Với cuộc sống năng động thì các bậc phụ huynh cần trang bị cho con những kỹ năng sống là điều rất quan trọng như: kỹ năng tự chăm sóc cho bản thân, tự bảo vệ mình; kỹ năng hòa đồng và thân thiện trong môi trường bạn bè mới; kỹ năng tự giác trong học tập, lập thời gian biểu cá nhân; kỹ năng vượt qua sự ngại ngùng, nỗi sợ hãi, giúp các con có được niềm vui ở trường học, kỹ năng tự tin trước đám đông, mạnh dạn và tư duy nhanh nhạy.
1. Dạy con sử dụng Internet an toàn
Bạn lắc đầu bảo: Ôi chao, cần gì việc ấy! Ngày xưa mãi đến lúc tốt nghiệp đại học, bạn mới biết đến chiếc máy tính, biết đến Internet. Có làm sao đâu? Vậy thì cần gì dạy trẻ sử dụng Internet an toàn sớm quá vậy? Nhưng… bạn nghĩ như thế là nhầm rồi!
Một khảo sát gần đây với 2200 bà mẹ có con nhỏ cho biết: tỷ lệ trẻ từ 2-5 tuổi biết cách khởi động một chiếc laptop hay iPad, máy vi tính để bàn nhiều đến mức bất ngờ (63%). Tất nhiên, khảo sát này được thực hiện tại TP.HCM và nó chưa đủ sức khái quát hết tình hình của mọi trẻ em ở những tỉnh thành khác. Song, con số này chắc chắn đáng để bạn tham khảo, vì nó cao hơn cả những kỹ năng khác như: trẻ biết tự đánh răng, biết gọi điện thoại, biết tự thay quần áo, biết xử trí khi đi lạc, v.v..
Thời đại công nghệ, trẻ có thể bắt chước bố mẹ để mở tắt máy tính, có thể làm quen với những game, trang web tô màu, vẽ hình, v.v. từ độ tuổi bé xíu xìu xiu. Chính vì thế, nhất thiết bạn không thể lơ là với việc dạy cho con những kỹ năng sử dụng internet an toàn. Hãy cho trẻ biết trẻ không được tự ý vào trang lạ, cài tường lửa bảo vệ trên máy tính, hướng dẫn con không được tự ý chat hay kết bạn với những bạn ảo trên diễn đàn, v.v.. Việc này đặc biệt cần với trẻ, nhất là trẻ đã ở độ tuổi cấp 1.
2. Dạy trẻ tự “lo” được cho mình
Rất nhiều kỹ năng liên quan đến cụm từ ngắn gọn này nhưng vì quá nuông chiều con, nhiều cha mẹ đã không dạy cho trẻ. Nhiều trẻ 7 - 8 tuổi ăn cơm mẹ vẫn đút, 10 tuổi vẫn được mẹ tắm cho. Thậm chí không ít em, đến 18 tuổi, tốt nghiệp phổ thông rồi vẫn không biết đi xe đạp. Những việc cơ bản như giặt đồ, nấu cơm, v.v. trẻ đều không biết làm và lúng túng khi mẹ vắng nhà.
Trẻ không có khả năng tự lập không những mất tự tin mà còn luôn cảm thấy phụ thuộc vào cha mẹ. Thêm nữa, trẻ dễ nảy sinh tính ích kỷ, luôn coi mình là trung tâm, muốn mọi người phải ưu tiên, chăm sóc cho mình trước nhất.
Dạy con từ những việc nhỏ nhặt nhất trong nhà, trước hết trẻ học được kỹ năng tự chăm sóc bản thân, sau nữa đó là những bài học về tính kỷ luật, sự chia sẻ, tình yêu thương.
3. Dạy bé cách vượt qua hiểm nguy
Nghe có vẻ hơi trừu tượng và “cao siêu” nhưng thật ra là những điều rất gần gũi. Bạn luôn cố bảo vệ và che chở con bằng mọi cách. Nhưng thật ra, cách tốt nhất để trẻ tồn tại được, có thể vượt qua những hiểm nguy chính là trang bị cho con những kỹ năng “sống sót”.
