Mùa hè đang bước vào những tháng nóng oi ả nhất. Thay vì cứ mãi ở trong phòng kín, với chiếc điều hòa chạy ro ro cả ngày đêm, sao mẹ không cùng bé yêu đi bơi. Được vẫy vùng trong làn nước mát sẽ là những giây phút thư giãn cực kì tuyệt vời cho cả hai mẹ con. Nước đối với trẻ như người bạn quen thân và phản xạ bơi, thở trong nước của con là hoàn toàn bản năng. Xin mách mẹ một vài phương pháp dạy con tập bơi ngay từ 12 tháng tuổi:
Dạy con tập nhảy xuống nước
Bài tập này vô cùng quan trọng. Nó không những giúp bé biết lặn, ngụp sau này mà còn có tác dụng dạy con làm quen với nước, cách xuống nước an toàn. Mẹ có thể bắt đầu bài tập này bằng cách để con ngồi trên thành bể bơi. Mẹ xuống nước trước và con phải đợi. Đừng lo việc con không hiểu. Trẻ nắm bắt nhanh hơn mẹ nghĩ. Một khi đã sẵn sàng, hãy nắm tay bé và hô to “1,2,3 nhảy”. Rồi kéo nhẹ bé nhảy xuống nước cùng mẹ. Nên nhớ, mẹ có thể dùng bất cứ khẩu lệnh nào. Tuy nhiên chúng phải đồng nhất, không được thay đổi. Khi con đã quen, mẹ có thể để con tự nhảy rồi hãy nhấc con lên khỏi mặt nước.
Chú ý: Để đề phòng trơn trượt, mẹ nên cho con xuống nước trong tư thế ngồi và nắm hai tay bé để giữ thăng bằng.
Tập thở
Thổi bong bóng là một trong những cách tốt nhất để giúp bé quen với việc thở dưới nước và hình thành phản xạ thở ra chứ không nuốt khi miệng ngập nước. Trẻ em thường rất thích phun nước nên bài tập này sẽ rất vui vẻ đối với chúng. Tập ngụp lên xuống liên tục cũng là một ý tưởng tốt. Mẹ có thể hô to 1,2,3 ngụp rồi để trẻ ngập xuống nước. Nhanh chóng nhấc lên. Làm liên tục nhiều lần. Ban đầu, chỉ để nước chạm cằm bé, rồi đến môi, mũi… và sẽ đến lúc, bé hoàn toàn có khả năng ngụp cả đầu xuống nước. Bài tập cuối cùng của giai đoạn tập thở này là mẹ sẽ cùng ngụp lặp với con. Ban đầu hai mẹ con có thể ngụp chưa đến 2 giây, về sau, thời gian nín thở dưới nước có thể tăng dần. Chú ý: Chỉ thực hiện bài tập này nếu mẹ thấy trẻ đã sẵn sàng học với thái độ vui vẻ thích thú. Nếu con không hợp tác, có thể dừng ngay.
Dạy con di chuyển trong nước
Một khi con đã thoải mái và làm quen được với việc thở dưới nước, mẹ có thể bắt đầu dạy bé những động tác đạp nước để di chuyển đầu tiên. Mẹ dùng hai tay giữ nách của con. Có thể giữ con ở ngang hông mẹ, đứng đối diện với con hay đứng sau lưng tùy ý. Từ từ đừa con di chuyển trong nước, cố gắng khuyến khích bé đạp và cảm nhận sự tiến lên. Dần dần, mẹ có thể bỏ tay cho bé tự tiến về phía mẹ trong vòng vài giây rồi tăng dần thời gian và khoảng cách.
Bơi ngửa
Bằng việc có thể nổi ngửa trên mặt nước, em bé có thể học bơi, lật qua để đón hơi thở và làm thêm một số động tác khác. Bài tập bơi ngửa này rất đơn giản – dùng hai tay đỡ lưng bé, để con nằm ngửa và giúp con nổi. Lúc đầu mẹ cần giữ chặt bé để con cảm thấy an toàn và làm quen với cảm giác “mới lạ” này. Sau đó, thả lỏng tay và giảm dần đồ tiếp xúc của tay mẹ với lưng bé cho đến khi bé hoàn toàn có thể tự nổi ngửa. Nếu bé không thoải mái ở vị trí này lần đầu tiên, mẹ có thể sáng tạo các cách làm khác – ví dụ: gối đầu của em bé trên vai của mẹ, để bé thoải mái vui đùa, đạp chân, cù nhẹ vào bụng bé…. Bé sẽ dần dần trở nên quen với vị trí nằm ngang.
Hướng dẫn con cách lên bờ an toàn
Nếu bé của mẹ chưa biết leo bậc thang để lên bờ, mẹ có thể hướng dẫn con phương pháp sau: Để bé bám hai tay vào thành của bế bơi. Phản xạ của trẻ là leo trèo. Chúng sẽ rất nhanh tự nắm bắt được việc làm thế nào để leo lên bờ, chỉ cần một cú hích mông nhẹ của mẹ là bé sẽ hoàn thành nhiệm vụ này. Tất cả những gì mẹ cần làm là luôn đứng sau hỗ trợ khi bé cần, đảm bảo an toàn cho con.
Cho bé học bơi ở đâu?
Học bơi ở biển hay ở bể bơi? Thông thường, nước mặn ở biển sẽ giúp cho bé dễ nổi hơn và có thể tập bơi nhanh hơn. Tuy nhiên, những đợt sóng biển tạp vào người khá mạnh khiến khó di chuyển cùng với nước muối mặn có thể làm bé khó quan sát. Hơn nữa, do tính chất du lịch là chính nên ở biển thường không có những thầy dạy bơi chuyên nghiệp để hướng dẫn bài bản và xử lý được các tình huống, sự cố có thể xảy ra. Vậy nên lời khuyên tốt nhất là cho bé tập bơi ở bể bơi, được giáo viên hướng dẫn đúng phương pháp và dễ dàng đảm bảo an toàn cho bé hơn.
Học bơi trong thời gian bao nhiêu lâu là hợp lý?
Thời gian để làm quen với nước và học bơi ở mỗi trẻ là không giống nhau. Một số thì rất thích thú với việc được bơi lội dưới bể, ngược lại thì không ít lại khá “nhát” nước và không dám xuống bể, thậm chí còn khóc khi bị té nước vào người. Trong trường hợp bé nhất định không chịu xuống nước, bố mẹ cũng không nên gượng ép mà nên chờ đến hè năm sau khi bé lớn hơn chút nữa hãy đăng kí cho con học bơi.
Tuy nhiên, thông thường, khi được hướng dẫn một cách bài bản, bé có thể bơi sải trong khoảng cách 25 mét sau 12 buổi học, mỗi buổi 30 phút. Trong 12 buổi học, giáo viên sẽ dạy bé cách hít thở dưới nước và cách điều khiển cơ thể để có thể bơi sải dưới nước.
Sẽ tốt hơn khi bạn cho bé hoàn thành khóa học bơi vào mùa hè, trước thời điểm cả gia đình đi du lịch ở biển. Khi đó bé sẽ có cơ hội được luyện tập thực tế bài học và thêm phần tự tin khi bơi.
Duy trì sự giám sát của người lớn cho đến khi bé được 8 tuổi
Như đã nói ở trên, thời gian lý tưởng nhất để bé học bơi là từ 5 đến 6 tuổi. Tuy nhiên, kể cả sau khi bé đã biết bơi và có thể tự mình bơi thành thạo, bạn vẫn nên duy trì sự giám sát của người lớn ở bên bé cho đến ít nhất 8 tuổi. Bởi khi biết bơi, con trẻ thường thích khám phá và có những hành động nguy hiểm như không khởi động kỹ, sức khỏe không tốt vẫn đi bơi hoặc có thể ra sông để bơi ra xa... thậm chí ngay cả khi ở biển, nước lạnh cùng sóng mạnh cũng có thể gây nên hiện tượng chuột rút. Vì vậy nên lưu ý luôn đặt bé trong vòng kiểm soát của người lớn để đảm bảo an toàn.