1. Sa thải người đã chết
Dư luận ở Kon Tum mới đây đã không khỏi bức xúc khi ông Phạm Văn Sớm, Giám đốc công ty TNHH MTV cà phê 731 (thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam, tỉnh Kon Tum) đã ký quyết định số 87 về việc xử lý kỷ luật lao động công nhân Tạ Thị Mơ.
Bức xúc là vì người bị kỷ luật với hình thức sa thải đã qua đời cách đây hơn 16 năm do bị sét đánh.
Ảnh minh họa. |
Để có căn cứ cho quyết định nói trên, ông Nguyễn Hữu Tư - PGĐ công ty cà phê 731, khẳng định: “Hồ sơ của bà Mơ tại thời điểm kỷ luật là hồ sơ vẫn đầy đủ. Hơn nữa, không ai xác minh là bà đã chết cả. Hiện tại, hồ sơ vẫn là còn sống, sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương”.
Bà Tạ Thị Mơ vào làm công nhân Công ty cà phê 731 từ trước năm 1992, nhận khoán chăm sóc trên 1ha cà phê của công ty. Sau đó vài năm, bà Mơ không tiếp tục chăm sóc diện tích cà phê này mà giao lại cho chị dâu là bà Bùi Thị Đoạn và anh trai Tạ Văn Hạnh chăm sóc.
Sau khi bà Mơ mất vào năm 1996, việc chăm sóc cà phê và thực hiện các nghĩa vụ với công ty, như nộp khoán sản lượng hàng năm, đóng bảo hiểm xã hội được gia đình ông Hạnh bà Đoạn thực hiện đầy đủ với công ty dưới tên bà Mơ.
Đây chính là minh chứng cho sự quản lý nhân sự lỏng lẻo của một số công ty, bài học về cách xử lý tình huống chưa phù hợp với thực tế.
2. Cụ ông 73 tuổi có bầu 4 tháng
Đi điều trị chấn thương cột sống, sau 4 ngày theo dõi và điều trị tích cực, sức khỏe của cụ ông Nguyễn Văn Tính (73 tuổi, ngụ tại ấp Hòa Bình 1, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) tương đối ổn định nên được bác sĩ cho xuất viện về nhà đồng thời chỉ định uống thuốc và hẹn ngày tái khám.
Cả gia đình cụ Tính chưa kịp vui mừng vì chấn thương của cụ không để lại hậu quả nghiêm trọng thì đã ngã ngửa trước nội dung trong giấy ra viện của ông.
Giấy ra viện của ông Tính. |
Theo đó, trong giấy ra viện, bác sĩ Nguyễn Minh Cang (Trưởng khoa Điều trị) và Giám đốc Bệnh viện đã ký tên, chẩn đoán ông Tính bị “Chấn thương cột sống thắt lưng / thai 16 tuần”!
Sau khi phát hiện nhầm lẫn, bệnh viện đã chủ động liên hệ xin lỗi gia đình vì sự cố do “lỗi đánh máy”.
3. Phần mềm cho học sinh THCS chứa “đường lưỡi bò”
Cuối tháng 12/2013, qua phản ánh của giáo viên, Báo Thanh Niên đã đăng tải tình trạng các máy tính ở trường THCS trên cả nước cài một phần mềm chứa hình “đường lưỡi bò” từ năm 2007.
Đây là phần mềm mang tên Earth Explorer, được dùng trong sách giáo khoa môn tin học quyển 2, lớp 7, để thực hành cho bài học “Học địa lý với phần mềm Earth Explorer”. Phầm mềm này là sản phẩm của một công ty tại Thượng Hải, Trung Quốc.
"Đường lưỡi bò" xuất hiện khi thao tác hiển thị đường biên giới quốc gia trong bài học của học sinh lớp 7 (Ảnh chụp màn hình phần mềm). |
Sau khi báo chí phản ánh, Sở GD-ĐT TP.HCM ra văn bản chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường THCS loại bỏ nội dung bài học có chứa “đường lưỡi bò” trong chương trình lớp 7.
Sau đó, Bộ GD-ĐT cũng có công văn yêu cầu các sở, các trường dừng việc sử dụng phần mềm Earth Explorer. Cũng theo công văn của Bộ GD-ĐT trả lời Báo Thanh Niên, bài học liên quan đến phần mềm này đã được loại bỏ từ năm 2012, nhưng các trường sử dụng sách giáo khoa cũ sẽ... vẫn gặp bài học này.
Trong khi đó, theo ghi nhận của báo chí từ đầu năm học 2013, học sinh mua sách giáo khoa đều là sách in từ năm 2012, không tìm thấy sách in năm 2013.
Cùng lúc, sách bài tập tin học lớp 7, hướng dẫn làm bài tập cho bài học tương ứng ở sách giáo khoa, do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản, với 8.000 bản in năm 2013, cũng in hình ảnh “đường lưỡi bò” từ phần mềm.
Hồi tháng 3 vừa qua, một loạt sách cho trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc bị phát hiện có “cắm” cờ Trung Quốc trên hình ảnh ngôi trường. Đại diện NXB và công ty lưu hành sách có “cắm” cờ Trung Quốc đã đưa ra lời xin lỗi độc giả.
4. Cán bộ y tế xã phát hạt đậu giống thay Vitamin A cho trẻ
Sáng 1/12/2013 rất nhiều hộ dân trú tại thôn 10, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đã đưa con em mình tới nhà văn hóa thôn 10 để uống vitamin A trong Chương trình mục tiêu y tế quốc gia “Vi chất dinh dưỡng”, dành cho trẻ em từ độ tuổi 6 tháng đến 5 tuổi.
Y tá Võ Viết Hùng (SN 1974, thôn 10, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên), lấy từ một bao nilông phát cho mỗi bé một viên trông như hạt đậu. Trẻ nào không đến được thì ông đưa cho cha mẹ mang về nhà cho các cháu uống. Sau khi nhận thuốc từ ông Hùng, nhiều bé đã được uống ngay tại đây. Nhưng cũng có một số bé còn nhỏ tuổi, thuốc lại cứng nên bố mẹ đã mang về nhà tán bột, hòa với nước cho uống.
Hạt đậu leo giống (trái) và vitamin A đã bị y tá xã "nhầm lẫn" |
Nhận được “vitamin”, một số cha mẹ các cháu thắc mắc khi thấy viên thuốc này trông giống hạt đậu chứ không giống viên thuốc vitamin A. Vì quá nghi ngờ loại vitamin mà ông Hùng phát một số người dân đem so sánh với thuốc của các thôn bên cạnh cũng phát trong buổi sáng hôm đó. Nhận thấy sự khác biệt một số người dân đã báo lên trạm y tế xã.
Đến khoảng 8h30 cùng ngày, sau khi phát hiện sự nhầm lẫn, chính quyền đã yêu cầu tạm dừng việc uống vitamin A. Đến chiều cùng ngày, trẻ mới uống vitamin trở lại. Lúc này, công việc cho trẻ uống thuốc đã có sự giám sát của các y tá của trạm y tế xã. Sau vụ việc y tá Hùng đã bị buộc thôi việc.
5. Cưỡng chế bắt giam hòn đá
Câu chuyện còn nực cười hơn, khi gia đình bà Trần Thị Sắc và ông Lê Hùng Dũng ở xã H’bông, huyện Chư Sê, Gia Lai bị khốn khổ đủ đường chỉ vì lấy 3 hòn đá trong rẫy của mình về nhà để chơi.
Tự nhiên cơ quan chức năng địa phương đã quy cho ông Dũng và bà Sắc khai thác khoáng sản trái phép rồi tiến hành cưỡng chế, thu hồi 3 hòn đá này. Trong đó, chỉ có hòn đá của bà Sắc là chính quyền thu hồi thành công, còn 2 hòn đá của ông Dũng thì cưỡng chế bất thành.
UBND xã bắt giam hòn đá cho vào cũi sắt để bảo vệ |
Điều lạ lùng là mặc dù cưỡng chế bất thành 2 hòn đá của ông Dũng, nhưng UBND huyện Chư Sê vẫn giao cho UBND xã H’bông quản lý. Còn hòn đá thu hồi của bà Sắc, dù đã đem về đặt trong khuôn viên UBND huyện, nhưng huyện Chư Sê vẫn cho làm một lồng sắt kiên cố để nhốt hòn đá có khối lượng hàng tấn này.
Thậm chí, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Gia Lai cho rằng việc cưỡng chế là đúng pháp luật: “Việc UBND huyện Chư Sê kiểm tra, lập biên bản tạm giữ 3 hòn đá nói trên là phù hợp và là việc làm thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ được quy định tại luật Khoáng sản”.
Được biết, hòn đá này do bà Trần Thị Sắc vô tình tìm thấy trong quá trình đào ao lấy nước tại phần đất của gia đình (đã được chính quyền H.Chư Sê cấp). Theo kết quả giám định của Liên đoàn Địa chất bản đồ miền Nam, mẫu đá lấy từ hòn đá bị tịch thu của bà Sắc là loại đá bán quý casidol.
Không bằng lòng với việc UBND xã thu hồi không có lý do, bà Sắc nộp đơn kiện lên tòa nhưng đã bị bác bỏ và phạt thêm 2 triệu đồng về hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp và tịch thu hòn đá.
Hiện nay, hòn đá hiện đang được đặt trên bệ tượng Anh hùng Núp ở TP.Pleiku, sau khi tượng Anh hùng Núp được dời đi địa điểm khác.
6. Đau ruột thừa cắt nhầm ruột già
Ngày 22/8/2013, chị Nguyễn Thị Hương (SN 1988, ngụ thôn 6, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị Hương bị đau ruột thừa nên tiến hành mổ nội soi. Tuy nhiên, sau khi mổ xong khoảng 1 tuần thì giữa ổ bụng của chị Hương nổi một khối u, gây nên những cơn đau dữ dội. Sau đó, chị Hương tiếp tục phải phẫu thuật 2 lần nữa, do ê kíp gồm bác sĩ Trần Tiến Hùng- Phó Giám đốc và bác sĩ Nguyễn Văn Mùi- Trưởng khoa Ngoại của bệnh viện vào ngày 4/10 và mổ lần 3 ngày 22/10 tại bệnh viện Bệnh viện T.Ư Huế. Sau 3 ca phẫu thuật, sức khỏe của chị Hương vẫn không tiến triển và tử vong vào tối 10/11.
Gia đình bệnh nhân tử vong do đau ruột thừa cắt nhầm ruột già đau đớn tột cùng trước cái chết của chị. |
Ông Hoàng Văn Lệ, bố chồng chị Hương cho biết: “Bác sĩ cho biết con tôi bị viêm ruột thừa nhưng chưa được cắt bỏ mà lại cắt ruột già nên khi ăn vào thức ăn bị trào ra theo ống thông dịch, gây nhiễm trùng toàn thân”.
7. Gẫy tay phải bó bột tay trái
Anh Trần Ngọc Thạch bị bó nhầm tay. |
Ngày 26/9, anh Trần Ngọc Thạch (25 tuổi, ở phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi) cho biết, anh bị tai nạn, chụp phim bị vỡ xương thuyền tay phải và nhập viện điều trị tại Khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi.
Thay vì bó bột tay phải, nhưng kỹ thuật viên bệnh viện lại bó bột tay trái. Sau đó bác sĩ khoa kiểm tra lại thấy anh Thạch bị bó nhầm nên đã chỉ định bó lại tay phải, nhưng nhân viên khoa này không chịu tháo bột tay trái bị bó nhầm cho anh Thạch mà cứ để luôn vậy.