Ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Căn cước. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo luật mới, thẻ Căn cước công dân sẽ được đổi sang tên gọi mới là thẻ Căn cước. Luật Căn cước có quy định về các trường hợp phải đổi thẻ. Cụ thể, điều 24 Luật Căn cước quy định, các trường hợp phải đổi thẻ Căn cước gồm:
* Trường hợp đổi thẻ Căn cước từ 1/7/2024
- Khi đến độ tuổi phải đổi thẻ Căn cước. Theo đó, công dân đủ 14 tuổi, đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi sẽ phải làm thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước.
- Khi thay đổi các thông tin về như họ, chữ đệm, tên khai sinh, ngày tháng năm sinh.
- Khi thay đổi nhân dạng hoặc xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính.
- Khi thông tin trên thẻ Căn cước có sai sót.
- Khi đơn vị địa giới hành chính, tên đơn vị hành chính bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh.
- Khi số định danh cá nhân được xác lập lại.
- Khi công dân sở hữu thẻ Căn cước/Căn cước công dân có yêu cầu.
Trường hợp nếu công dân được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước các độ tuổi phải đổi thẻ Căn cước ở trên thì vẫn có giá trị sử dụng đến độ tuổi đổi thẻ tiếp theo. Tức là công dân đã được cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước khi đủ 23 tuổi, đủ 38 tuổi và đủ 58 tuổi sẽ được dùng thẻ được cấp này đến độ tuổi tiếp theo mà không phải làm lại thẻ khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
* Trường hợp phải cấp lại thẻ Căn cước dù chưa đến độ tuổi phải đổi thẻ Căn cước
- Thẻ Căn cước bị mất hoặc bị hư hỏng đến mức không thể sử dụng được.
- Khi công dân Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam.
So với quy định cũ, Luật Căn cước bổ sung thêm nhiều trường hợp phải đổi lại, cấp lại thẻ Căn cước. Cụ thể, các trường hợp phải đổi lại, cấp lại thẻ Căn cước được bổ sung theo luật mới bao gồm:
- Khi công dân đủ 14 tuổi thì phải đi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước.
- Khi công dân chuyển đổi giới tính.
- Khi đơn vị địa giới hành chính, tên đơn vị hành chính bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh.
- Khi số định danh cá nhân được xác lập lại.
Không đổi thẻ Căn cước có bị phạt không?
Điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định nếu công dân không đi đổi sang thẻ Căn cước trong trường hợp phải đổi lại, cấp lại sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.
Vì vậy, nếu công dân thuộc các trường hợp cần phải cấp đổi thẻ nêu trên thì cần đi thực hiện ngay thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước theo quy định tại Luật Căn cước mới nhất để tránh bị phạt.
Công dân có nhu cầu đổi thẻ Căn cước có thể thực hiện trực tiếp tại nơi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước hoặc thực hiện online (trực tuyến) trên Cổng dịch vụ công. Lưu ý, với trường hợp cấp đổi thẻ Căn cước, thẻ Căn cước công dân cũ của công dân sẽ bị thu hồi.
Trong trường hợp làm online, công dân truy cập vào trang web Công dịch vụ công trực tuyến thực hiện cấp đổi thẻ Căn cước và thực hiện kê khai thông tin và hẹn ngày đến thực hiện thủ tục trực tiếp cơ quan có thẩm quyền.
Trong trường hợp làm trực tiếp, công dân có yêu cầu trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước. Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp đổi để xác định người cần cấp thẻ Căn cước.
Nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước
Điều 27 Luật Căn cước quy định, nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước gồm:
(1) Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú.
(2) Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định.
(3) Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân.