp chợ Kim Biên (TP.HCM). |
Với những sản phẩm này, tác hại của nó rất đang lo ngại. Chưa có đánh giá cụ thể, nhưng theo các nhà khoa học, hóa chất tạo mùi giá rẻ, không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ chắc chắn thiếu tin cậy về chất lượng. Chất lượng kém, nếu tẩm vào nhang, đốt với số lượng nhiều sẽ gây khó chịu cho người ngửi khiến người ta thấy khó thở buồn nôn, đầu óc quay cuồng. Dùng lâu dài sẽ gây nhiễm độc gan, phổi.
Với loại nhang có tàn trắng như tuyết, được làm bằng bột đá vôi (CaCO3) dùng trong xây dựng. Đá vôi được các cơ sở sản xuất nhang mua trên thị trường với giá khoảng 5.000 đồng/kg, đem về trộn với mùn cưa, theo tỷ lệ 7 phần mùn cưa, 3 phần đá vôi với mục đích tạo màu trắng như tuyết (bông) cho tàn nhang và để cắt giảm chi phí cho thảo mộc.
Đá vôi giúp nhang có tàn trắng như tuyết. |
Đá vôi dùng trong xây dựng có lẫn nhiều tạp chất, tuỳ theo vùng khai thác có thể chứa các kim loại nặng như chì, thuỷ ngân, cadmi... Việc người sản xuất nhang kèm đá vôi xây dựng hỗn tạp, với liều lượng không xác định, hoàn toàn có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe người sử dụng. Không may, nếu các tạp chất độc hại bay vào không khí mà ta hít vào sẽ gây rối loạn hệ hô hấp, suy gan, thận, gây hoa mắt chóng mặt, buồn nôn và rất nguy hiểm tới sức khỏe.
Ngoài ra, nhang hiện nay để bao lâu cũng không bị mốc là do người sản xuất dùng thêm chất chống rêu mốc có trong công nghiệp sản xuất sơn tường ngoài trời. Khi sử dụng, khói của hương sẽ có mùi khét.
Trước đây, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện về việc nhang tẩm hóa chất như H3PO4 để cuốn tàn. Đến nay, hầu hết các loại nhang giá siêu rẻ, khoảng 10.000 đồng/bó đều có mặt hóa chất này và bán ra bình thường.
Tuy nhiên, chất độc hại sẽ tồn tại trong không khí, khi tác động lên da sẽ làm da bị mòn, tác động lên hệ hô hấp gây khó thở, tác động lên giác mạc gây ngứa mắt. Vì những lý do này mà khi đi đền, chùa gặp khói hương đốt dày đặc nhiều người có biểu hiện chảy nước mắt, ho sặc sụa... Về lâu dài, nếu tiếp xúc thường xuyên sẽ làm mắt ngày càng mờ, thị lực giảm, thậm chí có thể gây mù lòa. Lo ngại hơn, chất độc từ hương sẽ không tác động ngay, mạnh đến cơ thể, mà nó sẽ tích lũy dần dần, lâu sẽ dẫn đến ung thư.
Kỹ sư Nguyễn Phan Chinh, phụ trách Phòng Môi trường Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực 3, cho biết: "Nhang là mặt hàng chưa có sự kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng, nên không biết các cơ sở sử dụng những hóa chất nào, có gây hại hay không. Riêng hương liệu trầm, có thể họ sử dụng bột gỗ không mùi trộn với hương liệu, thêm hợp chất giữ mùi. Các loại hương liệu công nghiệp gây dị ứng với một số người có thể trạng dị ứng với mùi, màu. Ngay cả hương liệu sử dụng trong nước hoa xịt phòng cũng phải pha chế theo công thức yêu cầu, nếu dùng quá liều lượng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người".
Hãy chọn nhang truyền thống
Nén nhang dân gian truyền thống đúng nghĩa phải hoàn toàn làm từ thảo mộc thiên nhiên thanh khiết - hàm chứa nét văn hóa linh thiêng, là tình cảm cao đẹp, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, là giao hòa huyền diệu thiêng liêng giữa Trời, Đất và Người. Khi thắp lên, nén nhang làm không gian thanh tịnh, làm tâm hồn an lạc, bình yên, tĩnh tại.
Hãy chọn nhang có mùi thơm tự nhiên, tránh hít phải khí độc hại. |
Theo các nghệ nhân, để làm ra loại nhang vừa cuốn tàn, vừa thơm hương thơm của thảo mộc tự nhiên rất cầu kỳ. Người làm phải chọn lấy phần cật cây nứa, ngâm dưới dòng nước chảy 3 tháng cho hết chất hữu cơ rồi phơi khô và chẻ thủ công bằng tay (vì sau khi ngâm, nứa nhẹ và giòn, không chẻ được bằng máy). Khi làm nhang cũng phải làm từ 5h sáng tới 2h chiều vào ngày nắng, để nhang được phơi trong một ngày mới có thể cuốn tàn.
Còn thảo mộc thì đại hồi lấy ở Lạng Sơn, quế ở Yên Bái, ngâu ở Thái Bình, trầm ở Quảng Nam... Thảo mộc được thu hoạch vào mùa xuân để có nhiều tinh dầu và tạo nên hương thiên nhiên tốt nhất. Đây chính là những nguyên liệu “phần hồn” tạo nên nét đặc trưng của hương. Nén nhang theo kinh nghiệm dân gian kỳ công và tinh hoa đến như vậy.
Để mua được đúng loại nhang truyền thống mang bản sắc văn hóa dân gian thì trước tiên, nên chọn các thương hiệu nhang có uy tín, đảm bảo được chất lượng. Nhang phải có mùi thơm đặc trưng, cháy đượm, cháy lâu, vị hương êm dịu, không gắt, không cay mắt... không nên tham rẻ mà mua nhang kém chất lượng vừa tốn tiền vừa hại sức khỏe.
Ngoài ra, để phân biệt bằng mắt thường, ta có thể tách một ít nhỏ phần bột để nhìn vào màu của tăm nhang phía trong. Tăm nhang truyền thống có màu nâu đen và sự sần sùi thô mộc, còn nếu có màu vàng suộm và độ láng mịn thì chắc chắn là tăm nhang tẩm axit phốt pho ric (H3PO4).
Để phân biệt nhang có bột đá vôi hay không thì chỉ có thể biết được khi thắp lên, tàn nhang có màu trắng như tuyết (bông), mùi thơm nồng của đá vôi nung, rất khó chịu cho khứu giác.