Tai nạn thường gặp nhất là trẻ bị đuối nước. Để phòng ngừa điều này, khi trẻ khoảng 5 - 6 tuổi, bạn đã có thể cho trẻ học bơi. Tương tự, hãy dạy cho con những kỹ năng như khi lạc cha mẹ trẻ phải xử trí thế nào; khi bị người khác dụ dỗ, mời đồ ăn thức uống phải thế nào; khi bị trấn lột, dọa đánh trẻ phải ứng xử ra nào; kể cả dạy con cần phải làm gì khi bị người khác có cử chỉ xấu, sờ mó, lạm dụng.
4. Dạy con giao tiếp
Trẻ giao tiếp càng tốt thì càng có nhiều bạn, càng dễ được yêu quý và dễ thành công trên bước đường đời sau này. Thiên tính của mỗi đứa trẻ khác nhau nên có bé rất dạn dĩ, có bé nhút nhát, sống nội tâm, thích yên tĩnh một mình. Tuy nhiên, về cơ bản, nếu được bạn trang bị những kỹ năng giao tiếp, con sẽ biết cách chào hỏi người lớn một cách lễ phép, biết trả lời điện thoại hợp lý, biết cách bắt chuyện, làm quen với các bạn mới một cách dễ dàng.
Hãy dạy con từ những điều đơn giản nhất như Tết này, con biết cách khoanh tay chúc Tết người lớn ra sao, cảm ơn người khác khi được lì xì như thế nào. Không cần phải làm con căng thẳng, nhưng hãy uốn nắn bé từng thói quen nhỏ nhất. Bạn sẽ thấy con càng lớn càng ngoan ngoãn, ứng xử thông minh, biết chào hỏi, biết xin lỗi - cảm ơn một cách phù hợp.
5. Dạy con biết cách chọn lựa khôn ngoan
Đây là một kỹ năng quan trọng cho đứa trẻ “hiện đại”, bởi lẽ con bạn sẽ phải học cách ra nhiều quyết định từ rất sớm chứ không thể chỉ chờ bố mẹ suy nghĩ, quyết định thay “tất tần tật” mọi thứ.
Việc ra quyết định có vẻ như “quá sức” với một đứa trẻ. Song, nếu được hướng dẫn từ nhỏ, trẻ sẽ linh hoạt, có nhiều kinh nghiệm và biết cách ra quyết định một cách khôn ngoan hơn.
Nghe có vẻ khó khăn, nhưng thật ra bạn có thể bắt đầu từ những việc vô cùng đơn giản. Ví dụ, khi đưa trẻ đến một quán ăn, đừng tự ý gọi mọi thứ cho con, mà hãy đưa ra cho con quyền chọn lựa. Bé sẽ phải chọn lựa xem thích cái nào hơn và “chịu trách nhiệm” (ăn hết) món đã gọi. Tương tự, mua quần áo cho con, mua đồ chơi cho con, bạn đều có thể cho trẻ chọn giữa một và hai.
6. Quản lý tiền
Một kỹ năng sống quan trọng cần dạy cho trẻ là việc quản lý tiền bạc một cách hợp lý. Hãy bắt đầu bằng việc đưa ra trợ cấp cho con bạn. Tuy nhiên, cần phải cho trẻ biết rằng, tiền không thể tự do chi tiêu theo ý muốn. Thêm nữa, hãy là một tấm gương tốt. Trẻ sẽ quan sát việc chi tiêu của bạn và xem bạn có làm những gì mà bạn nói không.
7. An toàn
Dạy trẻ em không nói chuyện với người lạ chỉ là một phần của việc dạy chúng kĩ năng ứng xử khéo léo khi đi trên đường. Hãy chắc chắn rằng con bạn biết những người mà chúng có thể tìm được sự giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp khi xa nhà, chẳng hạn như một nhân viên cảnh sát hay giáo viên. Hãy luôn luôn nhắc nhở trẻ bình tĩnh giải quyết những khó khăn với một suy nghĩ tích cực rằng hầu hết mọi người đều tốt bụng và sẵn sàng giúp đỡ.