Nỗi khổ người mẹ bị tình địch đâm kim vào đầu con trai

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Nỗi ám ảnh về cái ngày kinh hoàng cách đây 4 năm vẫn bám lấy tâm trí người mẹ. Liệu vết thương trên đầu có kìm hãm tương lai cậu bé ấy?

Cuộc đời sóng gió của người phụ nữ đẹp

Ngày cuối năm, trong căn nhà 2 tầng khang trang ở xã Cúc Đường (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên), chị Nguyễn Thị Thanh vẫn tất bật công việc kinh doanh hàng ăn của mình. Người phụ nữ sắp chạm ngưỡng ngũ tuần nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp mặn mà và thanh tú của mình.

Nhắc về câu chuyện của 5 năm trước, chị Thanh nhìn về phía cậu con trai 5 tuổi từng bị đâm kim vào đầu hạ giọng trầm buồn: "Tôi muốn giấu quá khứ đau buồn đó".

chị thanh, tình địch, con trai, thái nguyên

Thanh là cô gái Tày, xinh đẹp từng được ví như “bông hoa rừng của bản”. Đến tuổi lập gia thất, chị kết hôn với chàng trai cùng xã. Ngày ấy, ai cũng bảo chị may mắn lấy được người “xứng đôi vừa lứa”. Nhưng cuộc hôn nhân ấy chỉ êm ấm được mấy năm đầu. Khi chị sinh đứa con gái đầu lòng thì cũng là lúc cuộc sống gia đình tan vỡ. Chị nhận nuôi con, một mình chạy chợ, chèo chống lo cho hai mẹ con.

Năm học lớp 8 con gái chị mắc bệnh. Dốc hết tâm sức đem con chữa chạy khắp nơi và 2 năm sau hạnh phúc mới mỉm cười với người đàn bà tần tảo.

Ngày con gái khỏi bệnh chị như trút được mọi muộn phiền. Nhiều người đàn ông trong xã ngỏ ý muốn làm bờ vai cho chị nương tựa, trong số này có một người đàn ông đến từ Hà Nội.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Theo lời Thanh, anh Văn thường xuyên đến quán chị ăn sáng. Thấy người đàn ông có dáng vẻ hiền lành nên chị quý mến. Hai người nhanh chóng đến với nhau.

Được một thời gian thì chị phát hiện anh đã có vợ con ở nhà. Chị chủ động cắt đứt liên lạc. Mấy lần, anh Văn điện thoại nhưng chị Thanh không nghe máy. Ngày biết tin mình có thai, chị đã định bỏ đứa bé. Chính bố mẹ chị cũng khuyên điều đó. Anh Văn yêu cầu chị không được bỏ con đi. “Hồi đó, nghĩ đến hệ lụy sau này khi giữ đứa bé khiến tôi trăn trở rất nhiều. Nhưng mỗi lần đến bệnh viện để bỏ con thì tôi không nỡ, đành trở về mà nước mắt cứ rơi. Rồi khi cô bạn thân khuyên đừng nên bỏ, sau này, cháu sinh ra còn có chị, có em, tôi có người để nương náu tuổi già, tôi mới đủ bản lĩnh để giữ lại...”, chị Thanh phân trần.

Đôi mắt ngấn lệ, chị Thanh kể ngày xảy ra sự việc đau lòng. Sáng hôm đó, trước lúc đi chợ để nấu cơm đãi vợ của Văn là Đỗ Thị Kim Duân, chị đã gửi cậu con trai cho bà ta. “Tôi giao con cho chị ta bế mà không mảy may nghi ngờ. Ngờ đâu, quyết định đó lại suýt giết đi đứa con trai”, chị Thanh nói.

Vừa đi chợ về, nghe tin cháu Minh bị vợ của Văn vì ghen tuông mà lấy chiếc kim khâu lốp sắc nhọn, dài gần 10cm trên mặt bàn bếp ga đâm thẳng vào đầu con trai vừa tròn 40 ngày tuổi, chị Thanh như chết lặng.

Lúc nào cháu đau, khóc hay giật mình, tôi lại hốt hoảng

Rồi ngày con ra viện, chị Thanh không dám rời con nửa bước. Chị sợ, mỗi khi xa, có vấn đề gì, chị không phát hiện kịp và... ai đó sẽ cướp đi bé Minh lần nữa. Sau 3 tháng, chị đưa con đi khám lại, nghe thông báo về kết quả không có dấu hiệu bất thường và vẫn phải kiểm tra thường xuyên vì cháu còn quá bé. 12 tháng sau, chị khám lại cho con một lần nữa và không có dấu hiệu bất thường, dù vẫn phải theo dõi thường xuyên. Chị mừng rớt nước mắt. Nhưng lúc nào cháu đau, khóc hay giật mình, chị lại hốt hoảng lo lắng. Cũng may, con gái cả của chị luôn giúp mẹ trông em, chị Thanh mới có thể tiếp tục cửa hàng ăn để lo cơm áo cho gia đình. Thấy con lớn lên, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hiếu động, chị cũng mừng. Nhưng trong lòng chị, mối lo “ngày nào đó có chuyện gì xảy ra từ vết thương trên đầu” cứ ám ảnh, khiến chị đứng ngồi không yên.

“Nhanh nhẹn, hiểu biết và nói chuyện như người lớn”, đó là nhận định của chị Nguyễn Thị Chắt, một người hàng xóm của chị Thanh, về bé Minh. Chị Chắt kể, xưởng gỗ của nhà chị có mấy công nhân trẻ, Minh rất thích sang chơi với các anh. “Chỉ cần nói gì một lần là cháu nhớ được ngay. Thậm chí, có lần tôi bảo cháu lấy cây gỗ trong góc xưởng, phải với tay mới lấy được. Thế mà cháu tự lấy rất nhanh khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Nhiều đứa trẻ rụt rè nhưng cháu lại thân thiết và hòa đồng với mọi người nên ai cũng quý”.

cháu nhật minh, tinh địch

Nhật Minh được mẹ cho đi học mẫu giáo từ năm 2 tuổi. Minh thương mẹ nhất nhà. Có lần, mẹ đang bận bán hàng ngoài cửa, Minh chạy ra bảo: “Để con giúp mẹ”. Tuy bé nhưng cháu đã biết tự mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, đánh răng rửa mặt và tự đi ngủ. Sáng dậy cũng không bao giờ mè nheo mẹ.

“Đôi khi, tôi quên đi việc cháu đã phải trải qua, nhưng bất giác nhớ lại, nỗi sợ tiếp tục giày vò. Có lần, cháu sờ lên chỗ vết thương cũ rồi kêu đau đầu, tôi sợ quá, vội hỏi han rồi đưa con đi khám, may mà không có vấn đề gì mới dám thở phảo”.

Thấy bạn bè có bố, có mẹ, Minh thường hay thắc mắc. Không ít lần, chị Thanh phải đối mặt với những câu hỏi của con như “Mẹ ơi, bạn N. có bố, còn bố con đâu?” hay “Con thích có bố”. Có người hàng xóm yêu quý cháu nên cứ xưng “bố - con” với Minh, cháu cũng xưng là “bố Long”, “bố Sỹ”... Chị lại rưng rưng. “Sau này lớn lên, tôi sẽ nói cho cháu biết. Còn bây giờ, tôi vẫn muốn con được hồn nhiên như thế”. Chị Thanh bất giác nghĩ về những người thân của bố Minh, những người chị chủ động cắt đứt liên hệ, không cần đến trợ cấp nuôi dưỡng sau này.

Mặt trời đổ bóng xuống dưới chân núi, tôi tạm biệt chị ra về. Chị tiễn tôi, mỉm cười, chỉ lên căn nhà hai tầng vừa được sửa sang và quét vôi xong: “Bao nhiêu năm tích góp, cuối cùng cũng sửa xong căn nhà tử tế cho ba mẹ con ở”. Tiếng bé Minh hồn nhiên nói cười xóa đi sự mệt mỏi và âu lo của người mẹ, người bà vẫn ngày ngày lăn lộn mưu sinh. Quán ăn sáng của chị Thanh vẫn là nơi mang lại thu nhập chính cho cả gia đình. Tôi nhớ câu nói, muốn thấy cầu vồng cần phải bước qua những cơn mưa. Và chị đang nỗ lực từng ngày thoát ra khỏi cơn mưa ấy.

Bác Nguyễn Thị Bảy, bà ngoại Nhật Minh: Vẫn còn đấy nỗi lo dù cháu tôi hoạt bát

Bác còn nhớ ngày khủng khiếp ấy chứ?

Vâng! Hôm đó, tôi thấy có hai người phụ nữ đến trước cửa nhà con gái tôi. Lúc đó, con gái tôi cho một người khác thuê mặt tiền để bán quần áo nên tôi chỉ nghĩ là khách đến mua hàng thôi.

Nhìn dáng người và cách ăn mặc, tôi đoán là người từ nơi xa đến. Tôi chạy sang và hỏi, cháu mua gì? Một cô bảo: “Cháu muốn gặp chị Thanh một chút”. Vừa lúc đó, con gái tôi cũng đi ra. Thấy hai đứa nói chuyện với nhau, tôi nghe loáng thoáng rằng, đó là vợ và chị dâu của anh H., bố cháu Minh. Con gái tôi bảo đã cắt đứt quan hệ với chồng chị ta, rồi gọi điện cho cả cậu ấy bảo rằng, sẽ không bao giờ dính líu gì nữa. Thằng bé thì con tôi nuôi mà không cần trợ cấp. Tôi cứ tưởng, mọi chuyện đã được giảng hòa xong, bởi thấy con gái tôi đi chợ, mua đồ để đãi khách.

Cháu trai đang ngủ trong phòng. Một lúc sau, tôi nghe tiếng khóc của cháu, nhìn sang thì thấy một người đang bế cháu. Cái mũ được đội trên đầu cháu đã bị bỏ đi. Tôi vội sang bế cháu, thấy có máu trên đỉnh đầu, cháu khóc ngặt nghẽo. Rồi hai người phụ nữ bỏ chạy, tôi luống cuống bế cháu đi cấp cứu. Ông nhà tôi cùng mọi người xung quanh đã kịp chặn hai người phụ nữ lại để công an xử lý.

Sau khi sự việc xảy ra đến nay đã được gần 4 năm, gia đình bố ruột của cháu có liên lạc lại không?

Chúng tôi cắt đứt liên lạc với gia đình bên kia. Gia đình họ cũng muốn nhận cháu để chăm sóc và giúp đỡ, nhưng chúng tôi không muốn như thế. Nhỡ sau này cô vợ kia ra tù, lại vì ghen tuông, hờn giận người lớn mà không bỏ qua cho đứa cháu nhỏ dại của tôi thì sao?

Nếu cháu lớn lên, cháu có thể biết sự thật cha cháu là ai, cháu hiểu được câu chuyện. Lúc đó, cháu muốn tìm bố hay không là quyết định của cháu, chúng tôi không can thiệp.

Có lúc nào bác hận người đàn ông hèn kém, đã đem nỗi khổ đến cho con gái mình?

Hồi đầu mới quen biết, tôi thấy cậu ấy cũng hiền lành, tử tế nên rất quý. Cái Thanh cũng vất vả, khổ từ khi lấy chồng. Hôm biết cậu ấy đã có vợ con, tôi ngăn cấm mối quan hệ này. Tưởng mọi chuyện êm đẹp, nào ngờ, con bé sinh xong thì xảy ra chuyện động trời này (nghẹn ngào...).

(im lặng...)

Hồi đầu, tôi cứ khóc suốt. Ông nhà tôi phải động viên rất nhiều. Rồi vì áp lực quá, tôi bị cao huyết áp. Cứ mỗi tháng đi viện một lần, thuốc thang lúc nào cũng có trong nhà. Giờ tôi ổn định hơn một chút vì chịu khó tập thể dục. Cuộc sống bắt đầu trở lại guồng quay bình thường. Nhưng cứ nhìn thằng bé chơi là tôi lại thương mẹ con nó quá!

Chúng tôi đã về hưu, lương hưu mỗi tháng chỉ trên dưới 2 triệu đồng. Cách đây mấy năm, con dâu bỏ nhà đi, con trai cũng vừa qua đời, để lại đứa cháu nội cho hai ông bà chăm sóc. Cả mấy miệng ăn cứ đổ dồn vào mấy đồng lương hưu, khó khăn chật vật lắm. Nhiều khi, cái Thanh bán được hàng, lại hỗ trợ nuôi cháu giúp bố mẹ, chứ chúng tôi có hỗ trợ được gì đâu. Chỉ thỉnh thoảng, tôi đi chợ, nhóm bếp, sửa soạn bát đũa, dọn quán ăn cho nó khi đông khách.

Gia đình bác cho bé Nhật Minh đi khám bệnh định kỳ không?

Sau sự việc xảy ra, mẹ cháu đưa cháu đi viện mấy bận, các bác sĩ bảo phải theo dõi thường xuyên và đi khám định kỳ, bởi não cháu vẫn chưa phát triển hoàn thiện, những biến chứng gì xảy ra còn chưa rõ rệt. Mỗi lần nhìn cháu vui chơi, tôi thấy an lòng. Cháu có trí nhớ rất tốt. Nhưng nghĩ lại vết đâm kim dạo nọ, tôi lại lo lắng.

Nếu một ngày, người phụ nữ đó ra tù và quay lại muốn nói lời xin lỗi, gia đình bác có tha thứ?

Có thể lúc đó, tôi sẽ tha thứ cho người phụ nữ đó nếu họ thực sự ăn năn, hối cải.

Cảm ơn bác đã chia sẻ!

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn