1. Viêm âm đạo
Nếu như âm đạo có mùi nặng và khí hư ra màu bất thường, rất có thể các mẹ đã bị viêm âm đạo do vi khuẩn. Sẽ khá đáng lo và cần điều trị ngay và luôn trong trường hợp này bởi các nhà khoa học đã phát hiện ra sự liên kết giữa viêm âm đạo và sinh non. Trong khâu vệ sinh cá nhân, chị em phải giữ gìn vệ sinh thật tốt, mặc đồ lót bằng chất liệu cotton, thoáng, không rửa vùng kín bằng các loại xà phòng có tính sát khuẩn cao.
2. Nấm âm đạo
Nấm âm đạo là chứng bệnh dễ mắc, dễ tái phát trong thời kỳ mang thai. Nguyên nhân có thể do thay đổi pH âm đạo khiến nấm phát triển. Một mẹo nhỏ để phòng nấm là sau khi tắm, nên “bỏ không” vùng kín ít phút để vùng kín khô tự nhiên rồi mới mặc quần lót. Nếu bị nấm, nên đi khám để được bác sĩ điều trị.
3. Đái rắt
Nguyên nhân của đái rắt là do tử cung đè lên trên bọng đái. Triệu chứng này sẽ thuyên giảm trong các tháng giữa của thai kỳ.
4. Tiểu không tự chủ
Tiểu không tự chủ là do các cơ sàn xương chậu yếu và do em bé ngày một lớn ép lên bàng quang. Cơ sàn xương chậu là cơ nâng đỡ ruột, bàng quang và tử cung. Trong thai kỳ, các cơ này mềm và chùng xuống. Cùng với đó là trọng lượng ngày càng lớn của em bé khiến cơ yếu đi.
5. Trào bọt mép
Chị Kim (Bắc Giang) có bầu 4 tháng, không khỏi xấu hổ khi đang họp hành mà miệng cứ tiết nước bọt liên tục : “Mình cứ phải lén nuốt vào nhưng nhiều lúc nước bọt tiết ra nhiều đến nỗi mình phải tìm chỗ để nhổ ra ngoài”, chị kể. Không chỉ vậy, khi thai phụ tiết nước bọt nhiều, rất dễ kèm theo cảm giác buồn nôn khó chịu.
6. Ợ hơi chua
Do biến động về mặt kích thích tố nên van nằm ở ngõ dẫn vào bao tử giãn ra khi có thai. Vì vậy chất chua trong dạ dày trào ngược trở lại thực quản (là ống dẫn xuống bao tử), gây ra ợ hơi chua.
7. Xì hơi
Dù cố gắng giữ nữ tính và lịch sự nhưng đôi khi, việc xì hơi và ợ hơi của các mẹ khi mang thai là bất khả kháng. Đây là thời kỳ mà dạ dày của chị em hoạt động chậm lại do hormone ngày một nhiều hơn trong cơ thể. Điều này dẫn đến sự tích tụ khí trong dạ dày, nguyên nhân chính dẫn đến “bệnh xí hổ” này.
8. Táo bón
Bên cạnh việc xả “hơi” nhiều, các bà bầu còn lo sợ phải đối mặt với chứng táo bón, nhất là từ tháng thứ 5. Thủ phạm, đương nhiên cũng do nồng độ progesterone tăng cao và tử cung mở rộng chèn ép các cơ quan trong ổ bụng. Không chỉ vậy, do thai phụ ốm nghén đâm ra ít vận động, uống nước hay nôn ói thường xuyên cũng là những nguyên nhân gây táo bón.
9. Bệnh trĩ
Bào thai phát triển khiến tĩnh mạch tầng sinh môn và đáy chậu bị chèn ép v.v… là những nguyên nhân chủ yếu gây bệnh trĩ cho bà bầu. Ngoài ra, một số chị em có trĩ sẵn nhưng ở dạng ẩn (bên trong) sẽ dễ bị lộ trĩ trong quá trình mang thai. Mắc bệnh trĩ khi mang thai sẽ gây nhiều đau đớn, bất tiện cho bà bầu trong suốt quá trình thai nghén. Vì vậy, để phòng bệnh trĩ, chị em nên tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với việc tập thể dục, vận động nhẹ nhàng. Nên uống nhiều nước, ăn nhiều thức ăn có chất xơ như rau củ quả, hạn chế thức ăn nóng nhiệt, không ăn nhiều đường, muối hay dùng các thức ăn có chất kích thích như trà, café, nước ngọt v.v…
10. Ngủ ngáy
Nghiên cứu cho thấy, có sự gia tăng ngáy trong khi mang thai. Với những thai phụ tăng cân nhanh thì ngáy càng phổ biến. Theo thống kê, có khoảng 25% thai phụ ngủ ngáy trong 3 tháng cuối cùng. Hầu hết thai phụ đều thấy rằng, khi nằm nghiêng, họ thấy thoải mái hơn và nhờ thế cũng giảm ngáy.
11. Gãi nhiều
Bệnh xuất phát do mẹ tăng cân, da căng và rạn nứt. Sự thay đổi hormone cũng khiến nhiều bà mẹ trở nên nhạy cảm với tiếp xúc bên ngoài hoặc thức ăn bên trong, đặc biệt là những người vốn có cơ địa dễ dị ứng.