Putin - Obama điện đàm về Ukraine, Nga tung đòn hiểm

12:45, Thứ bảy 29/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày hôm qua (28/3) đã có cuộc điện đàm kéo dài 1 giờ đồng hồ nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Mỹ yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine

Tài liệu do Nhà Trắng cung cấp cho biết, trong cuộc điện đàm, Obama đã đề nghị Putin đưa ra một đề xuất dưới dạng văn bản để giải quyết khủng hoảng, như một sự trả lời cho kế hoạch mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đưa ra cho người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở The Hague, Hà Lan hồi đầu tuần này.

Mô tả ảnh.
Cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Nga - Mỹ kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ.

Người đứng đầu Nhà Trắng nói với người đứng đầu điện Kremlin rằng, một giải pháp ngoại giao “chỉ có thể đạt được nếu Nga rút quân và không có thêm bất kỳ động thái nào xâm phạm thêm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine”.

Về phần mình, Tổng thống Nga nhấn mạnh “sự hung bạo của các phần tử cực đoan” đe dọa các quan chức và cư dân “tại nhiều khu vực” - theo nội dung một tuyên bố từ văn phòng điện Kremlin sau cuộc gặp. Ông Putin cũng nêu trong cuộc điện đàm này tình hình ở Transnistria, một nước cộng hòa tự tách riêng nằm giữa Moldova và Ukraine, nơi có quân đội Nga hiện diện và cũng đã lên tiếng xin gia nhập Nga như Crimea.

Tuyên bố của Putin cho thấy, nhà lãnh đạo Nga sẵn sàng xem xét “những giải pháp mà cộng đồng thế giới có thể thực hiện” để đưa tình hình Ukraine trở lại ổn định.

Cuộc điện đàm Putin - Obama diễn ra khi Tổng thống Mỹ đang ở Saudi Arabia, trạm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 6 ngày với nội dung chính là tình hình ở Ukraine. 

Những ngày qua, giới chức Mỹ đã liên tục cảnh báo về việc quân Nga tập trung gần biên giới phía Đông Ukraine. Mỹ cho rằng, việc tập trung quân như vậy là một dấu hiệu cho thấy Nga muốn chiếm thêm các vùng đất ở phía Đông và phía Nam của Ukraine. Tổng thống Obama đã kêu gọi người đồng cấp Nga rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine.

Tuy nhiên, sau cuộc điện đàm Putin - Obama hôm qua, một số quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng, việc ông Putin bất ngờ đề cập đến Transnistria có thể báo hiệu cho một động thái hoàn toàn khác của Moscow.

Hai quan chức đề nghị giấu tên nói rằng, chuyển động quân sự rõ nét của Nga ở khu vực phía Đông có thể nhằm gây mất tập trung của phương Tây, chuẩn bị cho việc tiến vào khu vực ly khai Transnistria thông qua cảng Odessa nằm trên Biển Đen của Ukraine. Tuần này, các lực lượng Nga đã tổ chức một cuộc tập trận gọi là chống khủng bố ở đây.

Một khả năng khác được Thống tướng không lực Mỹ kiêm Tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu Philip Breedlove đưa ra hôm 23/3 ở Brussels là, Nga có thể di chuyển quân từ biên giới phía Đông của Ukraine qua Crimea tới Odessa và Transnistria.

Với một động thái như vậy, Nga sẽ khiến Ukraine bị “khóa” trong đất liền. Ông Breedlove cho rằng, khu vực này có thể là nơi tiếp theo mà người nói tiếng Nga muốn sáp nhập vào Nga.

Nga đòi Ukraine trả 11 tỷ USD phụ trội khí đốt

Trong khi Tổng thống Putin có động thái tích cực nhằm tháo gỡ khủng hoảng tại Ukraine thì mới đây Nga đã có một hành động được các nhà quan sát đánh giá là đòn hiểm khi đòi Ukraine trả 11 tỷ USD phụ trội khí đốt.

Ngày 28/3, một phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết, Moscow đã bắt đầu các thủ tục để chuẩn bị chấm dứt các thỏa thuận song phương với Kiev liên quan đến căn cứ đứng chân của Hạm đội biển Đen.

Mô tả ảnh.
Căn cứ của hạm đội biển Đen - Nga ở Sevastopol.

Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, quyết định này đã được đưa ra trong một cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia Nga do Tổng thống Vladimir Putin chủ trì.

Một dự luật về việc hủy bỏ các thỏa thuận này đã được trình lên Hạ viện Nga, tức Duma Quốc gia, vào chiều 28/3.

Những văn kiện bị hủy bỏ bao gồm một thỏa thuận năm 1997 về điều kiện thường trú tại Crimea của hạm đội, vốn đã được gia hạn thêm 25 năm theo một thỏa thuận năm 2010 do Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych ký.

Đổi lại, Ukraine đã được giảm 100 USD trên mỗi 1.000 mét khối khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga, bằng việc cắt giảm thuế xuất khẩu.

Hạm đội biển Đen của Nga có trụ sở tại Sevastopol, một thành phố cảng có quy chế đặc biệt trực thuộc Crimea, đã trở thành lãnh thổ của Nga vào tuần trước sau 60 năm nằm dưới sự quản lý của Ukraine.

Hồi đầu tháng, Điện Kremlin cho rằng do căn cứ hải quân này không còn nằm trong lãnh thổ Ukraine, nên không có cơ sở pháp lý để tiếp tục duy trì sự giảm giá khí đốt.

Hôm 21/3, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho rằng Nga sẽ đòi Ukraine phải hoàn lại số tiền 11 tỷ USD mà Nga bị mất do giảm giá khí đốt theo thỏa thuận cho thuê căn cứ Hạm đội biển Đen.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông
TIN MỚI CẬP NHẬT