9 lợi ích của thể dục với bà bầu

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Hầu hết phụ nữ có thai được khuyên nên tập thể dục. Bắt đầu từ kỳ đầu đến kỳ cuối thai kỳ việc tập thể dục thì không hề khó với mọi bà mẹ. Dưới đây là một số lý do tại sao nên tập thể dục trong thời gian mang thai:

1. Chống lại mệt mỏi

Sự mệt mỏi luôn xuất hiện ở 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, và tái diễn một lần nữa ở 3 tháng cuối. Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng bạn nghỉ ngơi càng nhiều thì cơ thể bạn càng mệt mỏi hơn.

Nếu bạn chưa bao giờ tập thể dục từ lúc có bầu, thì ngay bây giờ mỗi khi mệt mỏi, bạn hãy bắt tay thực hiện những động tác nhẹ nhàng. Chỉ là những vận động nhẹ thôi nhưng cũng tạo ra năng lượng cho cơ thể. Bạn chắc chắn sẽ ngạc nhiên với cảm giác của mình sau khi tập luyện.

2. Cải thiện giấc ngủ

Nhiều phụ nữ mang bầu cho biết từ lúc có thai, họ thấy rất khó ngủ (chưa nói đến việc hay buồn ngủ trong thời gian đang tắm). Trong khi những người thường xuyên luyện tập thể dục (miễn là không gần giờ đi ngủ) lại nói rằng việc vận động thể thao giúp họ ngủ ngon hơn, và khi thức dậy họ cảm thấy người thư thái hơn rất nhiều.

3. Giải quyết táo bón

Một cơ thể năng động sẽ “làm chủ” một bộ máy tiêu hóa khỏe mạnh. Một vài chị em mang bầu nói rằng việc đi bộ 30 phút mỗi ngày giúp đường ruột của họ tiêu hóa tốt hơn, còn những người khác lại cho hay chỉ cần bỏ ra 10 phút đi bộ, cơ quan tiêu hóa của họ cũng hoạt động tốt hơn hẳn.

Tập thể dục để mẹ bầu khỏe mạnh mỗi ngày - Mẹ mang thai - Bà bầu cần biết - Những điều cần biết khi mang thai - Sức khỏe khi mang thai

4. Cải thiện đau lưng

Đau lưng ảnh hưởng đến hầu hết phụ nữ lúc mang thai. Cách bảo vệ tốt nhất cho khung xương của bạn đó là thực hiện những bài tập an toàn cho bà bầu nhằm tăng cường cơ bắp – thứ hỗ trợ cho chiếc lưng của bạn. Bạn không nhất thiết phải tập những bài liên quan đến lưng hoặc bụng, chỉ cần đi bộ một quãng ngắn ra chợ thôi, bạn cũng giúp lưng giảm đau và giảm áp lực đấy.

5. Tạo cảm giác vui vẻ

Tập thể dục sẽ kích thích bộ não giải phóng endorphins, là chất tạo cảm giác hứng khởi và tràn đầy năng lượng cho cơ thể. Nhờ đó, bạn sẽ thấy tâm trạng mình được cải thiện, không còn cảm giác lo lắng hay buồn phiền nữa.

6. Giúp cơ thể co giãn

Chỉ cần co giãn cơ thể – không cần kéo căng quá sức, thậm chí không đổ một giọt mồ hôi – cũng giúp cơ thể bạn được thoải mái. Vận động này đặc biệt có lợi nếu bạn bị chuột rút, nhất là ở chân. Kéo giãn chân (cong ngón chân lên thay vì bẻ xuống) có thể giúp bắp chân bạn được thư giãn, ngăn ngừa chuột rút, và làm giảm các cơn đau cơ bắp.

Hãy thực hiện động tác co giãn ở bất cứ đâu có thể, như co giãn khi đang ngồi ở bàn làm việc hoặc trên máy bay hay trong ô tô (đặc biệt khi phải ngồi trong thời gian quá lâu), và trước khi đi ngủ (nhất là khi những cơn đau chuột rút luôn phá hỏng giấc ngủ của bạn).

7. Cũng là tập thể dục cho con

Con của những bà mẹ thường tập thể dục khi mang thai được sinh ra với cân nặng và sức đề kháng tốt hơn. Còn với các bà mẹ, khả năng chịu đựng lúc “vượt cạn” của họ thì tốt hơn, cũng như khả năng hồi phục những căng thẳng sau sinh nhanh hơn.

8. Dễ đẻ hơn

Việc tập thể dục lúc mang bầu không đảm bảo việc bạn “vượt cạn” thành công hơn, nhưng những ai tập thể dục khi lúc mang thai thường có xu hướng sinh con nhanh hơn, dễ dàng hơn và ít cần đến sự can thiệp y tế khi “lâm bồn”.

9. Tăng khả năng hồi phục sau sinh

Bạn càng tập thể dục thường xuyên khi mang thai, thì cơ thể bạn càng mau hồi phục sau khi sinh. Đặc biệt, việc lấy lại vóc dáng thuở con gái của bạn cũng dàng hơn rất nhiều, bạn sẽ nhanh chóng được “gặp lại” những chiếc quần jean hoặc bộ váy bạn phải “tạm chia tay” khi còn vác chiếc bụng bầu nặng nề.

Lưu ý:

- Các bà bầu nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở ý tế uy tín khám thai, kiểm tra tình trạng cơ thể bản thân trước khi cân nhắc tập thể dục. Nhiều phụ nữ mang thai nhưng cơ thể mẹ yếu hoặc thai nhi không được khỏe mạnh, tập thể dục có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai nhi. Kiểm tra các chỉ số cơ thể để có lựa chọn tốt nhất cho cả mẹ và con.

- Khi tập thể dục, máu sẽ lưu thông tới các cơ quan nội tạng (kể cả tử cung) để cung cấp oxy cho các cơ quan và cơ bắp hoạt động. Vì thế nếu mẹ mang thai tập thể dục quá sức hoặc quá mạnh có thể làm giảm lượng oxy tới tử cung. Vậy nên cần điều chỉnh hoạt động thể chất của bản thân để đảm bảo cung cấp đủ oxy cho thai nhi.

- Khi mang thai, cơ thể không thể hoạt động quá sức, quá mạnh như trước. Giữ cân bằng cơ thể cũng là điều vô cùng quan trọng. Vì vậy nên tránh các môn thể thao quá sức, khó giữ thăng bằng cơ thể như: bóng chuyền, bóng đá, trượt băng, bóng rổ, leo núi...

- Tập thể dục khiến nhiệt độ cơ thể tăng. Nhiệt độ cơ thể mẹ tác động tới sự phát triển của thai nhi. Do đó mà các bà mẹ nên cẩn trọng khi tập thể dục lúc thời tiết nóng và luôn phải chú ý là trước khi tập thể dục nên uống nước. Cần đảm bảo nhiệt độ cơ thể không quá 38 độ C.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn