Nga - Mỹ, EU mải mê đấu khẩu
Ngày 18/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc phương Tây coi thường luật pháp quốc tế trong khi Nga nỗ lực duy trì. Theo ông chủ điện Kremlin, Nga công nhận quyền độc lập của Crimea giống cách Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) công nhận Kosovo.
Tổng thống Putin phát biểu trước lưỡng viện. |
Ông Putin nhấn mạnh: “Phương Tây đã tạo ra một tiền lệ rõ ràng ở Kosovo. Trong bối cảnh hoàn toàn giống với bán đảo Crimea hiện nay, họ đã công nhận quyền ly khai của Kosovo và cho rằng một tuyên bố đơn phương là đủ”. Người đứng đầu nước Nga cũng nhắc lại rằng, chính Tòa án Hiến pháp Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận lập luận này.
Ông Putin cũng bác bỏ những cáo buộc cho rằng Nga đang vi phạm luật pháp quốc tế thông qua các động thái của Moscow trong khu vực. Nhà lãnh đạo nước Nga mỉa mai: “Vâng, đây là điều khá tốt bởi họ còn nhớ rằng luật pháp quốc tế còn tồn tại. Cảm ơn rất nhiều bởi muộn còn hơn không”.
Ông chủ điện Kremlin nhấn mạnh, trong các chính sách, phương Tây trong đó chủ yếu là Mỹ, thích dùng luật pháp quốc tế để ép buộc các nước khác nhưng bản thân họ thích dùng sức mạnh quân sự. Họ tin rằng mình ngoại lệ và luôn đúng nên được phép quyết định số phận của thế giới.
Theo ông Putin, trên thực tế nước Nga phải đứng ra bảo vệ luật pháp quốc tế và các đồng minh trong bối cảnh các nước phương Tây cố tình vi phạm. Tình hình bán đảo Crimea chỉ phản ánh một phần của quá trình này, vốn đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ nay.
Theo đương kim Tổng thống Nga, phương Tây phải ngừng kích động, hạn chế những từ ngữ thời Chiến tranh Lạnh và phải thừa nhận rõ ràng rằng: “Nga là một thực thể độc lập trong các mối quan hệ quốc tế. Cũng giống như mọi quốc gia khác, lợi ích của Nga phải được xem xét kỹ lưỡng và cần được tôn trọng”.
Sau bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/3, phương Tây đã có những tuyên bố không mấy thiện chí.
Theo Reuters, trong chuyến thăm Ba Lan nhằm khẳng định cam kết của Washington về việc bảo vệ các đồng minh NATO ở khu vực biên giới với Nga, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi hành động của Moscow là “cướp đất”.
Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donand Tusk cho rằng hành động của Nga không thể khiến cộng đồng quốc tế chấp nhận được.
Ngoài ra, Anh cũng đã ngừng việc hợp tác quân sự với Nga. “Nga không thể sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới của mình dựa trên một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trước mũi súng của Nga”, Thủ tướng Anh David Cameron nói và đe dọa ông Putin với “những hậu quả nặng nề hơn”.
Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng lên tiếng chỉ trích rằng: “Nga đã không tôn trọng mọi lời kêu gọi quay trở lại tuân thủ luật pháp quốc tế mà thay vào đó đã tiếp tục dấn thân vào một con đường nguy hiểm. Việc sáp nhập Crimea là trái pháp luật và NATO sẽ không công nhận việc này”.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Ba Lan Donand Tusk tại cuộc họp báo sau bài phát biểu của Tổng thống Nga Putin (Ảnh AFP). |
Trung Quốc - “ngư ông đắc lợi”
Một điều ít ai ngờ đến là trong khi Nga - Mỹ mải mê chỉ trích, trừng phạt nhau, các nhà quan sát lại cho rằng, Trung Quốc sẽ là “ngư ông đắc lợi” trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea hôm 16/3 (với 96,77% tỷ lệ ủng hộ sáp nhập Nga), Mỹ và châu Âu đang gấp rút triển khai các lệnh trừng phạt lên Nga nhằm phản đối việc Crimea sáp nhập. Trước tiên, Mỹ có thể đánh vào kinh tế của Moscow. Đổi lại, Nga cũng sẽ có kế sách nhằm đối phó với các biện pháp trừng phạt đó.
Tuy nhiên, cần suy xét xem liệu “ai được, ai mất” trong cuộc trả đũa lẫn nhau này. Trước tiên, đe dọa phong tỏa tài sản đối với quan chức Moscow sẽ được tính tới. Theo đó, các quan chức Nga – những người đã không thể chuyển tài sản của mình ra khỏi lãnh thổ Mỹ sau khi Quốc hội nước này thông qua Đạo luật Magnitsky một năm trước – sẽ không thể ngay lập tức gọi điện cho ngân hàng mình để yêu cầu rút tiền. Rộng hơn nữa, Mỹ sẽ nhắm tới các công ty Nga.Thế nhưng, thiệt hại này không thấm tháp gì so với những công ty Mỹ có quan hệ làm ăn với Nga.
Mặt khác, trong cuộc chiến tranh Lạnh phiên bản 2 này, Nga có thể suy tính tới chuyện định hướng lại chính sách đối với Iran, Syria, hay Venezuela. Trong viễn cảnh hai cường quốc Nga-Mỹ đối đầu nhau như vậy, các quan chức Bắc Kinh lại là có thể thư giãn để chờ đợi và nắm bắt những thời cơ để thực hiện tham vọng của riêng mình.
Cuối cùng, sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối quan ngại sâu sắc hơn so với số phận của nước Cộng hòa tự trị Crimea. Mỹ nên tránh phản ứng với cuộc khủng hoảng Ukraine theo những cách có thể làm suy giảm tầm ảnh hưởng của họ trên chính trường quốc tế.
Khi mà phương Tây càng gây sức ép trừng phạt lên Nga, điều đó càng làm mối quan hệ Moscow-Bắc Kinh thêm một khăng khít. Cụ thể, hai nước này sẽ bàn luận về chuyện bán vũ khí công nghệ cao hay các vũ khí quân sự tân tiến khác. Thậm chí, Nga sẽ còn hỗ trợ về mặt ngoại giao đối với yêu sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Hay, phía Nga còn đề xuất bán khí đốt hoặc các tài nguyên thiên nhiên của họ cho Trung Quốc với sự linh hoạt về giá cả. Và còn nhiều lợi ích khác mà Bắc Kinh có khả năng nhận được một khi hai cường quốc Nga và Mỹ “mải mê” đối chọi nhau.