Những cô bé thơ ngây trong vai trò cô dâu rót rượu mời khách; giữa ê hề tiệc tùng, mẹ cháu thì thầm thĩ khoe khôn: “Có thằng cu khỏe mạnh trong bản, không cho con gái mình cưới lấy nó nhanh, đứa khác lấy mất”. Và, xót xa hơn, đó là những đám cưới dạng hôn nhân cận huyết. Có khi, các con của hai anh chị ruột cũng cứ cho chúng nó thả sức tán tỉnh, cưới hỏi rồi sinh nở…
Tôi quay video các thảm cảnh mình đã gặp lại rồi thỉnh thoảng xem lại, vẫn sợ mình có gì nhầm lẫn rồi lỡ viết ra cái điều hơi bất nhẫn chăng? Đã ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21 rồi, sao lại vẫn còn chuyện khó tin như thế (?!).
Lấy con của chị gái bố mình về làm vợ!
Bác sĩ Hoàng Bá Thước - Phó Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng - vốn là chỗ thân tình với tôi từ hồi tôi viết trên Lao Động bài “Tôi có 2 vợ và 20 đứa con” - kể về anh chàng người Mông sắm hai cái giường nhỏ xíu ở hai góc nhà sàn, lấy hai bà vợ về để các bà thi nhau đẻ. Viết xong, nhiều nhà hảo tâm buồn thương đem tiền, quà đến cứu những đứa trẻ. Vừa rồi, Trương Văn Ve - người đàn ông 20 đứa con - lại bắt mỗi bà vợ sinh thêm một đứa nữa, khiến ông Thước tá hỏa đi can ngăn. Khổ, chuyện Ve và các bà vợ với hai cái giường ngủ nồng nã kia, làm sao ông Thước biết “đầu đuôi xuôi ngược” được mà đi can ngăn?
Lần này trở lại, ông Thước vừa về hưu sau bao năm đi ngăn không cho người ta đẻ (kế hoạch hóa gia đình) rồi lại ngăn không cho người ta cưới (chống hôn nhân cận huyết và ngăn chặn tảo hôn). “Hủ tục!” - ông Thước thở dài dẫn tôi sang gặp người đương chức khác - bà Lục Thị Thắng - Q.Chi cục trưởng, Chi cục Dân số tỉnh Cao Bằng. Bà đưa ra một chồng tài liệu dày, kèm theo các thước phim công phu do nhà báo Lầu Hải (một phóng viên kiêm biên tập viên, kiêm luôn cả quay phim, chuyên theo dõi mảng dân số - kế hoạch hóa gia đình của đài tỉnh) đã quay và phát sóng.
Hải là người Mông, xuất thân là phiên dịch trong các phiên tòa có người Mông dính dáng đến pháp luật. Với lợi thế về “tiếng” như thế, nên anh xông pha vào các phi vụ chống tảo hôn, chống hôn nhân cận huyết rất hiệu quả. Hải bảo, đau lòng nhất là chuyện hôn nhân cận huyết, bao nhiêu bệnh tật, bao nhiêu mặc cảm ân hận, và cả việc suy giảm giống nòi ra đời từ hủ tục đó. Nhiều người cho biết: Có vụ hai chị em ruột, cô chị đi lấy chồng đẻ được đứa con gái, đợi nó lơn lớn, ông “cậu” cưới luôn con chị gái làm vợ. Anh Ninh - cán bộ dân số huyện Bảo Lạc - đưa ra những bức ảnh, những thước phim về việc các cháu sinh ra bị dị tật, nhiều cháu đã chết thảm vì bố mẹ hôn nhân cận huyết. Nhưng tuyên truyền mãi mà hiệu quả vẫn… rất chừng mực.
Tại bản Khâu Pầu (xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc), đang buồn thảm vì 3 vụ tự tử bằng lá ngón gần nhau, có vụ hai vợ chồng cùng chết trong vài ngày, chồng nằm úp trên mộ vợ sau khi ăn lá ngón để chết bằng được theo cái cách mà vợ mình đã chết. Tôi và anh Ninh đi bộ mấy tiếng mới đến nhà chàng trai người Mông tên là Hoàng A Dìa. Dìa không có nhà, đang đi nương rất xa cùng với vợ (vợ Dìa là con gái của bác ruột Dìa. Tức là, mẹ vợ Dìa chính là chị gái của bố Dìa). Gọi di động, từ đầu non chót vót nào đó, giọng Dìa nghiêm trọng: “Mình bận cắt cỏ cho bò, không về được đâu”. Tôi bảo, Dìa cắt cỏ từ giờ đến tối thì được bao nhiêu tiền? Cứ về gặp mình đi, mình mua quà đến thăm hỏi chứ có làm gì đâu, mình lại cho thêm số tiền gấp đôi công cắt cỏ ấy nữa. Thế là Dìa về nhận tiền. Nhưng vợ Dìa thì kiên quyết không bỏ dở công việc.
Cháu bé này là kết quả của một cuộc hôn nhân cận huyết thống.
Chuyện nhà Dìa được máy quay của tôi ghi lại, càng nghe càng buốt lòng, buồn đến ngơ ngẩn. “Chân dung phi vụ hôn nhân cận huyết” được kể bởi chính cuộc đối thoại hồn nhiên của tôi với Dìa:
PV: Bố Dìa tên là gì?
- Bố em là Hoàng A Chẹ.
PV: Mẹ vợ Dìa tên là gì?
- Mẹ vợ em là Hoàng Thị Dình.
PV: Bố em và mẹ vợ em là như thế nào của nhau?
- Là chị em ruột ạ. Hoàng Thị Dình là chị gái của bố em - Hoàng A Chẹ.
PV: Sao em lại lấy con gái của bác ruột mình về làm vợ?
- Em không biết nữa. Em thích thì lấy thôi. Lúc ấy em không biết là như thế thì… không được lấy.
PV: Em tự lấy hay bố mẹ cưới hỏi về làm vợ của em?
- Em tự lấy thôi. Em thích nó xinh mà.
PV: Em có biết lấy con của bác ruột mình là hôn nhân cận huyết, là không nên, là không tốt tí nào cho sức khỏe của các con không?
- Bây giờ em biết rồi. Nhưng cưới nhau rồi, có con rồi, thì còn làm sao nữa hả anh? Mà bây giờ, như em mà lấy vợ khác thì ai người ta lấy nữa đâu?!
PV: Thế cán bộ bảo, tháng trước nhà em có đám cưới, là cưới ai đấy?
- Là cưới em trai em, thằng Hoàng A Dờ. Nó đang đi học ngoài huyện thì cưới vợ.
PV: Em trai em cưới ai về làm vợ nhỉ?
- Nó cưới em gái của vợ em. Tức là con gái của bác ruột em, cũng là bác ruột nó - Hoàng A Dờ.
PV: Em đã buồn và lo vì mình đã hôn nhân cận huyết, cán bộ đã đến vận động em của em không nên cưới em gái của vợ em - cũng là con bác ruột của em. Sao Hoàng A Dờ nó vẫn cưới chị con nhà bác làm vợ nhỉ?
- Tại nhà em cũng không biết làm thế nào. Vì khi biết chuyện và ngăn cản thì bọn nó đã yêu nhau rồi và cứ đòi cưới. Không ngăn được thì làm thế nào hả anh?
Nói xong một câu tiếng Việt ngọng nghíu, Dìa lại cười ngẩn ngơ. Giọng của Dìa rành rọt, thật thà, dễ mến, thân thiện vô cùng. Chỉ có việc hai anh em trai Dìa lấy hai chị em gái con nhà bác ruột Dìa là buồn quá. Phong tục mỗi nơi mỗi khác, ta có thể chưa hiểu được điều nào đó, rồi ta cần phải tôn trọng cái sự khác biệt đó. Tôi rất hiểu điều ấy. Nhưng hậu quả của hôn nhân cận huyết thì nó là vấn đề sinh học, sự suy giảm giống nòi, bệnh tật, tai biến - chứ không liên quan gì nhiều đến quan niệm và sự hiểu của anh, đến phong tục và hủ tục, Dìa ạ!
Lấy nhau từ thuở 11 hoặc 12 tuổi - buộc phải chấp nhận ư (?!)
Bà Lục Thị Thắng bảo: Tổng cục Dân số trên trung ương, rồi Chi cục Dân số tỉnh Cao Bằng cùng vào cuộc, lập phòng tuyến, dựng đề án, ra quân ngăn chặn nạn tảo hôn với những hệ lụy đau lòng của nó. Bà Thắng thở dài: Nhiều cháu lấy vợ, lấy chồng ở tuổi 11 và 12 thôi. Năm 2009, khi tiến hành khảo sát để xây dựng đề án, tỉnh Cao Bằng khảo sát 4 xã của huyện Nguyên Bình, thì có xã như Vũ Nông 90%, có xã như Phan Thanh thì cũng 80% - số cặp kết hôn trong năm là… tảo hôn. Con số kinh hoàng đó khiến các cán bộ càng hạ quyết tâm đi chống lại các… đám cưới.
Cô dâu, chú rể bé xíu ở Cao Bằng.
Chúng tôi vào các bản làng. Lầu Hải “phát sóng ngắn” bằng tiếng Mông, nghe tin có đám cưới ở bản người Dao, huyện Nguyên Bình, lập tức đoàn cán bộ trèo đèo lội suối tìm đến tận nơi. Bà con không nghĩ là có người đến phản đối việc trẻ 12, 13 tuổi lấy vợ nên máy quay cứ chạy ro ro trong sự ủng hộ cao trào của gia chủ và cô dâu chú rể nhí. Hình ảnh cậu học sinh 13 tuổi chạy lui cui dọc bờ rào tre nứa trên con đường dốc dác, dẫn lũ bạn về ăn cưới mình thật bi hài. (Nói vụng, chú rể ít tuổi hơn con trai tôi, vậy mà thằng bé nhà tôi và bạn bè nó ở Hà Nội vẫn chẳng mấy ngạc nhiên khi bố mẹ vào tận phòng vệ sinh dạy nó cách rửa ráy sau khi tiểu tiện, đại tiện).
Cô dâu thì non tơ, đội khăn áo truyền thống, ngượng nghịu đi các mâm cảm ơn cô dì chú bác ông bà đến dự đám cưới cháu. Bố mẹ cô dâu, chú rể thì vui hớn hở, “tôi chuẩn bị cả 1 năm để có đám cưới ngày hôm nay đấy”. Ôi chao, 1 năm trước thì chắc chắn chú rể vẫn rúc vào lòng mẹ ngủ như một con chim chưa ra ràng thôi mà. Tôi ước chừng, chắc chắn nó chưa nặng tới 35kg. Mà sách giáo khoa lớp 7 của các cháu, chắc chắn chưa nói gì đến cơ thể người, đến giới tính để có thể làm vợ, làm chồng, sinh con đẻ cái. Liệu nó nhìn cô dâu đã có xúc cảm giới tính chưa nhỉ?
Tôi phải tự nói với mình rằng: Thôi. Đừng phán đoán trẻ con thò lò mũi xanh với chuyện kín của vợ chồng nó bằng cái đầu của người lớn nữa!
Bàn Phú On, cưới vợ năm hơn 13 tuổi một chút.
Cuộc trò chuyện với các cô dâu, chú rể nhí thật ám ảnh, như thế này. Cậu bé Bàn Phú On trò chuyện với nhà báo Lầu Hải ở ngay tại bàn học của mình - lớp 7 (!), Trường THCS Phan Thanh, huyện Nguyên Bình (mời quý vị xem clip về các cuộc trò chuyện này trên Lao Động điện tử):
PV: On ơi, cháu bao nhiêu tuổi rồi?
- Dạ, 13 tuổi hơn một tí ạ.
PV: Cháu lấy vợ khi nào?
- Tháng 10 năm ngoái (khi chưa đầy 13 tuổi - PV) ạ.
PV: Cháu tự đi tìm hiểu rồi đòi cưới hay bố mẹ lấy vợ cho?
- Bố mẹ lấy cho ạ.
PV: Thế cho đến trước hôm cưới, cháu đã biết mặt vợ mình như thế nào chưa?
- Chưa ạ. Lấy xong mới biết chứ ạ.
PV: Thế bây giờ mình đã đi đăng ký chưa?
- Đăng ký gì ạ? Đăng ký là gì?
PV: Đăng ký ngoài xã để lấy vợ, để hai người lấy nhau ấy. Cháu biết không?
- À, chưa hay sao ấy!
PV: Cháu đang đi học thế này, trước khi cưới thì cô giáo hay cán bộ có đến nhà bảo đừng lấy vợ, lấy chồng sớm không?
- Có. Cô giáo bảo, nhưng bố mẹ cứ bắt lấy thì phải lấy thôi.
Bàn Phú On làm chồng, làm cha kiểu gì? On “ăn nằm” với vợ, nếu có, thì có phạm luật về tình dục với trẻ em không? Sao các cô bé 11-12 rồi 13-14 tuổi vô tư lấy chồng mà không cơ quan luật pháp hay các tổ chức nhân đạo nào vào cuộc triệt để nhỉ? Ai bảo vệ quyền trẻ em, quyền phụ nữ ở địa phương? Câu chuyện với Lý Thị Hương cũng bi hài, xót xa không kém (có clip kèm theo). Hương trò chuyện với màu áo học trò, khi đang học lớp 9 Trường THCS Thái Học, huyện Nguyên Bình, cháu nói:
“Ở đây, cái nạn tảo hôn là phổ biến nhất. Vì trên này, bố mẹ toàn bắt con lấy chồng sớm. Có một số bạn vừa học lớp 7, lớp 8 đã phải đi làm dâu ạ”. Lầu Hải ngắt lời cháu Hương: “Cháu thì như thế nào nhỉ?”. Hương nhoẻn cười: “Em thì cũng… do áp lực của gia đình và bị bố mẹ ép cưới ạ. Em vẫn thích đi học, em dự định là năm nay sẽ cố gắng để thi vào trường nội trú tỉnh ạ”.
Học sinh Thào A Dậu, cưới vợ năm 13 tuổi.
Cô giáo Đinh Thị Minh Nguyệt trả lời nhà báo, cứ ngơ ngác, rằng đi “chống tảo hôn” mãi nhưng không hiệu quả. Lớp cô chủ nhiệm năm vừa rồi “bị” mất 4 cháu bỏ trường lớp về lấy chồng, lấy vợ. Còn khi tôi đang viết những dòng này, đồng nghiệp - nhà báo Tạ Hoài Phương - gửi cho tôi thêm một bức ảnh buồn: Một cậu bé học sinh tên là Thào A Dậu - người xã Yên Sơn, huyện Thông Nông - cháu phải lấy vợ khi vẫn mặc áo học trò trắng trong. Cháu Dậu đang học lớp 7, lúc cưới mới chỉ 13 tuổi, cháu lấy hẳn một cô vợ… 15 tuổi…
Mỗi đám cưới “nhí” được tổ chức là cả một thế giới buồn đau với bao nhiêu tương lai và mơ ước bị ngắt ngọn. Cái vòng luẩn quẩn tảo hôn và hôn nhân cận huyết làm bàng hoàng bất cứ ai kia, nó sẽ dẫn các cháu và gia đình đi về đâu?
Người “giải cứu” và le lói chút hy vọng!
Trên sóng VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam vào trưa Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2013, nhà báo Hoài Phương (Cao Bằng) đã làm một chương trình về việc cô giáo Hầu Thị Sải - người dân tộc Mông, Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng - đã tử tế trong giảng dạy, rồi lại còn tử tế đi vận động chống nạn tảo hôn. Để rồi ngày 20.11 Triệu Thị Hoa (nay là Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thông Nông) năm nào cũng đến nhà tặng hoa, bảo là cô Sải đã sinh ra em một lần thứ hai, bởi cô đã cứu em khỏi cái họa lấy vợ, lấy chồng từ tuổi 11.
Bé Triệu Thị Hoa bấy giờ đang học lớp 5, đã được cô giáo Sải đem đi trốn, trước sự truy lùng tìm kiếm về bắt lấy chồng của gia đình. Vừa rồi, học sinh Triệu Thị Luyến “bé con con” hơn chục tuổi đầu cũng vừa được cô Sải “cứu” khỏi nguy cơ lấy chồng quá sớm.
Tuy nhiên, Thào A Dậu thì vừa “phải” lấy vợ lúc 13 tuổi vào mùa hè năm vừa rồi, khi đang học lớp 7 (xem ảnh). Và nạn tảo hôn vẫn nhiều lắm, nó vẫn “lấy đi” nhiều học trò của cô Sải. Thế nên bây giờ cô vẫn phải trèo đèo, lội suối để đi ngăn chặn.