Nỗi đau người cha mất con gái nhỏ trong thảm họa Tacloban

17:07, Thứ tư 20/11/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - “Hai con trai tôi chui được qua lỗ thông gió để trèo lên tầng hai. Vợ tôi quay lại vừa kéo được Marielle thoát ra khỏi khe hẹp đó thì một con sóng khác ập tới. Con bé đã bị tuột tay…”, nói đến đây, ông Rolando B.Alueta nghẹn lời.

Cô con gái út 13 tuổi của ông chỉ là một trong số 1.200 dân Tacloban mất tích. Dù chỉ còn một phần triệu hy vọng, ông vẫn đi dán ảnh con khắp các nẻo đường thành phố.

Tacloban lại một ngày nắng to. Mùi tử khí từ phía đối diện tiếp tục xộ thẳng sang City Hall – tòa thị chính thành phố Tacloban. Chen chúc trong dòng người đến khai báo người thân mất tích, ông Rolando B.Alueta đến khai báo sự mất tích của con gái út đêm 8/11. Người cha đau khổ vẫn hết sức bình tĩnh nhưng sự khổ đau không thể giấu nổi bởi khóe mắt đỏ hoe.

Camelia đang ngồi ngóng tin gia đình.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình Rolando B.Alueta nằm giữa khu dân cư trong xóm Barangay 87 ở cuối đường St.Petet Surdivion. Tức là cách bờ biển tới hơn một km. Cách một eo biển nhỏ là sân bay Tacloban. Vì thế, ông không thể hình dung sóng biển có thể đổ vào ngôi nhà của mình. Điều khiến Rolando B.Alueta day dứt nhât là khi bão đến, ông không có mặt ở nhà. Là một thủy thủ tàu viễn dương, trong lúc vợ con lâm nạn, ông đang ở cách nhà bảy ngày đường biển. Nhận được tin, ông như phát cuồng, không thể làm được gì khác ngoài việc đứng trên boong hướng mắt về thành phố quê hương. Tàu vừa cập cảng, ông lập tức tìm mọi cách để lên chuyến bay sớm nhất bay về Cebu rồi lại vật vã lên phà vượt biển về Tacloban.

Về đến nơi, tất cả chỉ còn là đống hoang tàn đổ nát. Chiếc ô tô con của gia đình giờ nằm vắt vẻo trên cổng sắt cách mặt đất hơn 2 m như xát thêm muối vào nỗi đau của người cha từng trải. Vợ con đã đi ở nhờ, qua những người hàng xóm còn sống sót, ông chỉ biết rằng cô con gái đã mất tích.

Vừa long tóc gáy tìm ba người thân còn sống sót, vừa đến các điểm tập kết thi thể nạn nhân, vừa sục vào mọi ngõ ngách, Rolando B.Alueta vẫn không thôi hy vọng con gái mình vẫn sống sót. Ông đã dán 50 tờ thông báo có ảnh con gái ở khắp các đường phố. “Một phần triệu thì vẫn là còn hy vọng. Sau hôm tôi trở về nhà, trong xóm này vẫn có vài người tìm được về nhà mà chỉ bị xây xát nhẹ”, ông níu kéo niềm tin của mình.

Ông Ronando.

Trái với sự nóng vội của chồng, bà Alueta đã có bảy ngày chờ chồng và khóc hết nước mắt cho con. Cặp mắt trũng sâu vì thiếu đói và khóc than, giờ mối quan tâm lớn của bà là làm sao duy trì sự sống cho hai đứa con trai còn lại. Không lo sao được khi tình hình chưa có vẻ gì sẽ được trong những ngày tới trong khi dịch bệnh và thiếu đói đã rình rập ngay trước cửa. Sát bên ngôi nhà họ, một người hàng xóm vừa mới qua đời, bà cũng không biêt ông ta chết vì điều gì: Đói ăn hay dịch tả!

Tại Trung tâm tiếp nhận thông tin người chết và mất tích của TP.Tacloban, những hoàn cảnh thương tâm như gia đình Rolando B.Alueta không hiếm. Mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ nhưng Trung tâm này cũng đã tiếp nhận tới gần 1.000 trường hợp đến khai báo người thân thiệt mạng và con số tương đương người mất tích.

Trong số những người đến tìm kiếm thông tin về người thân có cô bé Camelia, 12 tuổi. Cả gia đình bốn người giờ chỉ còn lại Camelia. Không biết cách nào in ảnh cha mẹ và em trai lên giấy trắng, cô bé chỉ nguệch ngoạc dòng chữ ngắn ngủi tên tuổi ba người thân, địa chỉ ngôi nhà rồi dán lên tấm bảng tìm kiếm người mất tích.

Không còn người thân, giờ Camelia lấy luôn sảnh City Hall làm nơi ngả lưng. Để sinh tồn, cô bé ngửa tay xin đồ ăn của các tổ chức cứu trợ quốc tế đang tập kết hàng cứu trợ xuống tòa thị chính.

Ông Ronando đi hỏi thăm về con gái.

Ngoài thời gian ngủ ít ỏi, cô bé luôn quanh quẩn cạnh tấm bảng dán thông báo. Mỗi khi có người đến viết dòng chữ nào lên bảng, dù đang chơi ở đâu, cô cũng chạy lại gần để ngó nghiêng và hy vọng… Camelia đã chờ đợi như thế suốt 10 ngày nay. Hàng trăm lần cô đã ù chạy đến tấm biển. Cũng từng ấy lần là sự thất vọng. Nhưng ngoài sự chờ đợi, em bé mười hai tuổi này biết làm điều gì khác?

Trong lúc Rolando B.Alueta và cô bé Camelia quẩn quanh gần tấm biển dán thông báo tìm người thân, hàng trăm người dân Tacloban vẫn kiên nhẫn ngồi giữa khoảng sân bê tông dưới trời nắng chang chang để ngồi chờ sạc pin điện thoại. Giờ đây, điện thoại di động là phương tiên liên lạc khả dĩ nhất để họ hỏi thăm thông tin người thân ở những vùng xung quanh, tìm kiếm người nhà mất tích. Ai cũng nuôi cho mình một hy vọng về phép màu sẽ đến.

Phía bên kia đường, nơi tập kết xác chết, chiều nay vẫn có thêm bốn ô tô tải hạng nặng về tập kết. Cho đến hết ngày, các đội tìm kiếm, thu gom xác chết cũng mới chỉ tiến xa so với ngày hôm qua khoảng 1.000 mét. Tức là cách Tòa thị chính chưa đầy 3 km. Tức là vẫn mới chỉ ở ngay nội thành Tacloban.

Nắng nóng. Mưa to. Rồi lại nắng nóng.

Ôtô của ông Ronando là tài sản duy nhất còn lại.

Sự khắc nghiệt của thời tiết khiến xác chết phân hủy nhanh hơn. Mà đã 11 ngày trôi qua, dù thời tiết có lý tưởng thì cũng không một ai chịu được mùi xú khí. Vẫn còn gần 1.200 người mất tích (dù chỉ là con số chính thức, chưa phải số thực tế), tức là gần hết trong số đó thực sự đã chết mà chưa được quy tập. Rồi vô số xác động vật, các chất thải uế tạp… giờ đều đã lộn tùng phèo trộn lẫn với nhau.

Nhanh lên, nhanh hơn nữa là khẩu hiệu của cả thành phố Tacloban. Cuộc sống của những còn sống và bám trụ lại Tacloban cũng đang bị đe dọa. Lo cho người sống chưa xong, Tacloban giờ không còn nước mắt cho người chết. Vì thế, những nỗi đau, như của ông bố Rolando B.Alueta hay cô bé Camelia giờ họ chỉ còn biết nuốt vào trong lòng chứ có thể chia sẻ với ai?

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông