1. Bệnh nhân phong bị ăn bớt thuốc điều trị và bị "ép" ăn thịt sống
Ngày 30/9/2013, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã có kết luận chính thức thông tin Trung tâm Da liễu Hà Đông “ăn bớt” thuốc của bệnh nhân phong.
Những bệnh nhân bị "ép" ăn thịt sống. |
Qua kiểm tra thực tế 5 bệnh nhân phong đang được điều trị tại Khoa điều trị nội trú Trung tâm Da liễu Hà Đông thì tất cả các bệnh nhân này đều không nhận được đủ số lượng thuốc ghi trọng bệnh án cũng như số lượng thuốc đã kho đã xuất ra. Các bệnh nhân này đều thiếu ít nhất hai đến 3 loại thuốc trong tổng số thuốc được phát ra. Mỗi loại thuốc đều thiếu từ 12-24 viên.
Trước đó, cũng chính tại Khoa điều trị nội trú này đã xảy ra trường hợp ăn bớt thuốc của bệnh nhân. Theo đó, 21 bệnh nhân phong nặng của Trung tâm Da liễu Hà Đông hiện đang điều trị tại khoa Điều trị nội trú (trụ sở tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội) bị y bác sĩ bỏ đói, cho ăn thức ăn sống. Đáng nói là nhiều người trong số họ đã bị cụt tay, cụt chân, khả năng tự sinh hoạt cũng không còn.
Thế nhưng chỉ vì một lý do là… nhà bếp hết gas mà các hộ lý của khoa đã phát gạo, rau, thịt sống cho người bệnh để họ tự xoay sở. Câu chuyện “lùm xùm” này được tiết lộ từ khoa Điều trị nội trú của Trung tâm Da liễu Hà Đông vào ngày 5/5 vừa qua khi một y tá của khoa đi thăm khám cho bệnh nhân phát hiện một số bệnh nhân kêu khóc vì không có cơm ăn.
2. Trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin
Ngày 10/10, Cơ quan điều tra CA tỉnh Quảng Trị đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” diễn ra tại BVĐK huyện Hướng Hóa, làm 3 trẻ sơ sinh tử vong.
Cha mẹ của một trong 3 trẻ bị nạn tại khoa sản Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa, Quảng Trị - đau đớn đưa con về sau khi khám nghiệm tử thi. |
Trước đó, vào sáng 20/7, tại BVĐK huyện Hướng Hóa, 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B (loại vắc xin dành cho trẻ sơ sinh tiêm trong vòng 24 tiếng sau khi chào đời).
Cơ quan chức năng đã đưa ra kết luận ban đầu về nguyên nhân tử vong của 3 trẻ sơ sinh. Theo đó, do nhân viên y tế tiêm nhầm vắc xin gây co tử cung Oxytocin thay vì vắc xin viêm gan B cho 3 bé dẫn đến kết quả thương tâm này.
Bên cạnh đó việc trẻ tử vong sau tiêm văcxin 5 trong 1 Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất cũng là sự cố y khoa khiến phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng hoang mang. Văcxin này được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (miễn phí) từ tháng 6/2010 và từ năm 2012 đến năm 2013 bắt đầu xuất hiện những biến chứng.
Cụ thể, một số trẻ ở Lâm Đồng, Vĩnh Long, TP HCM, Kiên Giang, Nghệ An có sức khỏe xấu đi và có trường hợp tử vong sau tiêm. Ngày 4/5, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thông báo tạm dừng tiêm nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đến tháng 7, trên cơ sở xem xét đề nghị của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến cho phép tiếp tục sử dụng văcxin Quinvaxem trong Dự án tiêm chủng mở rộng.
3. Nhân bản xét nghiệm ở bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức
Ngày 15/8, Cơ quan CA TP Hà Nội đã khởi tố 10 bị can ở BV Đa khoa Hoài Đức(Hà Nội) trong vụ án "nhân bản" xét nghiệm.
Vụ việc được lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định là sai sót đáng trách và lỗi chính là do bệnh viện không thực hiện đúng các thông tư hướng dẫn của ngành. Cụ thể, thay vì xét nghiệm máu, một số bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) in kết quả của bệnh nhân trước thành nhiều bản rồi trả cho bệnh nhân sau. Nhiều người nhận cùng một kết quả xét nghiệm, ảnh hưởng đến chẩn đoán bệnh.
Phiếu xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) của hai người khác nhau nhưng các kết quả xét nghiệm lại hoàn toàn giống nhau. |
Có 8 bị can bị khởi tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hai bị can còn lại là ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức và bà Nguyễn Thị Nhiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức - người phụ trách trực tiếp khoa xét nghiệm bị khởi tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong thời gian từ 1/8/2012 đến 31/5/2013, Trưởng khoa cùng 7 nhân viên khoa xét nghiệm có 1.495 trường hợp có kết quả xét nghiệm bệnh nhân nội trú và ngoại trú trùng nhau và có 764 kết quả xét nghiệm khống. Các bị can khai nhận động cơ, mục đích của việc lập khống các kết quả xét nghiệm là để đưa vào hồ sơ thanh toán tiền bảo hiểm y tế cho bệnh viện và vì nể nang tình cảm cán bộ nhân viên bệnh viện đến xin nên đã cho.
Hậu quả vật chất của việc "nhân bản" xét nghiệm đến thời điểm này được xác định là khoảng 16 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là vấn đề vi phạm y đức có thể để lại những hậu quả khôn lường nếu các kết quả xét nghiệm khống này được dùng để căn cứ điều trị cho bệnh nhân.
4. Sản phụ liên tục tử vong
Trường hợp đầu tiên xảy ra ở Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Theo phản ánh của người nhà chị Trần Thị Phượng, chính sự tắc trách của bác sĩ là nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Theo nhận định của ban giám đốc bệnh viện, sản phụ có bệnh cường giáp lúc mang thai, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc tử vong. Tuy nhiên kíp trực đã giải thích với thân nhân của sản phụ chưa kịp thời, tiên lượng diễn biến bệnh chưa chính xác và ghi chép hồ sơ bệnh án không đầy đủ theo quy định.
Người thân đặt quan tài sản phụ trong bệnh viện vì bức xúc. |
Vụ việc chưa lắng xuống thì vào tháng 8 đến Bệnh viện đa khoa huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang để khám thai định kỳ, sản phụ Nguyễn Thị Bích Hường được giữ lại để chờ sinh. Tối cùng ngày sản phụ này đã tử vong sau chuyển dạ. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Bắc Giang họp hồi đồng chuyên môn để đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí của bệnh viện Đa khoa huyện Hiệp Hòa đối với trường hợp của chị Hường.
Một trường hợp khác, ngày 4/9, chị Nguyễn Thị Vinh mang thai ở tháng thứ 9 được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Vinh để sinh. Nửa đêm, chị Vinh kêu đau bụng dữ dội và được y tá cho uống 3 viên thuốc. Gần 3h sáng hôm sau, gia đình phát hiện thi thể chị Vinh và đứa bé chưa sinh được chuyển ra nhà xác bệnh viện. Theo người nhà, chị Vinh mang thai lần đầu và lần khám gần nhất (trước khi nhập viện) thì thấy thai nhi phát triển bình thường.
Vào tháng 10, bức xúc trước cái chết của chị Nguyễn Thị Xuân, hàng trăm người đã kéo đến bao vây bệnh viện, la ó đòi làm rõ trách nhiệm. Mãi đến khi cảnh sát đến can thiệp, người thân mới chịu đưa thi hài người phụ nữ cùng đứa trẻ xấu số về quê an táng. Trước đó, có biểu hiện chuyển dạ, chị Xuân được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa chờ sinh. Người nhà của sản phụ nhiều lần đề nghị kíp trực can thiệp nhưng 3h sáng 18/10, chị Xuân mới được đưa lên bàn mổ, người nhà cho rằng sự chậm chạp của bác sĩ khiến sản phụ Xuân tử vong.
5. Nhân viên y tế bị "tố" ăn bớt vắc xin
Hình ảnh lọ vắc xin và nhãn bị nhân viên y tế "ăn bớt" tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. |
Ngày 10/5, Thường trực Thành ủy HN ra công văn yêu cầu xử lý nghiêm những cá nhân liên quan đến vụ "ăn bớt" vắc xin tại Trung tâm Y tế dự phòng HN (số 70, đường Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa).
Trước đó, Sáng ngày 19/4, anh Nguyễn Dương Lam (TP.Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) đưa con trai là Kiều Phong đến số 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội để tiêm vắc-xin Pentaxim mũi 3 và uống Rotateq. Tại đây anh phát hiện cán bộ tiêm cho con anh là Bùi Thị Phương Hoa chỉ tiêm 2/3 lọ vắc-xin Pentaxim cho con anh, còn 1/3 lọ cán bộ này đã giữ lại.
Thanh tra sở Y tế Hà Nội, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, Phòng tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh đã vào cuộc điều tra và phát hiện việc ăn bớt vắc-xin là có thật. Bà Bùi Thị Phương Hoa giải thích rằng do ngày hôm đó sức khoẻ của bà không đảm bảo nên đã để xảy ra sơ xuất.
Hội đồng kỉ luật Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nhận định sai sót trong quy trình tiêm chủng của bà Bùi Thị Phương Hoa là nghiêm trọng và thống nhất cho bà Hoa thôi việc.
6. Nghi vấn tráo thủy tinh thể tại BV Mắt
Hình ảnh lọ vắc xin và nhãn bị nhân viên y tế "ăn bớt" tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. |
Tháng 10/2013 người dân trên cả nước hoang mang về thông tin một bác sĩ cho rằng BV Mắt Hà Nội đã đánh tráo khoảng 800 ca thay thủy tinh thể của Mỹ sang thủy tinh thể rẻ tiền hơn của một hãng khác… khiến người bệnh nộp tiền cho nhân “xịn” nhưng thực tế lại được dùng nhân kém chất lượng.
Theo đơn phản ánh của BS Nguyễn Thị Thu Thủy (BV Mắt Hà Nội), những bệnh nhân cần phẫu thuật thủy tinh thể tại bệnh viện Mắt Hà Nội thường được tư vấn lựa chọn loại nhân thủy tinh thể IQ Alcon mềm của Mỹ. Tuy nhiên, khi phẫu thuật, bác bác sĩ đã thay bằng “thủy tinh thể” của một hãng khác.
Kết luận về vụ việc, Sở Y tế khẳng định, người bệnh được thay đúng thủy tinh thể theo chỉ định của bác sĩ, hồ sơ bệnh án cũng thể hiện đúng. Sai sót ở đây là thuộc về hành chính.
Sáng 7/10, tại cuộc họp báo về vụ việc, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay sau khi có đơn phản ánh của chị Thủy không hài lòng về kết quả thanh tra. Tại thời điểm kiểm tra, việc thay thủy tinh thể cho bệnh nhân với hồ sơ có sự khác nhau giữa thực tế sử dụng (đối chiếu hồ sơ bệnh án) và tem được dán lưu lại trên hồ sơ bệnh án với biên lai thu tiền của phòng tài vụ. Sai sót này chỉ rất rõ trách nhiệm phòng tài chính của bệnh viện và đã phải sửa đổi.
7. Nhân viên y tế liên tục bất cẩn khiến dư luận bức xúc
Cháu bé bị Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam chuẩn đoán là tử vong, nhưng vẫn còn sống hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam. |
Ngày 4/8, bệnh viện đa khoa Quảng Nam đã trả một bé sơ sinh vẫn còn sống về gia đình để lo hậu sự. Khi tắm rửa cho bé để mang đi chôn cất, gia đình phát hiện cháu ngọ nguậy, vội đưa vào viện cấp cứu. Hiện tại, bé sức khỏe rất yếu và được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam. Bé bị nhiễm trùng nên không thể chăm sóc bằng lồng kính còn mẹ thì vẫn nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Nam. Lãnh đạo bệnh viện đã thừa nhận sai sót và "lỗi chủ quan" của êkip y bác sĩ
Bác sĩ Nguyễn Văn Sách, người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành, là trưởng kíp trực đỡ đẻ, rất bất ngờ khi biết bé vẫn còn sống, cũng đã lên tiếng xin lỗi và thừa nhận kíp trực đã sai.
Sự việc một nữ điều dưỡng Bệnh viện phụ sản Hà Nội trong lúc đẩy xe chở các bé sơ sinh đi tắm đã trượt chân khiến chiếc xe bị lật, 5 bé sơ sinh rơi xuống đất từ độ cao 1m sáng 14/7, đã khiến rất nhiều bệnh viện phụ sản phải rà soát lại quy trình tắm cho bé.
Một điều dưỡng lấy nhầm dung dịch khí dung (Ventolin) vốn được phun qua đường họng để tiêm cho bệnh nhi 7 tháng tuổi tại Bệnh viện Phương Châu (Cần Thơ) ngày 31/7. Rất may, vụ nhầm lẫn được người nhà bệnh nhi phát hiện kịp thời nên đưa đi cấp cứu.
8. Bác sĩ thẩm mỹ ném xác bệnh nhân
Vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phi tang xác bệnh nhân là vụ án gây rúng động dư luận trong những tháng cuối năm. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng đó là việc làm “mất nhân tính”, còn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã phải "run lên vì giận" khi nhắc đến vụ việc.
Bác sĩ thẩm mĩ Nguyễn Mạnh Tường đã ném xác bệnh nhân Lê Thị Thanh Huyền xuống sông Hồng. |
Theo đó, ngày 19/10, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (Bệnh viện Bạch Mai) hút mỡ bụng cho chị Lê Thị Thanh Huyền tại thẩm mỹ viện tư của mình. Sau 4 giờ phẫu thuật, chị Huyền 2 lần tím tái co giật rồi tử vong.
Sợ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của bệnh nhân, bác sĩ Tường cùng nhân viên bảo vệ của thẩm mĩ viện Cát Tường đã đem xác chị Huyền lên cầu Thanh Trì và ném xuống sông Hồng.
Hiện, bác sĩ Tường và bảo vệ Khánh đã bị bắt để điều tra về hành vi Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác và Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Tuy nhiên, đến nay - sau hơn hai tháng diễn ra vụ, việc xác chị Huyền vẫn chưa tìm thấy.
Vụ án đã khiến ngành y tế yêu cầu thanh kiểm tra và chấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ trong cả nước. Nhiều người còn cho rằng, hành động dã man của bác sĩ Tường sẽ đi vào lịch sử "đen tối" của ngành y.