Khủng hoảng Ukraine: Được Crimea, Putin đã chiến thắng?

13:00, Thứ ba 18/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong một cuộc thăm dò dư luận, 72% người Nga được hỏi ủng hộ những việc mà ông Putin đang làm với tư cách Tổng thống. Ngoài ra còn có thông tin sau Crimea, người Kharkov cũng biểu tình đòi sáp nhập vào Nga.

Người Nga tự hào về Putin

Các nhà lãnh đạo phương Tây có thể cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin là “điên rồ” khi có ý định cho phép sáp nhập Crimea vào Nga. Tuy nhiên, hầu hết người Nga lại tự hào về ý tưởng này của nhà lãnh đạo.

Trong một cuộc thăm dò dư luận do Levada Center tổ chức, với kết quả được công bố hôm 13/3, 72% người Nga được hỏi ủng hộ những việc mà ông Putin đang làm với tư cách Tổng thống. Tương tự, trong cuộc thăm dò dư luận hôm 8-9/3 do trung tâm chuyên thăm dò ý kiến người dân Nga VTsIOM thực hiện, ông Putin cũng đạt tỷ lệ ủng hộ 72%.

Mô tả ảnh.
Tổng thống Putin gửi thông điệp bất thường đến Quốc hội Liên bang Nga về tình hình liên quan đến Crimea vào ngày 18/3.

Theo hãng tin Bloomberg, tỷ lệ ủng hộ ông Putin, vốn đã được củng cố sau khi Nga đăng cai Thế vận hội mùa đông vào tháng trước, đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm khi Nga đưa quân vào Crimea. Cuộc đối đầu căng thẳng nhất giữa Nga với phương Tây kể từ sau thời chiến tranh lạnh hóa ra lại tốt cho uy tín của điện Kremlin trong mắt người dân xứ bạch dương.

“Ông Putin chỉ đang bảo vệ các lợi ích của quốc gia. Crimea có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với Nga, và đó là đất của Nga”, anh Yaroslav Batashev, 32 tuổi, một nhà kinh doanh hàng tiêu dùng ở Moscow, nhận xét. Anh Batashev cũng nói thêm rằng, anh không hẳn là một người hâm mộ Tổng thống Putin. 

Kể từ khi vượt qua những cuộc biểu tình phản đối lớn nhất trong 14 năm lãnh đạo nước Nga để giành nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba vào năm 2012, ông Putin đã khẳng định quyền lực trong và ngoài nước. 

Bất chấp nguy cơ phải đối mặt với những lệnh trừng phạt có thể đẩy kinh tế Nga vào lần suy thoái thứ hai trong vòng 5 năm, người dân Nga vẫn xem thái độ cứng rắn của Tổng thống Putin trước phương Tây quanh vấn đề Ukraine như một dấu hiệu của sức mạnh. Điều này củng cố hình ảnh của ông Putin như một nhà lãnh đạo tìm lại được sự vĩ đại của nước Nga kể từ sau khi Liên xô sụp đổ vào năm 1990.

Liên quan tới tình hình Crimea, sau cuộc bầu cử ngày 16/3 với tỷ lệ gần như tuyệt đối cử tri ủng hộ việc tách khỏi Ukraine và gia nhập Nga, lãnh đạo Crimea đã nhanh chóng tuyên bố độc lập và nộp đơn xin gia nhập Nga. Cùng với đó, Moscow cũng phát tín hiệu sẽ nhanh chóng để Crimea gia nhập vào Liên bang Nga. 

“Chúng tôi sẽ quan tâm với phần việc của mình thật nhanh chóng và có trách nhiệm”, ông Sergei Naryshkhin, Chủ tịch Hạ viện Nga, tuyên bố trước báo giới ngày 17/3. Trước đó, giới chức ở Moscow nói rằng, Tổng thống Putin sẽ có một bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Nga vào ngày 18/3 về vấn đề Crimea.

Người Kharkov cũng biểu tình đòi sáp nhập vào Nga

Trong khi đó, cuộc trưng cầu dân ý diễn ra êm đẹp tại Crimea khiến người biểu tình tại Kharkov cũng đòi bỏ phiếu tách khỏi Ukraina. Theo Russia Today, người biểu tình hô vang những khẩu hiệu ủng hộ Nga và mang một lá cờ dài 100m đến Lãnh sự quán Nga để đệ trình 1 lá thư đến Tổng thống Vladimir Putin.

Mô tả ảnh.
Những người ủng hộ Nga biểu tình tại Kharkov

Những người biểu tình yêu cầu Tổng thống Putin “đảm bảo quyền tự do cho họ”, và gửi đến Liên Hợp Quốc yêu cầu được tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập với Nga, dự kiến sẽ diễn ra ngày 27/4. “Kharkov từng thuộc về Nga và sẽ luôn là như vậy dù hiện đang là bộ phận của Ukraina” - ông Yury Apukhtin - lãnh đạo của phong trào Civic Platform tham gia cuộc biểu tình - tuyên bố.

Cùng thời điểm, Nga tuyên bố sẽ không điều chỉnh chính sách đối ngoại, mà kiên định lập trường về vấn đề Ukraina, bất chấp sức ép từ nhóm các nước công nghiệp hóa đòi tẩy chay Nga khỏi nhóm G8. 

Tổng thống Nga Putin khẳng định, cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea là tuân theo hiến chương Liên Hợp Quốc. 

Mặc dù nước Nga sẽ phải đối phó với rất nhiều khó khăn trong tương lai khi cả Mỹ và châu Âu đồng loạt công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moscow. 

Hôm qua, dù không phát biểu trực diện về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Crimea tới kinh tế Nga, Bộ trưởng Bộ Kinh tế nước này Sergei Belyakov đã thừa nhận nền kinh tế đang gặp vấn đề.

“Tình hình kinh tế hiện nay cho thấy những dấu hiệu rõ nét của một cuộc khủng hoảng”, ông Belyakov phát biểu tại một diễn đàn kinh doanh.

Thế nhưng mọi việc dường như khó có thể lay chuyển được Putin. “Đối với nước Nga, quan trọng nhất là niềm tự hào quốc gia và văn hóa. Đó là điều thúc đẩy Tổng thống Putin đối chọi với phương Tây”, ông Nicholas Spiro, Giám đốc điều hành công ty Spiro Sovereign Strategy ở London, nhận định.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông
TIN MỚI CẬP NHẬT