Ớn lạnh, đau mỏi người sau mưa nắng thất thường: Cách phân biệt cảm cúm hay nhiễm Omicron đơn giản không cần test

( PHUNUTODAY ) - Những ngày vừa qua thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường khiến nhiều người gặp các vấn đề sức khỏe như sổ mũi, nghẹt mũi, ớn lạnh, đau mỏi người... Những triệu chứng này lại rất giống nhiễm Omicron khiến nhiều người lo lắng mình thành F0.

Bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết người mắc COVID-19 thuộc chủng Omicron đa phần nhẹ, trừ một số trường hợp chuyển nặng do mắc các bệnh nền kèm theo.

Trước đó, theo dữ liệu sức khoẻ thu thập từ Nghiên cứu Zoe Covid, 5 triệu chứng phổ biến nhất sau nhiễm Omicron là chảy nước mũi, đau đầu, mệt mỏi, hắt hơi và đau họng.

"Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ bắt đầu ho nặng và khó thở", tiến sĩ Hai Shao, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Viện Chula Vista cho biết .

phan-biet-trieu-chung-covid-19-voi-cam-cum-cam-la

Ngoài ra, người nhiễm Omicron còn đau nhức ê ẩm, mỏi cơ, đặc biệt dù trời nóng nhưng cảm giác không thấy nóng, kèm theo đó là cảm giác ớn lạnh. Các triệu chứng này khá giống với cảm lạnh, do đó khiến nhiều người dễ nhầm lẫn.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM - cũng cho biết theo các nghiên cứu được công bố, cảm lạnh và COVID-19 đều có triệu chứng ớn lạnh giống nhau.

Ớn lạnh là cảm giác khi cơ thể bắt đầu có tín hiệu bị sốt. Khi nhiệt độ từ 37 độ chuyển lên 38 độ hoặc cao hơn lúc đó sẽ thấy ớn lạnh. Đây là triệu chứng phổ biến, không đặc hiệu cho một bệnh cụ thể. 

Cảm lạnh thường không gây sốt cao và đau đầu dữ dội. Song đây là triệu chứng chủ yếu ở người nhiễm Omicron. Nếu có các biểu hiện đó, rất có thể bạn đã nhiễm Covid-19 chứ không phải cảm lạnh thông thường.

"Điểm khác biệt là cảm lạnh do nhiều con siêu vi gây ra, trong khi COVID do virus SARS-CoV-2. Ngoài ra giữa cảm cúm và COVID còn khác ở các biến chứng kèm theo: trong khi cảm lạnh chỉ gây viêm hô hấp trên vài ngày thì COVID có thể gây ra các biến chứng như xơ phổi, rối loạn đông máu, tạo ra các cục máu đông gây nhồi máu cơ tim, phổi...", bác sĩ Vân Anh nói.

Bệnh cúm thường kéo đến đột ngột, khiến người bệnh đau nhức cơ, ớn lạnh, mệt mỏi, chảy nước mũi và kèm theo ho. Cảm lạnh có xu hướng phát triển dần dần và ít nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể bị ho, hắt hơi, sổ mũi, nhưng hiếm khi lên cơn sốt, đau cơ hoặc đau đầu.

Ho do Covid-19 thường kéo dài trong một giờ hoặc chia thành nhiều cơn trong ngày. Ở người bị phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), cơn ho nặng hơn bình thường. Mất vị giác và khứu giác vẫn là triệu chứng đặc trưng giúp phân biệt nhiễm Omicron và cảm cúm, cảm lạnh hay kích ứng thông thường.

Ngoài các triệu chứng để phân biệt bị cảm hay nhiễm Omicron như trên, nếu muốn biết chính xác bạn bị cảm lạnh hay nhiễm Omicron thì bạn có thể xét nghiệm vào ngày thứ 3 kể từ khi phát sinh triệu chứng, bác sĩ lưu ý.

Việc điều trị giữa cảm lạnh và COVID-19 đều giống nhau. Tuy nhiên do COVID-19 có khả năng lây lan nhanh và dễ diễn tiến nặng dẫn đến suy hô hấp nên cần phải cách ly chặt chẽ hơn, theo dõi kỹ hơn.

Theo các chuyên gia, các biến chủng nCoV có thể khác nhau về triệu chứng và mức độ nghiêm trọng, khả năng lây truyền, song chúng vẫn là mầm bệnh Covid-19 nói chung. Đại dịch đã gây thiệt hại lớn đến toàn cầu trong hai năm vừa qua.

Cộng đồng nên tuân thủ các biện pháp phòng ngừa đã được chứng minh hiệu quả trước đó, bao gồm tiêm vaccine, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách với người đang nhiễm virus, chủ động báo cáo và cách ly nếu mắc bệnh.

Trong bối cảnh Omicron hoành hành, tiêm liều vaccine tăng cường rất quan trọng. Đây là trọng tâm chính trong chiến lược đối phó với biến chủng mới. Hãy tiêm vaccine và cả liều tăng cường nếu đủ điều kiện. Hãy đeo các loại khẩu trang có độ lọc cao như KN95.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link