Cách phòng tránh táo bón cho bà bầu

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Thời kỳ đầu hoặc cuối thai kỳ, các mẹ bầu có thể mắc chứng táo bón nặng hơn. Lý do là vì khi mới mang thai, dấu hiệu bị nôn do nghén có khả năng khiến cơ thể các mẹ bị mất nước; cuối thai kỳ, do thai nhi gây chèn ép tới ruột nên cũng dễ làm bạn bị "táo". Cùng tham khảo những gợi ý dưới đây để ngăn chặn táo bón khi mang thai các mẹ nhé!

Giảm liều lượng canxi

Tiêu thụ quá nhiều canxi khi “bầu bí” có thể khiến phân bị rắn, gây nên chứng táo bón. Nếu sử dụng nhiều sữa hoặc các sản phẩm từ sữa hàng ngày, bạn nên cắt giảm tới mức cho phép. Nếu không có chỉ định của bác sĩ, bạn không nên tùy ý bổ sung canxi.

Giảm liều lượng sắt

Thừa sắt cũng có thể là nguyên nhân gây táo bón cho thai phụ. Bạn nên ăn những thực phẩm chứa sắt và dùng cách bổ sung sắt theo đúng tiêu chuẩn mà bác sĩ đã quy định. Bạn nên uống giãn cách từng lượng nhỏ sắt một, thay vì uống một số lượng lớn tại cũng một thời điểm.

Thực đơn nhiều chất xơ

Hãy tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn. Chất xơ hấp thụ nước và làm mềm các chất thải rắn, dễ dàng thải các chất cặn bã ra ngoài. Chất xơ có nhiều trong cam, chanh và cây họ đậu có tác dụng kích thích hệ vi khuẩn đường rụt và hiệu quả khá tốt trong điều trị táo bón. Tốt nhất, bạn nên ăn khoảng 25 đến 30 gram chất xơ mỗi ngày.

Thực phẩm giàu vitamin: các loại rau xanh, giá đỗ, các loại hoa quả như dâu tây, lê, cam, quýt… Nho, chuối, đu đủ chín, bưởi và khoai lang là loại quả được biết đến với tác dụng phòng táo bón hữu hiệu. Thức ăn nhiều chất bã: hoa quả tươi, nấm, rong biển…

Tránh ăn những thức ăn dễ gây ra táo bón. Bánh mì trắng và những thức ăn làm từ ngô rất dễ làm cho bạn bị táo bón. Nên hạn chế những thức ăn này.

Nên uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ. Điều này giúp cho cơ thể bạn dễ dàng bài tiết ra những chất cặn bã để “tống khứ” ra bên ngoài vào sáng hôm sau.

Tránh uống các loại đồ uống lợi tiểu như trà, cà phê, cola và chất cồn vì nó có thể gây ra tình trạng khử nước của cơ thể, làm chứng táo bón thêm nặng.

Uống nhiều nước

Uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc là yếu tố quan trọng giúp cơ thể bạn hấp thụ chất xơ. Bạn nên tiêu thụ khoảng 10 cốc nước lọc mỗi ngày. Sự kết hợp giữa chất lỏng và chế độ ăn nhiều chất xơ sẽ giúp loại trừ chất cặn bã có trong cơ thể của bạn. Chế độ luyện tập, bị đổ mồ hôi nhiều, thời tiết mùa hè nóng bức là những yếu tố khiến bạn cần nhiều nước hơn cho hệ tiêu hóa.

Kiên trì và đều đặn đi toilet

Mỗi ngày, bạn nên kiên nhẫn tạo cho mình thói quen ngồi toilet vào một giờ cố định (nên chọn thời điểm buổi sáng).

Có thể lúc đó bạn không “buồn” nhưng nên ngồi thư giãn tinh thần và tập trung vào “chuyện bạn muốn thải độc ra ngoài”, trong vòng 30 phút. Bạn không nên cố "rặn" vì điều này gây ảnh hưởng xấu đến thai.

Có một thông tin ngạc nhiên như sau: Nếu hôm nay bạn “đi” được, thì ngày mai, bạn cũng sẽ “đi” được vào khoảng thời gian đó. Nếu hôm nay bạn không “đi” được thì ngày mai bạn cũng rất khó để “giải quyết nỗi buồn”.

