Mỹ - EU cô lập Nga thất bại, Ukraine “thập diện mai phục”

12:45, Thứ ba 25/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong khi những toan tính nhằm cô lập và biến Nga thành nước “bị ruồng bỏ” của Mỹ và EU thất bại liên tục thì chính quyền mới ở Ukraine (được phương Tây hậu thuẫn) lại đang phải đối mặt với tình trạng “thập diện mai phục”.

Châu Á không tham gia "chiến dịch" trừng phạt Nga

Tham gia chiến dịch chống Moskva do lập trường của Nga trong vấn đề Ukraine chỉ có Mỹ và một số đối tác châu Âu của Washington. Ở châu Á, không nước nào tỏ ý tham gia mặt trận chống Nga đang được thành lập một cách vội vàng dưới lá cờ của Mỹ và EU. 

Chẳng hạn, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ tiếp tục đối thoại với Nga. Có nghĩa là, dù Tokyo và Moskva chưa ký kết hiệp ước hòa bình và chưa giải quyết vấn đề lãnh thổ, nhưng Tokyo vẫn không muốn tham gia chiến dịch của phương Tây kêu gọi “kiềm chế Nga” ở bất cứ nơi nào có thể. 

Mô tả ảnh.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trong khi Trung Quốc cũng không bày tỏ dù một lời ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Phương Tây chống lại Moskva. Bình luận viên của Đài Tiếng nói nước Nga Sergey Tomin cho hay: “Trước hết, Trung Quốc đánh giá cao sự hợp tác chính trị, quân sự-kỹ thuật, thương mại và kinh tế với Moskva. 

Thứ hai, với tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Bắc Kinh hiểu rõ rằng chỉ có các biện pháp trừng phạt quốc tế do HĐBA LHQ thông qua có thể được coi là hợp pháp. Thứ ba, phía Trung Quốc nhận thức được rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine là phức tạp hơn nhiều so với cách diễn đạt của các đối tác Phương Tây và Bắc Kinh không có ý định hành động thiếu cân nhắc như Mỹ và các đối tác ở Phương Tây thường làm”. 

Ấn Độ cũng không thể chấp nhận chính sách mới nhằm răn đe Moskva theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Các phương tiện truyền thông Ấn Độ trích dẫn nguồn tin chính phủ cho biết New Delhi sẽ không ủng hộ các biện pháp của Phương Tây gây áp lực đối với Nga vì Ấn Độ về nguyên tắc không bao giờ ủng hộ các biện pháp trừng phạt. Mới đây, Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon đã nhắc nhở rằng Nga có lợi ích hợp pháp tại Ukraine. 

Ukraine “thập diện mai phục”

Trong khi những toan tính nhằm cô lập và biến Nga thành nước “bị ruồng bỏ” đã thất bại của Mỹ và EU thất bại liên tục thì chính quyền mới ở Ukraine (được phương Tây hậu thuẫn) lại đang phải đối mặt với tình trạng “thập diện mai phục”.

Bán đảo Crimea đã về tay Nga, trong khi một loạt thành phố miền Đông và Nam đang chìm trong bạo lực, dấy lên phong trào đòi ly khai. Ukraine tơi tả, quyền lực chính trị phân rã, kinh tế kiệt quệ, bắt đầu một chặng đường mới đầy chông gai.

Mô tả ảnh.
Những người ủng hộ Nga biểu tình tại Kharkov.

Các chuyên gia tính toán, để kinh tế Ukraine không sụp đổ, cần ít nhất 35 tỷ USD. Trước áp lực quốc khố hầu như trống rỗng và những món nợ đến hạn, tuần trước, Thủ tướng tạm quyền Arseniy Yatseniuk đành quyết định đánh thuế tất cả những người có tài khoản từ 4.000 euro trở lên, gọi đó là biện pháp “chia sẻ khó khăn với đất nước”. 

IMF, Mỹ, EU cam kết sẽ hỗ trợ tài chính, nhưng kèm theo nhiều điều kiện khắc nghiệt, như phải giảm trợ cấp khí đốt cho dân chúng - một vấn đề mới nghe đã khiến lãnh đạo Ukraine ù tai.

Mùa đông khắc nghiệt nước Nga mới chỉ bắt đầu với Ukraine. Nước này không chỉ nợ Nga hơn 2 tỷ USD tiền khí đốt, các ngân hàng Nga còn cho Ukraine vay khoảng 20 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực công nghiệp quan trọng của Ukraine nằm trong sự kiểm soát của các công ty Nga.

Ngoài cung cấp 60% khí đốt cho Ukraine, Nga cũng là nguồn cung một nửa nguyên liệu thô cho công nghiệp Ukraine, trong khi nhập khẩu nhiều loại lương thực, hàng hóa, dịch vụ từ Ukraine. Trong bối cảnh hai nước căng thẳng, không loại trừ tình huống Nga gia tăng áp lực kinh tế. Nga đã tuyên bố xóa bỏ thỏa thuận giảm giá khí đốt cho Ukraine từ đầu tháng 4 tới.

Đằng sau vụ lật đổ ông Viktor Yanukovych còn ẩn giấu nhiều sự thật khác khiến chính quyền Kiev và phương Tây lo ngay ngáy. Đảng lớn thứ ba trong chính phủ mới Ukraine hiện nay là Pravy Sektor là một đảng cực hữu với khẩu hiệu “Ukraine tối thượng”, cực kỳ xông xáo trong cuộc chiến đường phố. 

Lực lượng Pravy Sektor mặc đồng phục và mang biểu tượng giống hệt lính SS của trùm phát xít Hitler. Do nôn nóng muốn đạt được mục tiêu địa chính trị, hất Nga ra khỏi Ukraine, EU và Mỹ đã bỏ qua tất cả để hậu thuẫn cho các nhóm mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan này.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít không chỉ khiến Nga bất an mà còn là mầm mống gây bất ổn nền chính trị Ukraine sắp tới, khi cuộc chiến phe phái bùng nổ vì không thể dung hòa được lợi ích. 

Tòa án Hành chính Tối cao Ukraine cũng vừa thụ lý đơn kiện hai nghị quyết của Quốc hội Ukraine, mở đường cho việc tiếm quyền ông Yanukovych. Hiến pháp Ukraine cho phép phế truất tổng thống trong 4 trường hợp: không đủ sức khỏe, từ chức, chết hoặc bị kết tội. 

Theo luật sư bên nguyên Volodymyr Olentsevych, ông Yanukovych đều không thuộc 4 trường hợp hiến định trên và luật cũng không cho phép chủ tịch quốc hội lên làm tổng thống. Vụ kiện đòi xem lại việc phế truất ông Yanukovych, khôi phục lại chức vụ cho ông. Nhiều khả năng, vụ kiện sẽ được trình ra Tòa án Hiến pháp Ukraine. Dù khó có khả năng đảo ngược tình thế, song nó củng cố luận điểm của Nga rằng, chính quyền Kiev được dựng lên bất hợp pháp.

Thực tế cho thấy, chưa tổng thống Ukraine nào trụ vững nếu không biết khôn khéo giữ cân bằng đông và tây. Chính quyền Kiev trót thách thức Nga để rồi đành bất lực mất Crimea, miền đông và miền nam rơi vào bất ổn, tạo cơ hội cho nước ngoài can thiệp. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn có thể ra tay nếu cảm thấy không thể tránh khỏi chiến tranh lạnh mới và Nga sẽ không mất nhiều khi theo đuổi chính sách cứng rắn của mình đối với Ukraine.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông
TIN MỚI CẬP NHẬT