Dinh dưỡng tốt là điều đặc biệt quan trọng trong thai kì đối với người bị tiểu đường. Tiểu đường phát triển khi cơ thể của bạn không thể sản sinh hoặc sử dụng đủ insulin, một hormone tạo bởi tuyến tụy biến đường glucose thành “nhiên liệu hữu dụng” trong máu. Khi một lượng lớn đường glucose tích lại trong máu có nghĩa là các tế bào không nhận được “nhiên liệu” chúng cần. Lượng đường cao trong máu ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của chính bạn.
Một cách kiểm soát lượng đường trong máu là bạn cần phải có một chế độ ăn đặc biệt. Bạn nên có một chuyên gia dinh dưỡng có thể tạo cho bạn một thực đơn ăn hàng ngày phù hợp với bạn dựa trên cân nặng, chiều cao, hoạt động thể chất và sự cần thiết phát triển của thai nhi.
Lưu ý: Nếu bữa ăn thay đổi không giữ cho lượng đường trong máu ở mức ổn định thì bạn nên cần một liều insulin theo chỉ định của bác sĩ.
Ăn một bữa sáng khoa học
Một bữa sáng lành mạnh giúp điều chỉnh nồng độ đường trong máu của bạn trong suốt buổi sáng. Hãy thử để có một bữa ăn sáng với thực phẩm có GI thấp. Cháo là một lựa chọn tốt bởi vì nó giải phóng năng lượng chậm và đồng đều. Hoặc bạn có thể chọn ngũ cốc nguyên cám và bánh mì, ăn kèm một thực phẩm giàu protein như một quả trứng luộc hoặc sữa chua ít chất béo. Đồ ăn có GI cao như bánh mì nướng, ăn cùng đường trắng và mứt có thể nhanh chóng tăng lượng đường trong máu của bạn.
Lựa chọn thực phẩm
Bạn đừng lo lắng rằng chế độ ăn uống cho thai phụ tiểu đường là nhàm chán hay nhạt nhẽo. Bạn vẫn có thể thưởng thức được mọi hương vị cuộc sống nếu biết cách ăn uống khoa học. Những loại thực phẩm bà bầu nên dùng nhiều là ngũ cốc, rau quả giàu chất xơ, hoa quả tươi. Ngoài ra, đậu và mì pasta cũng rất giàu lượng carbohydrate tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Một chê độ ăn hoàn hảo cho bà bầu tiểu đường là 3-5 phần rau, 2-4 phần hoa quả, 2-3 phần protein và 3 phần các sản phẩm sữa.
Ăn nhiều loại thức ăn trong ngày
Ăn các bữa chính và bữa phụ với lượng trung bình mỗi ngày. Bạn cũng có thể ăn 2-4 bữa ăn nhẹ, bao gồm bữa nhẹ buổi tối để giữ cho lượng đường trong máu ổn định.
Ăn thực phẩm nhiều chất xơ
Những thực phẩm này có xu hướng chứa GI thấp. Điều này giúp giữ lượng đường trong máu của bạn không tăng quá cao sau bữa ăn. Thực phẩm nhiều chất xơ bao gồm: quả tươi và rau quả; bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt; đậu Hà Lan và các loại đậu khác.
Ăn năm phần rau củ quả mỗi ngày
Hãy chắc chắn rằng bạn có ít nhất là năm phần quả và rau mỗi ngày. Các mẹ cũng có thể thêm quả vào bữa sáng của bạn; các mẹ nên chọn hai loại rau trong bữa ăn chính của bạn.
Cắt giảm chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa
Sử dụng dầu olive hoặc dầu hướng dương để nấu ăn và trộn salad. Luộc, hấp thức ăn thay vì chiên xào. Cắt chất béo từ thịt.
Không bỏ bữa ăn
Hãy thử ăn các bữa tại cùng một thời điểm mỗi ngày và có cùng một lượng thức ăn. Điều này sẽ giúp lượng đường trong máu của bạn ổn định hơn.
Không ăn quá nhiều thức ăn có đường
Hãy thử cắt giảm hoặc bỏ kẹo, thức uống có gas… Những thực phẩm này có chứa các loại đường đơn giản, nhanh chóng làm tăng lượng đường trong máu của bạn.
Bạn có thể pha loãng nước ép trái cây với nước lọc. Chỉ nên uống nước quả pha loãng một lần/ngày. Phần còn lại nên sử dụng nước lọc.
Khi tiểu đường không thể kiểm soát bằng ăn uống
Đôi khi, những thay đổi trong dinh dưỡng không đủ để kiểm soát lượng đường trong máu (chiếm khoảng 10-12% thai phụ bị tiểu đường). Khi ấy, bạn cần phải dùng thuốc. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc hoặc tiêm insulin cho bạn.