1. Mang đa thai, thai bị dị tật bẩm sinh
Khi bạn mang thai đôi hoặc ba, thông thường các bác sĩ sẽ chỉ định bạn sinh mổ để được an toàn cho cả mẹ và các bé. Vì nếu bạn sinh thường sẽ mất rất nhiều sức và ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.
Thai nhi bị dị tật bẩm sinh sẽ được an toàn hơn khi sử dụng phương pháp mổ sinh.
2. Bà bầu có khung xương chậu hẹp hoặc biến dạng
Khung xương chậu là ống bằng xương mà khi đẻ nhất thiết thai nhi phải đi qua. Nếu vì một lý do nào đó, khung xương này bị hẹp (thường là di chứng của bệnh còi xương từ bé hoặc bị viêm xương khớp, bại liệt…) thai nhi không thể chui qua được. Lúc đó bắt buộc bác sĩ sản khoa phải can thiệp bằng cách mổ lấy thai.
3. Người mẹ có bệnh mãn tính
Người mẹ mắc một số bệnh như bệnh tim, tăng huyết áp, bị khó thở do hen hay bệnh phổi… khi chuyển dạ không thể tự rặn đẻ. Họ cũng phải được làm các thủ thuật hay phẫu thuật mổ đẻ để tránh tai biến có khi nguy hại đến cả mẹ và con.
4. Lần trước mẹ bầu đã mổ sinh
Mặc dù phụ nữ vẫn hoàn toàn có thể sinh thường nếu lần đầu đã mổ sinh nhưng trong hầu hết các trường hợp đều không nên. Vì vậy, nếu bạn đã một lần mổ sinh, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ về phương pháp sinh cho lần hai này.
5. Thai nhi quá lớn
Một thai bình thường của các bà mẹ Việt Nam có cân nặng trung bình trên dưới 3kg. Khi cân nặng thai nhi trên 3,5kg thì phải xếp vào loại thai to. Ngoài ra thai có thể to từng bộ phận như đầu to, vai hoặc bụng to… Cũng như trong trường hợp khung xương chậu bị hẹp, thai không thể chui được bình thường qua đường dưới mà cần phải mổ hoặc làm thủ thuật lấy thai ra để tránh cho dạ con khỏi bị vỡ.
6. Ngôi thai bất thường
Thông thường ngôi thai thuận đẻ dễ dàng là loại ngôi chỏm, ở đó thai nằm xuôi, đầu thai ở phía dưới và cúi tốt cho cằm áp sát vào ngực để chỏm đầu thai dễ dàng chui ra. Những ngôi thai nằm ngang, nằm ngược, những ngôi tuy đầu thai nằm dưới nhưng do cúi không tốt hoặc lại bị ngửa ra sẽ làm cho đầu thai có tư thế không thuận nên không thể chui qua đường sinh dục bà mẹ ra ngoài.
Cũng có thể là thai ngôi mông, là khi gần đến tháng sinh nở mà thai nhi vẫn không chịu quay đầu xuống. Trong trường hợp này, bạn sẽ không thể chờ đến khi vỡ ối hoặc chuyển dạ như những trường hợp thai ngôi đầu khác mà sẽ phải sinh mổ trước đó để tránh nguy hiểm cho em bé thai ngôi mông do vấn đề về rau khi vỡ ối. Đối với những trường hợp này cũng cần phải có thủ thuật của bác sĩ.
7. Tình trạng thai suy
Thai nhi có thể đã bị suy trong tử cung ngay từ khi chưa chuyển dạ (suy mạn tính), có thể suy trong quá trình chuyển dạ (suy cấp tính). Khi thai đã bị suy thì cần phải cho ra khỏi tử cung ngay lập tức, càng sớm càng tốt (phần lớn là mổ đẻ) để cứu thai khỏi bị ngạt nặng hoặc tử vong trong hoặc sau khi đẻ.
8. Các nguyên nhân do phần phụ của thai
Phần phụ của thai là các thành phần như rau thai, màng thai, dây rốn và nước ối. Những thành phần phụ này đôi khi cũng gây nên tình trạng đẻ khó cho các bà mẹ. Ví dụ như những trường hợp nhau thai bám ở phía dưới dạ con làm cản trở đường ra của thai (gọi là nhau tiền đạo). Trường hợp này có thể gây chảy máu âm đạo nặng, trong trường hợp nghiêm trọng sẽ gây tử vong mẹ va bé. Hay những trường hợp sa dây rốn, khi dây rốn bị sa xuống qua âm đạo trước khi em bé chào đời. Nó sẽ cắt đứt nguồn cung cấp oxy cho em bé, làm cho ối vỡ sớm, cạn kiệt nước ối…
9. Chuyển dạ kéo dài
Bình thường một cuộc chuyển dạ trung bình kéo dài 15 - 16 giờ tính từ khi bắt đầu đến lúc cổ tử cung mở hết, bà mẹ được rặn đẻ. Nếu vì một lý do nào đó mà cuộc chuyển dạ kéo dài thì bà mẹ đó cần được bác sĩ can thiệp bằng thuốc hoặc thủ thuật hay phẫu thuật để lấy thai ra
10. Các rối loạn cơn co tử cung
Động lực thúc đẩy cuộc chuyển dạ tiến triển và giúp các bà mẹ đẻ được chính là các cơn co tử cung mỗi lúc một mạnh và nhanh hơn. Trường hợp các cơn co quá mạnh, quá nhanh hoặc quá yếu, quá thưa đều gây nên tình trạng đẻ khó cho bà mẹ. Nếu không được theo dõi và phát hiện kịp thời, các cơn co dạ con tăng mạnh có thể dẫn đến suy thai, vỡ tử cung hoặc bị liệt tử cung sau đẻ.
11. Các bất thường về mở cổ tử cung
Thai muốn chui được ra ngoài thì cổ tử cung phải mở rộng hết. Nếu trong chuyển dạ, cổ tử cung không mở hoặc mở chỉ đến một mức độ nào đó rồi dừng lại hoặc mở quá chậm cũng gây khó khăn cho các bà mẹ, cần phải có sự can thiệp của các bác sỹ chuyên khoa.