Nga kiểm soát tàu ngầm duy nhất của Ukraine ở Crimea
Theo Bộ Quốc phòng Nga, quốc kỳ Nga đã tung bay trên doanh trại, trụ sở của hơn 147 đơn vị quân đội và các tổ chức thuộc lực lượng vũ trang Ukraine đóng trên bán đảo Crimea.
Nghi lễ kéo cờ đã được diễn ra trọng thể trong nền quốc ca Nga.
Lực lượng tự vệ Crimea sau khi giành quyền kiểm soát trụ sở Bộ chỉ huy hải quân Ukraine tại thành phố Sevastopol ngày 19/3. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trong khi đó, cờ St Andrew, lá cờ của Hải quân Nga cũng đã được kéo lên trên 54 trong tổng số 67 tàu hải quân của Ukraine, trong đó có tám tàu chiến và tàu ngầm Zaporozhye (quốc kỳ Nga cũng được kéo lên trên tàu ngầm này).
Trong một diễn biến liên quan, theo Reuters, cùng ngày, chỉ huy phó của một căn cứ không quân Ukraine ở Belbek, gần thành phố Sevastopol của Crimea cho biết các binh sỹ Nga đã bao vây căn cứ này và ra tối hậu thư yêu cầu lực lượng bên trong phải đầu hàng.
Chỉ huy phó Oleg Podovalov cho hay: "Các binh sỹ Nga đang có mặt tại sân bay đã cho chúng tôi một giờ đề đầu hàng, bằng không họ sẽ tấn công. Chúng tôi sẽ không đi đâu hết, hãy xem cuộc tấn công này thế nào."
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ra lệnh cho các chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga phải đảm bảo cho các quân nhân Ukraine ở Crimea muốn rời bán đảo này được trở về Ukraine an toàn.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, tính đến ngày 21/3, trong hơn 18.000 quân nhân Ukraine ở Crimea thì chỉ có khoảng 2.000 người bày tỏ muốn rời Crimea trở về Ukraine.
Bà Tymoshenko hứa sẽ lấy lại Crimea
Trong một diễn biến khác, theo Tiếng nói nước Nga, ứng viên tổng thống, bà Ukraine Yulia Tymoshenko đã không ngại ngần gọi Quốc hội Ukraine là “chuồng rắn” trong chương trình trực tuyến Shuster Live.
Ứng viên tổng thống Ukraine, bà Ukraine Yulia Tymoshenko. Ảnh EPA |
“Về cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, cầu Chúa tha tội cho tôi, tôi muốn nói điều này, cái chuồng rắn ấy phải thay bằng thứ mới, càng sớm càng tốt”, bà Tymoshenko nói.
"Không thể gọi cái đó là quốc hội”, bà nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Tymoshenko cho rằng cần xem xét vấn đề lấy lại Crimea của Ukraine. "Tôi tin rằng một tháng sau, ông Putin sẽ yêu cầu thế giới dân chủ ngồi vào bàn đàm phán. Trước hết phải giải quyết Crimea, và sau đó chúng ta sẽ nói về bất kỳ cấu hình hợp tác có thể nào", bà nói.
Trong khi đó,Mỹ cũng tiếp tục các biện pháp trừng phạt với Nga khi nhắm vào giới tỷ phú thân cận ông Putin. Ngay trước khi tổng thống Putin sắp ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Nga, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu công bố danh sách trừng phạt thứ hai nhắm vào các đối tượng được xem là có vai trò trong chiến lược gây khủng hoảng tại Ukraine.
Tổng thống Barack Obama ra lệnh phong tỏa tài sản 20 công dân Nga trong đó có nhiều tỷ phú, cấm doanh nghiệp Mỹ buôn bán với những đại gia này và ngân hàng Rossiya trong đó phần hùn của Iouri Kovalchouk, được xem là kinh tài của Putin từ năm 1990.
Khi tấn công vào ngân hàng Rossiya, Washington muốn gửi thông điệp cảnh cáo Putin là lãnh vực tài chính của Nga không an toàn. Thêm vào đó, trong số khách hàng và thành phần lãnh đạo ngân hàng này là những nhân vật thân cận của Putin.
Một nạn nhân khác bị Mỹ cấm visa, cấm làm ăn buôn bán và bị phong tỏa tài sản là tỷ phú Gennadi Timtchenko mà theo tạp chí Forbes, tài sản lên đến 15,3 tỷ đôla, đại gia đứng hàng thứ 6 của Nga và cũng là nhà kinh tài của Putin. Công ty Gunvor của nhà tài phiệt này là cơ quan trung gian buôn bán dầu hỏa đứng hàng thứ tư thế giới, đăng ký tại đảo Virgo.
Theo Reuters, các biện pháp mới của Washington cứng rắn hơn nhiều so với danh sách thứ nhất nhưng Hoa Kỳ không đụng vào lãnh vực kinh tế "sinh tử" của Nga như dầu hỏa và kim loại vì e rằng nếu Nga trả đũa trên hai lãnh vực này thì kinh tế toàn cầu sẽ bị thiệt hại.
Ba tập đoàn lớn của Nga là Gazprom, khí đốt, Rosneft, dầu hỏa và tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport không bị đụng tới.
Tuy nhiên, hiệu năng của biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đã gây ra hệ quả thấy được. Trước tiên là tỷ phú Gennadi Timtchenko, đã vội vã bán đi hết cổ phần của ông trong công ty Gunvor do ông sáng lập, tương đương với 43% số vốn cất giấu tại Genève cho Torbjorn Tornqvist, một công dân Thụy Điển và cũng là người hùn hạp.
Theo nhận định của báo Le Monde, sự kiện nhà kinh tài của chính tổng thống Nga đã phải bán tháo cổ phần đã làm giới tài phiệt Nga đổ mồ hôi lạnh.
Mặc khác, do cấm vận, khách hàng của các ngân hàng Nga và chi nhánh không thể sử dụng thẻ tín dụng loại Mastercard và Visa.