Tập thể dục đều đặn

Thói quen thiếu vận động có khả năng thúc đẩy bạn bị “táo” nhiều hơn. Bạn cũng nên tránh đứng hoặc ngồi quá lâu hoặc nhấc (mang, vác) những đồ vật nặng.

Vận động tích cực cũng giúp ngăn ngừa táo bón, tăng cường sức khoẻ toàn thân, đặc biệt là khi tính chất công việc của bạn phải ngồi nhiều.

Những bài tập tăng cường cơ hông có tác dụng giảm dấu hiệu bị táo bón khi mang thai. Ngoài ra, bạn cũng nên đi bộ hoặc bơi lội để kích thích sự hoạt động của đường ruột. Nếu không thể tập luyện hàng ngày, bạn nên duy trì chế độ tập khoảng 2-3 lần/tuần, mỗi lần 20-30 phút.

Bà bầu bị táo bón nên ăn một số thức ăn sau:

Khoai lang

Khoai lang là loại thực phẩm dân dã, rẻ tiền đồng thời là một món ăn có tác dụng nhuận tràng, rất tốt trong việc phòng ngừa bệnh táo bón. Khoai lang có chứa rất ít chất béo và không có cholesterol nên rất có lợi cho phụ nữ mang thai. Các mẹ có thể luộc ăn hay nấu canh cũng rất ngon.

Chuối

Loại trái cây vô cùng phổ biến và quen thuộc khác đó là chuối. Chuối cũng là loại thực phẩm rất giàu chất xơ nên có tác dụng nhuận tràng, tránh táo bón cho bà bầu. Mỗi ngày ăn 2 quả chuối (lưu ý là chỉ nên ăn chuối chín) khi bụng trống không hoặc chuối được nấu chín (cả vỏ), có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, giảm hiện tượng đi ngoài ra máu.

Đu đủ chín

Đu đủ chín có khả năng hỗ trợ tiêu hóa rất tốt, giúp ngăn ngừa táo bón. Đu đủ là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, chứa papain, một enzyme tiêu hóa chất đạm, cũng như một số các thành phần có khả năng chống táo bón.

Bí đỏ

Bí đỏ là nguồn cung cấp dồi dào các vitamin A, E, C và B6, rất tốt cho phụ nữ mang thai. Ngoài ra, bí đỏ rất giàu hàm lượng sắt và kẽm, giúp bổ sung lượng máu cho cơ thể, phòng ngừa bệnh thiếu máu hay gặp ở bà bầu.

Bên cạnh đó, bí đỏ còn là nguồn thực phẩm giàu chất xơ, giúp nhuận tràng, ngừa táo bón và trĩ, rất tốt cho phụ nữ mang thai.

Cà rốt

Cà rốt chứa nhiều beta carotin, vitamin B9, carotene và vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, protein, chất béo, chất xơ thô, sắt, canxi, phốt pho, có tác dụng giúp điều hòa ruột, nhuận tràng và làm khoan khoái bụng. Khi mang thai nếu bị táo bón chỉ cần ăn cháo cà rốt 1 lần/ngày, ăn liên tục từ 3-5 ngày hoặc dùng nước ép cà rốt có tác dụng điều trị táo bón khá hiệu quả.

Rong biển

Rong biển là thực phẩm giúp bà bầu ngăn ngừa táo bón và thúc đẩy quá trình bài tiết hữu hiệu.

Trong rong biển có thành phần Alga alkane mannitol, là loại đường có hàm lượng calo thấp, giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi cho ruột, làm cho thức ăn tiêu hoá nhanh và sớm loại bỏ các các chất cặn bã lưu lại trong ruột, giúp ruột trở nên sạch sẽ, tăng khả năng hấp thụ canxi.

Táo

Táo là loại trái cây không thể bỏ qua ở bà mẹ mang thai, do có táo có chứa rất nhiều các khoáng chất hữu ích như kali, magie, sắt, phốt pho, mangan, lưu huỳnh và pectin. Ngoài ra, táo chứa chất xơ không hòa tan, chống táo bón và cả chất xơ hòa tan, có thể giúp giảm cholesterol.

Tuy nhiên, cần cẩn thận chọn mua những loại táo không chứa chất bảo quản hoặc bị phun nhiều thuốc trừ sâu. Nếu có điều kiện, nên ăn từ 1 – 2 quả táo mỗi ngày là tốt nhất.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn