Những nỗi buồn đằng sau nụ cười ít ai biết của cố nghệ sĩ Phạm Bằng

( PHUNUTODAY ) - Là một nghệ sĩ mang tiếng cười đến cho khán giả nhưng đời tư của nghệ sĩ Phạm Bằng có rất nhiều nỗi buồn.

Nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời vào tối 31/10 ở tuổi 85 sau một thời gian chiến đấu với bệnh tật. Đồng nghiệp, bạn bè và khán giả bất ngờ khi nghe tin dù biết ông đã ở độ tuổi xưa nay hiếm.

pham-bang-phunutoday.vn-1

Phạm Bằng trải qua nhiều nỗi cô đơn.

Hồi đầu năm, nghệ sĩ hài nổi tiếng đất Bắc vẫn khoe về sức khỏe và sự minh mẫn ở tuổi 85 giúp ông có thể đi khắp nơi để diễn. Người ta vẫn thấy ông rong ruổi trên chiếc xe máy quen thuộc đến các điểm diễn - chẳng khác gì hình ảnh thời còn trẻ.

Khởi nghiệp từ sân khấu kịch nhưng nghệ sĩ Phạm Bằng được đông đảo khán giả biết đến và yêu mến sau khi gắn bó với truyền hình. Đóng rất đạt những vai chính diện nhưng ông lại ghi dấu ấn trong lòng người ở những vai diễn hài cười đến chảy nước mắt khi vào vai sếp Bằng hói, về nhà sợ vợ, ở cơ quan sợ các cô thư ký "mặt hoa da phấn" vì thói "ăn vụng".

pham-bang-phunutoday.vn

Khởi nghiệp từ sân khấu kịch nhưng nghệ sĩ Phạm Bằng được đông đảo khán giả biết đến và yêu mến sau khi gắn bó với truyền hình.

Tiếng là vui vẻ, hài hước vậy, nhưng trong đời sống thực, ít ai biết, thường trực bên Phạm Bằng là một nỗi cô đơn xâm chiếm mỗi lần trở về nhà sau những vai diễn hài mua vui cho thiên hạ. Bố ông mất sớm, để lại người vợ góa trẻ 24 tuổi và 3 người con. Mẹ ông ở vậy nuôi chị em ông khôn lớn, một tay cụ chèo lái con thuyền gia đình. Chính điều đó khiến cụ thành một người "gia trưởng", độc đoán và khắc nghiệt.

Phạm Bằng ít khi cảm nhận được tình yêu thương của mẹ mình ngay từ hồi còn là một đứa trẻ. Cụ từng muốn con trai mình sẽ làm nghề thầy giáo như người cha quá cố, nên khi Phạm Bằng rẽ sang hướng khác, cụ đã luôn mỉa mai cái nghiệp diễn Phạm Bằng theo đuổi với những câu nói chua chát: "Nó là con hát mua vui cho thiên hạ", "Nó là loại xướng ca vô loài", "Thằng hề"…

Phạm Bằng chưa bao giờ thấy mẹ vui, không bao giờ bà khen ngợi và cũng không mong bà đến rạp để xem mình biểu diễn.

Dẫu vậy, ông luôn tâm niệm, để lại hình ảnh trong lòng công chúng đã toại nguyện rồi. Ông chẳng màng danh hiệu, chỉ muốn được khán giả yêu mến và đồng nghiệp tin tưởng.

Kể từ khi vợ qua đời cách đây hơn chục năm, ông vẫn sống một mình ở căn nhà cũ đã gắn bó với ông hơn 40 năm qua. Đó là một ngôi nhà từ thời Pháp thuộc, trên tầng hai của phố Hàng Giầy.

Một thời ông và vợ tần tảo nuôi con, kiếm thêm tiền bằng nghề bán bánh trôi nước. Ở cái thời kinh tế khó khăn, ông vẫn nói nhờ có quán này của vợ mà gia đình ông không phải đói khổ. Khi vợ sớm đi trước, nghệ sĩ Phạm Bằng cũng chỉ duy trì quán một thời gian sau đó rồi nghỉ bán vì sức khỏe kém.

Ông coi việc bán quán như một cách để giao lưu với khán giả để đêm nằm đỡ trằn trọc, như cách ông nói là "để nước mắt lặn vào trong".

Ông từng tâm sự, những gì thuộc về ngày xưa đều rất đẹp. Cái triết lý ấy khác biệt với tiếng cười ông mang tới cho người đời qua những tiểu phẩm hài. Nó ẩn chứa nỗi nhớ nhung về người vợ quá cố và mái ấm gia đình có đầy đủ mọi thành viên.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng bồi hồi nhớ lại câu nghệ sĩ Phạm Bằng từng hứa sẽ đóng đĩa hài Tết ít nhất 6 năm nữa. Nhưng người nghệ sĩ ấy vội vã ra đi, để lại tiếc thương cho đồng nghiệp nhiều thế hệ.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link