Tacloban – chuyện của những người không được chết

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Chiều 17/11, cô bé Rebecca đã nằm điều trị ở Bệnh viện Tacloban được bốn ngày. Tóc cạo trọc để lộ vết khâu dài gần 20 cm kéo dài từ trước ra sau, từ những giờ phút hiếm hoi nằm ngủ lịm đi, hầu như cô bé 13 tuổi này ngồi bất động trên giường, không nói nửa câu. Từ đôi mắt thất thần, hai dòng nước mắt cứ tự tuôn. Vết thương trên đầu đã gần liền miệng nhưng vết thương tinh thần không biết bao giờ mới qua khi cả đại gia đình cô đã bỏ mạng vì cơn bão Haiyan.

Mô tả ảnh.

Tổng thư ký tòa soạn báo điện tử Người đưa tin - anh Nguyễn Thành Lân (ngoài cùng

bên trái) tại Tacloban.

Bệnh nhi nổi tiếng thế giới

Bệnh viện Tacloban đông nghẹt bệnh nhân. Không đủ chỗ và quá nóng vì mất điện, người ta nằm tràn ra các hành lang tối om, sâu hun hút.

Tacloban có ba bệnh viện. Nhưng hai bệnh viện kia đều đã bị phá hỏng trong siêu bão. Giờ mọi bệnh nhân đều đổ hết về đây. Trong số các bệnh nhân, “nổi tiếng” nhất, được bác sĩ Toledo giới thiệu đầu tiên là cô bé Rebecca. Hầu như không hãng truyền thông nào đến Tacloban đưa tin lại không tìm đến cô bé. Và hầu như ai cũng rơi nước mắt…

Bệnh nhi Rebecca tại Bệnh viện Tacloban.

Đại gia đình Rebecca sống ở một xóm nghèo ven biển phía ngoại ô Tacloban. Khi cơn bão ập đến, cả nhà đều tề tựu đầy đủ. Căn nhà tạm không đủ sức chống chọi với gió lớn đã đổ sụp xuống, chôn vui tất cả. Cùng lúc, nước biển dâng cao bao trùm cả xóm, trong đó có ngôi nhà của Rebecca.

Cô bé đã ngất đi không biết trong bao lâu. Khi tỉnh dậy, cô bị kẹt cứng trong đống đổ nát. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra, bởi đến giờ Rebecca vẫn không nói một lời, ngoài khóc.

Cô bé đã nằm bất động dưới đống đổ nát, bên cạnh xác những người thân suốt gần một tuần. Khi những cái xác bắt đầu phân hủy, những người cùng xóm trở lại nhà cũ đã phát hiện ra tiếng khóc và tìm được cô.

Bệnh viện Tacloban rất nhỏ. Chúng tôi không đủ điều kiện và cũng không có đủ bác sĩ tâm lý để điều trị những tổn thương tinh thần cho Rebecca. Trước mắt, chúng tôi mới chỉ nghĩ đến chuyện chữa lành vết thương trên đầu. Những chuyện khác, phải gác lại, giống như người dân cả thành phố Tacloban này thôi, phải sống cái đã”, Toledo – bác sĩ điều trị cho Rebecca nói.

Tại sân bay Tacloban, trong dòng người dài vô tận chờ đến lượt lên máy bay quân sự . C-130 của quân đội Philippines để rời khỏi hòn đảo có bà mẹ trẻ Llorente. Mới ngoài hai mươi tuổi, cô đã kịp có hai đứa con nhỏ. Ngay sau khi cơn bão đi qua, chui ra từ đống đổ nát, chỉ có phép màu mới giúp đỡ ba mẹ con không có nấy một vết thương trên người trong khi những người khác, trong đó có chồng cô – một tài xế taxi đã thiệt mạng.

Không kịp ở lại tìm xác người thân, cô vội vàng đưa hai con đến sân bay, tìm cách sang Cebu nương nhờ người quen. Không đồ đạc, không quần áo ngoài bộ duy nhất mặc trên người, cả ba mẹ con họ đã vật vờ ở sân bay, sống bằng số thực phẩm ít ỏi do những người cùng cảnh ngộ chia sẻ, chờ cơ hội lên máy bay. “Tôi không thể ở lại lâu hơn được nữa. Nếu ở lại không chắc chúng tôi có sống được không khi phải nhịn đói ngủ ngoài trời. Ở đây, có đói thì hai con tôi cũng không chết”, Llorente nói.

Mẹ con Llorente tại sân bay Tacloban đang tìm cách rời khỏi hòn đảo.

Trong khi bà mẹ đang rầu rĩ dường như chưa ý thức được những mất mát gia đình họ đã phải trải qua, cô con gái út vừa bẽn lẽn rúc vào nách mẹ vừa liếc trộm người đối diện. Mối quan tâm lớn nhất của cô bé có lẽ là quả táo phóng viên Người đưa tin đưa cho nhưng cô chưa dám nhận.

Nhiều người vẫn tiếp tục rời khỏi Tacloban. 

Tacloban, mùi của tử thần

Những câu chuyện thương tâm giống như Rebecca hay mẹ con nhà Llorente không khó gặp, ở Tacloban này. Điều đó chẳng còn có gì khó hiểu sau khi siêu bão Haiyan quét qua đây.

Thành phố Tacloban nhỏ bé và hẻo lánh ở miền nam quốc đảo Philippines nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Có lẽ, trong lịch sử thế giới hiện đại, ngoài trận động đất kinh hoàng ở Haiti cách đây ít năm, không sự kiện nào khiến loài người cảm thương như khi cơn bão Haiyan quét qua Tacloban. Về mức độ, còn có thể kể đến cơn sóng thần (tsunami) bao trùm Nhật Bản và đảo Bali. Tuy nhiên, Bali quá nhỏ để người ta phải khó khăn khi tiếp cận. Còn Nhật Bản, do địa hình không quá chia cắt và quốc gia này quá hiện đại để có thể cứu hộ một cách nhanh chóng.

Tacloban nhìn từ trên cao.

Giữa đất nước Philippines còn nghèo, lại khó tiếp cận, hầu như phương tiện duy nhất là đường hàng không nên hiện tại, Tacloban như bị cắt đứt với thế giới bên ngoài. Chính nỗi cô đơn và sự sợ hãi đã nhân lên gấp bội sự cùng quẫn và nhu cầu rời khỏi hòn đảo. Ngay những người còn sống cũng đang dở sống dở chết, còn đâu hơi sức để người ta lo cho người chết, nhất là ở vùng ngoại thành, nông thôn hẻo lánh!

Giữa ban ngày, không ít người đã rợn tóc gáy khi chứng kiến những đàn chó nhà – giờ nhanh chóng trở thành chó hoang – đi kiếm thức ăn, tức là xác những con người, mới hôm trước thôi, có khi vẫn còn là chủ của chúng. Động vật đã vậy, nỗi cô đơn và sợ hãi của người bị bỏ rơi khiến người ta phát điên. Đó đây, đã có những tin đồn, không biết có phải là hoang tin, khi người ta đã ăn cả thịt đồng loại.

Bao nhiêu người đã chết ở Tacloban? 10.000 người? Tất nhiên là viên cảnh sát trưởng, người đưa ra con số ấy đã bị cách chức nhưng người ta tin rằng, số người thiệt mạng sẽ không ít hơn bao nhiêu bởi hàng ngày, những túi xác vẫn được đều đặn xếp ngay ngắn trên dọc các tuyến đường ngoại ô. Một tuần đã trôi qua, sau mưa, trời Tacloban nắng lên rất đẹp. Nhưng điều đó, đồng nghĩa với những cái xác chưa được thu dọn sẽ phân hủy nhanh hơn. Không có bất cứ loại khẩu trang nào ngăn chặn được mùi tử khí bốc lên.

Quân đội Philippines được điều từ Thủ đô Manila xuống để vãn hồi trật tự.

Mùi của sự chết chóc, của cả người và xác súc vật ám vào mọi thứ quần áo, mọi phương tiện đi qua, không cách nào gột sạch. Nếu có thể gọi tên, thì đó chỉ có thể là một tên gọi duy nhất: Mùi của địa ngục!

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn