Phải làm gì khi con có thói quen thích la hét?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Làm sao để con từ bỏ thói quen la hét? Lớn tiếng với bé để bé hạ giọng không phải là cách hay,vì nó khiến bé càng muốn la hét và ai hét to hơn người đó sẽ thắng. Cách tốt nhất là bạn nên tránh xa những tình huống khiến bé muốn la hét và làm bé chuyển chú ý sang chuyện khác.

Nguyên nhân khiến trẻ thích la hét

Bé thích hét, không hẳn vì bé muốn quấy nhiễu bạn mà vì bé rất phấn khích. Bé khám phá âm thanh của chính mình và muốn thử nghiệm với những tiếng hét. Ví dụ bé thích hét trong siêu thị hoặc ngân hàng đôi khi chỉ vì tiếng hét sẽ tạo sự vang dội âm thanh thú vị và đó là cách bé thu hút sự chú ý của ba mẹ. Đôi khi la hét lại là cách để bé có được một thứ gì đó mà bé muốn.

Ở độ tuổi 15-18 tháng một số bé bắt đầu thích thú “chơi” với giọng của chính mình. Bé bỗng thấy mình có khả năng hét, gào và rất sung sướng thử sức mỗi khi có dịp. Chạy nhảy và hò hét đối với trẻ ở độ tuổi này là một biểu hiện tự nhiên để biểu lộ niềm vui. Đối với các bé có tính cách độc lập, mạnh mẽ, đây chính là một trong những dịp hiếm có, được thỏa thích thể hiện mà không sợ người lớn mắng mỏ hay cấm đoán. Nhưng thậm chí cả những bậc cha mẹ dễ tính và hiền hòa nhất cũng có những giây phút không kìm được sự bực bội khi “bị tra tấn” bởi những tiếng ồn ào của con mình.

trẻ la hét

Thường thường trẻ thích hò hét khi chơi với bạn cùng lứa, dường như có sự kích thích lẫn nhau giữa các cô cậu nhí. Hãy cho trẻ được thỏa thích gào to trong khi đi dạo, vì đó cũng là một dịp tập luyện giọng và hệ thống hô hấp.

Hệ thống thần kinh của trẻ còn chưa ổn định, vì thế các em dễ bị kích động bởi các tiếng hò hét do chính mình tạo ra, và sau đó có thể phải mất một khoảng thời gian mới lấy lại được bình tĩnh. Bởi thế nếu con bạn chạy chơi cùng bạn bè và hò hét suốt buổi, trên đường về nhà bạn hãy đi chầm chậm bên con và nói với con bằng giọng chậm rãi, bình tĩnh.

Tìm hiểu cảm xúc của bé

Nếu bé la hét để gây chú ý, hãy để ý xem bé có điều gì không ổn không. Chẳng hạn nếu bạn nghĩ một trung tâm mua bán lớn đông người vào giờ cao điểm khiến bé sợ, hãy rời khỏi đó. Tìm một nơi khác nhỏ hơn hoặc quay lại đó vào giờ vắng người hơn. Hãy để bé làm quen dần môi trường đông đúc bằng cách thay đổi từng chút: cửa hàng nhỏ, sau đó cửa hàng lớn hơn một chút…

Nếu bé chán nản cáu kỉnh, hãy tìm hiểu tâm trạng của bé. Nói nhẹ nhàng với bé “Ba/mẹ hiểu con muốn về nhưng chỉ ráng thêm vài phút, chúng ta gần xong việc rồi, bé con” và cố gắng thu xếp công việc thật nhanh. Điều này không chỉ để bé cảm thấy thoải mái mà còn là để giúp bé nói ra những cảm xúc của mình.

Nếu bé hét chỉ vì muốn măm bánh kẹo chẳng hạn, không nên chiều theo ý bé. Như vậy giống như bạn ủng hộ thói quen la hét của bé. Thay vào đó hãy nói: “Ba/mẹ biết con thích ăn bánh, nhưng chúng ta cần phải làm nốt việc này. Con sẽ có bánh khi về nhà, bé con”. Hoặc nói với bạn sẽ mua bánh cho bé ngay khi bé cư xử tốt hơn thay vì la hét. Bé sẽ hiểu việc la hét sẽ không còn tác dụng khi bé muốn yêu cầu một món gì đó. Và đừng quên thực hiện lời hứa mua bánh cho bé.

Mách các mẹ cách ứng phó với trẻ hay la hét

Cho bé vui chơi thoải mái bên ngoài

Nếu bạn đưa bé đi chơi trên phố, bạn thử tránh xa những địa điểm cần yên tĩnh như nhà hàng hay cửa tiệm; thay vào đó, bạn đưa bé đến những nơi rộng rãi như công viên, vườn hoa. Ở đây, bé sẽ được thoải mái la hét mà bạn không cảm thấy bối rối với người xung quanh.

trẻ la hét

Nếu bé la hét để gây chú ý, hãy để ý xem bé có điều gì không ổn không.

Chơi trò chơi

Tìm một địa điểm rộng rãi; tiếp đến, bạn thử thỏa mãn nhu cầu được hét của bé bằng cách: “Con có thể kêu lên nếu con muốn”. Sau đó, bạn tiếp tục thách thức bé: “Bây giờ, mẹ con mình thi xem ai nói thầm giỏi nhất", rồi bạn khum bàn tay vào vành tai bé, thì thầm. Cách này khiến bé thấy rằng, việc la hét giống như một trò chơi nhưng hiệu quả sẽ nằm bên trong đó; chẳng hạn, khi bé gây ồn ào ở khu vực cần yên tĩnh, bạn thử nói với bé: “Con đừng bắt chước giọng của sư tử thế. Con thử bắt chước âm thanh của một chú mèo cho mẹ xem nào”.

Dạy bé kiểm soát âm thanh

Khi bé hét to lên vì vui sướng, bạn không nên trỉ chích hay quát mắng bé. Nếu sự la hét này vượt quá ngưỡng, bạn nên giữ giọng thấp, bình tĩnh nhắc nhở bé: “Con hét như thế làm mẹ đau đầu đấy”. Đôi khi chỉ cần những lời nhắc nhở nhẹ nhàng cũng khiến bé phải suy nghĩ lại hành động của mình sẽ ảnh hưởng đến người xung quanh như thế nào.

Khiến bé bận rộn

Đưa cho bé một món đồ chơi hoặc đồ ăn trước khi bé kịp la hét. Nếu bạn chờ đến khi bé hét lên mới đưa bánh cho bé, bé sẽ hiểu nhầm thông điệp rằng, nếu muốn có thứ gì, bé chỉ việc “cao giọng” để cha mẹ đáp ứng. Khi bé quá bận rộn với việc nhai kẹo hoặc xử lý món đồ chơi, bé sẽ không còn thời gian rảnh rỗi để la hét.

Phớt lờ bé

Phần lớn cha mẹ cảm thấy ngại ngùng khi các bé la hét ở nơi đông người. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo cách của một người mẹ: “Bé gái hơn 2 tuổi nhà tôi lúc nào cũng la hét như ‘nở phổi’. Chẳng có lý do gì đặc biệt, chỉ là vì bé muốn được hét lên thật to. Tôi đã nhắc nhở, thậm chí quát mắng bé mà tình hình cũng không được cải thiện. Tùy từng trường hợp, tôi có cách xử trí với bé khác nhau: Nếu đó là nhà thờ hoặc một nhà hàng yên tĩnh, tôi sẽ đưa bé ra ngoài trong ít phút. Nếu đó là cửa hàng rộng, tôi sẽ kệ cho bé la hét. Khi các bé khác đi qua và nhìn bé với ánh mắt tò mò, bé sẽ lập tức ngừng hành vi của mình” – đó là lời chia sẻ của một bà mẹ.

Những điều không nên làm

Không nên để con hò hét thỏa thích tới lạc cả giọng và mệt mỏi rã rời, rồi mới quay ra mắng mỏ phê bình trẻ.

Những câu mệnh lệnh kiểu như “Đừng làm ồn!”, “Im lặng nào!” không có tác dụng gì cả. Nếu trẻ đang trong trạng thái phấn khích, cho dù bạn có nhắc đi nhắc lại nhiều lần yêu cầu của mình, con bạn cũng vẫn cho rằng chưa cần để ý tới lời bố mẹ ngay lập tức.

Thử theo dõi lời nói của mình: nếu trong vòng nửa tiếng bạn phải nhắc đi nhắc lại những câu mệnh lệnh trên ít nhất ba lần, nghĩa là đã đến lúc phải thay đổi “chiến lược” với bé.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn