Sau một tuần điều trị, ngày hôm nay (25/1), các bác sĩ Khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết bệnh nhi T.T.U. đã tử vong.
Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, gia đình bé T.T.U. (14 tuổi, xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) cho biết, trưa 11/1 bé U. đi chợ cách nhà gần 1 km và có ghé quán uống trà sữa. Sau đó về nhà bé ăn cơm với mẹ. Đến khoảng 2-3 giờ chiều thì bé xuất hiện triệu chứng vừa ói, vừa tiêu chảy và mệt. Chất ói ra màu xanh và thấy xuất hiện các hạt như hạt trà sữa.
Nữ sinh lớp 9 nguy kịch nghi do uống trà sữa đã tử vong sau 1 tuần điều trị.
Nhận thấy tình trạng không thuyên giảm, bé U. được chuyển vào Trung tâm y tế huyện Cam Lâm và BVĐK tỉnh Khánh Hòa chữa trị. Đến ngày 18/1, bé U. được chuyển vào Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tại đây, BS Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh nhi bị viêm phổi nặng, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa và tổn thương đa cơ quan.
Người nhà nghi ngờ bé bị ngộ độc do uống phải trà sữa không rõ nguồn gốc. Ngay sau đó, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với cơ quan chức năng huyện Cam Lâm đang xác định nguyên nhân gây ngộ độc bệnh nhi.
Theo bác sĩ Trần Minh Thành - khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa chia sẻ thêm: “Sau khi em uống trà sữa thì xuất hiện tình trạng nôn ói. Ở Đài Loan đã từng phát hiện tình trạng bệnh nhân nhập viện, nôn ói như thế này, chụp phim mới biết hạt trân châu làm từ lốp xe hoặc đế giày”.
Chuyên gia chỉ ra hệ lụy từ những cốc trà sữa đang làm mưa làm gió ngoài thị trường
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), tính đến thời điểm hiện tại chưa có một bằng chứng nào cho thấy uống nhiều trà sữa sẽ dẫn đến thiếu chất sắt hay tử vong mặc dù rõ ràng uống trà sữa chứa nhiều đường sữa là không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên uống đến nỗi cơ thể thiếu sắt, dù là uống đều đặn 3 bữa mỗi ngày cũng là một chuyện không thể tin nổi. Thông tin uống trà sữa nhiều khiến cơ thể thiếu chất sắt có thể gây hoang mang dư luận.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, thực phẩm cần được kiểm soát về hương liệu, chất phụ gia. Các chất này nếu có trong danh mục các chất được sử dụng cũng cần đảm bảo về hàm lượng trong ngưỡng cho phép cũng như khuyến cáo về liều lượng sử dụng.
Tác hại của trà sữa đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào thẩm định nhưng dù ăn uống bất cứ thực phẩm nào quá nhiều cũng không tốt cho sức khỏe.
"Việc sử dụng hương liệu và phẩm màu thực phẩm quá ngưỡng cho phép có thể gây ngộ độc thực phẩm , đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ vốn là đối tượng rất dễ bị thu hút bởi những hạt trân châu nhiều màu sắc nên thường thích thú uống loại đồ uống này. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, bộ máy tiêu hóa còn yếu nên hấp thu loại thực phẩm này rất kém, thậm chí còn bị ngộ độc thực phẩm, nôn, tiêu chảy, thậm chí sặc, ngạt thở vì cố hút loại hạt này", chuyên gia nhấn mạnh.
Xét về góc độ trà sữa chứa nhiều đường sữa, ông Thịnh cho biết, bất cứ loại thực phẩm nào chứa nhiều đường sữa được tiêu thụ đều đặn hàng ngày cũng đều không tốt cho sức khỏe nói chung. Việc tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường sữa có thể khiến bạn tăng cân, béo phì, thừa canxi có thể dẫn đến sỏi thận… Việc uống đều đặn sau mỗi bữa ăn mỗi ly trà sữa nhiều đường nhiều sữa sẽ khiến bạn khó tránh những rủi ro không mong muốn về lâu dài.
Việc uống đều đặn sau mỗi bữa ăn mỗi ly trà sữa nhiều đường nhiều sữa sẽ khiến bạn khó tránh những rủi ro không mong muốn về lâu dài.
Chuyên gia nhấn mạnh, không có bằng chứng khẳng định việc uống trà sữa nhiều đường nhiều sữa đều đặn sẽ dẫn đến thiếu máu nhưng có một điều chắc chắn, việc ăn uống không khoa học như vậy sẽ không đảm bảo sức khỏe. Để tránh những hậu quả không mong muốn, bạn nên uống trà sữa ở những nhãn hàng uy tín, không nên uống trà sữa chứa quá nhiều đường sữa, cũng không nên uống món đồ uống này quá thường xuyên như uống hàng ngày hay uống nhiều lần trong ngày…