Những lưu ý khi bà bầu tập thể thao

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Việc tập thể thao trong thai kỳ có thể mang lại sức khỏe cho mẹ và an toàn cho thai nhi. Tuy nhiên, khi tập thể thau, thể dục mẹ bầu cần lưu ý một số vấn đề dưới đây nhé!

Những nghiên cứu được thực hiện trong mười năm liền đã cho thấy thể thao khi mang thai không chỉ mang lại sức khoẻ cho thai phụ, mà còn mang đến những lợi ích lâu dài cho em bé sau này. Những em bé được sinh ra bởi những phụ nữ chăm tập thể thao khi mang thai thường có cơ thể cân đối hơn, đối phó với mọi tình huống giỏi hơn những em bé khác.

Một phần lý do là vì thai phụ chăm tập thể thao có nhau thai to hơn và khoẻ mạnh hơn các thai phụ khác, điều này giúp cho việc luân chuyển các chất dinh dưỡng vào thai nhi dễ dàng hơn.

Chính vì vậy, ngay từ khi bạn có ý định mang thai, nếu bạn vốn là người hay tập thể thao, việc này rất tốt vì nó sẽ khiến cho thai kỳ của bạn dễ chịu hơn. Đừng chờ đến những tháng cuối mới tập, vì thời điểm này, việc tập thể thao rất khó do thai nhi đã quá lớn. Nếu đã bắt đầu tập, bạn nên tập thường xuyên, tập không thường xuyên có thể làm giảm lượng oxy tới thai nhi.

Bạn có thể chọn rất nhiều môn thể thao nhẹ nhàng, và quan trọng là bạn phải hỏi kỹ ý kiến của bác sĩ cũng như huấn luyện viên thể thao để có được bài tập phù hợp nhất, đừng tự ý tập nhé.

Những lưu ý cho mẹ bầu khi tập thể dục thể thao

Cung cấp đủ calories cho cơ thể

Hãy áp dụng chế độ ăn tăng thêm 300-500 calories mỗi ngày trong suốt thai kỳ, đặc biệt nếu bạn tập thể dục chăm chỉ. Hãy đảm bảo chế độ ăn đa dạng dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh.

Có ba vùng cơ quan trọng nhất cần được chú ý tập luyện trong thời gian mang thai: đó là cơ lưng, cơ quanh khung xương chậu và cơ bụng. Cơ lưng khoẻ mạnh sẽ giúp làm giảm sức căng của cơ thể trong giai đoạn mang thai, giúp thai phụ có dáng đẹp hơn. Cơ quanh khung xương chậu khoẻ sẽ giúp cho quá trình sinh nở nhanh và dễ chịu. Còn cơ bụng khoẻ mạnh sẽ giúp cho việc nâng đỡ thai nhi được dễ dàng hơn.

 Tránh xa những môn thể thao nguy hiểm

Không tham gia những môn thể thao hay hoạt động thể dục khiến cơ thể khó giữ thăng bằng. Hãy nhớ rằng, khi cơ thể tăng hàm lượng hormone relaxin trong suốt thai kỳ sẽ gây ra hiện tượng giãn khớp nối quanh khung xương chậu, làm giảm sức chịu đựng của khung xương chậu khiến cho dễ bị tổn thương và bong gân hơn khi bị ngã. Khi một bộ phận trên cơ thể bị đau hay không thoải mái, hãy dừng tập ngay và đổi sang động tác phù hợp sau đó.

Bên cạnh đó, việc mặc quần áo rộng rãi, thoải mái; lựa chọn loại giày phù hợp cho môn thể dục sẽ giúp các mẹ bầu cảm thấy thoải mái khi tập luyệ. Nếu chân bạn sưng lên do tích nước khi mang thai, hãy thay ngay đôi giày mới.

Luôn khỏi động trước khi tập

Làm nóng cơ thể để chuẩn bị cho khối cơ, dây chằng và tim sẵn sàng cho bài luyện tập.

Nếu bạn bỏ qua giai đoạn khởi động để tham gia ngay vào các hoạt động trước khi cơ thể sẵn sàng, bạn sẽ làm khối cơ phải kéo căng để ngay lập tức hoạt động nên dễ gây đau nhức.

Uống đủ nước

Uống nước trước, trong và sau khi tập thể dục. Nếu cơ thể bạn bị mất nước có thể dễ dẫn đến co bóp dạ con và làm tăng nhiệt độ cơ thể, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé.

Đừng nằm ngửa

Đừng nằm ngửa sau giai đoạn thứ nhất của thai kỳ. Tư thế này gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình vận chuyển máu đến não và dạ con, khiến bạn dễ bị hoa mắt, chóng mặt và thở dốc, thậm chí nôn mửa.

Đừng tập quá sức

Đừng tập thể dục đến mức kiệt sức. Một nguyên tắc bỏ túi bạn nên nhớ là: hãy giảm cường độ lại nếu bạn không thể nói chuyện bình thường (hoặc hụt hơi khi nói). Hãy lắng nghe cơ thể mình, vì đó chính là chỉ dẫn tốt nhất.

Khi bạn cảm thấy đau, dù ở bất kỳ bộ phận nào, đó có nghĩa là bạn đã tập sai hoặc có gì đó không ổn, hãy dừng tập ngay! Hãy nhớ là bạn tập luyện để tốt cho cơ thể, chứ không phải để hành hạ nó.

Không để cơ thể quá nóng

Trong thai kỳ thứ nhất, các cơ quan trong cơ thể hài nhi đang được hình thành và phát triển. Nếu cơ thể mẹ quá nóng có thể gây những ảnh hưởng không tốt đến con. Khi thời tiết quá nóng, bạn nên tìm một nơi thoáng mát hay có thể luyện tập trong nhà.

Ngồi lên từ từ

Khi bụng lớn dần lên, trọng tâm trên cơ thể thay đổi. Đây là lý do tại sao nên cẩn thận mỗi khi thay đổi tư thế. Ngoài ra, ngồi lên quá nhanh sẽ khiến bạn mệt mỏi và dễ mất thăng bằng.

Thả lỏng

Sau khi hoạt động cơ thể, hãy dành 15 phút để đi bộ nhẹ và thả lỏng cơ thể. Tim bạn hoạt động tăng khi tập thể dục nên cần khoảng 15 phút để quay lại nhịp độ bình thường trước luyện tập.

Tạo thói quen

Hãy đưa việc tập thể dục vào kế hoạch các việc làm thường xuyên của bạn. Tạo thói quen tập thể dục giúp cơ thể bạn quen với cường độ tập luyện thay vì đột nhiên phải vận động cường độ cao. Bạn có thể duy trì chế độ tập luyện an toàn với khoảng 30 phút tập mỗi ngày cho tất cả các ngày trong tuần nếu bác sĩ của bạn không có chỉ định nào khác.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn