Thông thường, chúng ta có thói quen loại bỏ vỏ của nhiều loại trái cây trước khi ăn. Điều này không chỉ xuất phát từ thói quen mà còn nhằm tăng cường hương vị, giảm thiểu chất độc hại và đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, có một số loại quả mà chúng ta nên ăn cả vỏ sau khi rửa sạch, như quả nho. Việc này đã được chứng minh là tối ưu hóa việc hấp thụ các chất chống oxy hóa và kháng viêm, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đặc biệt, việc ăn nho cả vỏ và sau đó đông lạnh sẽ càng tăng cường hiệu quả này.
Nghiên cứu cho thấy nho chứa rất nhiều vitamin A, B1, B2, C, protein, polyphenol, axit amin và các khoáng chất khác nhau. Đây là loại quả đặc biệt vì từ vỏ, cùi đến hạt đều có giá trị dinh dưỡng. Đặc biệt, lớp vỏ của nho, nhất là các loại nho có màu đậm như đỏ, đen, tím, rất giàu chất chống oxy hóa.
Tiến sĩ dinh dưỡng Li Wanping từ Đài Loan, Trung Quốc, chia sẻ: “Việc bỏ vỏ nho khi ăn sẽ là một sự lãng phí lớn. Bởi lẽ ngoài các chất dinh dưỡng, vỏ nho còn chứa nhiều chất chống oxy hóa quý giá như resveratrol, anthocyanin và polyphenol. Đây là những chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp ngăn chặn tổn thương tế bào do gốc tự do gây ra. Từ đó, chúng hỗ trợ kháng viêm, chống ung thư và làm chậm quá trình lão hóa, cùng nhiều lợi ích sức khỏe khác.”
Những dưỡng chất đặc biệt này không chỉ tồn tại ở lớp vỏ ngoài của nho mà còn có mặt trong lớp bột trái cây bao phủ trên vỏ, với hàm lượng anthocyanin đặc biệt cao. Vỏ nho chứa nhiều resveratrol hơn hẳn so với cùi và hạt. Thêm vào đó, vỏ nho còn là nguồn cung cấp dồi dào chất xơ, cellulose, pectin và sắt. Không nên tách riêng vỏ nho mà nên ăn cả quả, bao gồm cả vỏ và hạt, để cơ thể hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng, đồng thời tăng cường hương vị.
Tuy nhiên, tiến sĩ Li Wanping cảnh báo rằng, cần chọn những loại nho có nguồn gốc rõ ràng, ít dư lượng hóa chất và phải rửa thật kỹ trước khi ăn cả vỏ. Ông cũng chia sẻ thêm rằng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đông lạnh nho nguyên vỏ sẽ làm tăng cường các chất chống oxy hóa trong vỏ và toàn bộ quả nho, giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn. Lớp bột trái cây trên vỏ sẽ được giữ lại, và vỏ cùng cùi nho sẽ hòa quyện, tạo nên hương vị thơm ngon, hấp dẫn hơn.
Nho đông lạnh nguyên vỏ rất phù hợp để ăn tươi, chế biến thành nước trái cây hoặc làm sinh tố. Để bảo quản nho tốt nhất và giữ nguyên được hàm lượng chất chống oxy hóa, bạn nên bọc chúng trong khăn mềm sạch, kín rồi đặt vào tủ lạnh ở nhiệt độ thấp hoặc ngăn đông.
Việc ăn nho cả vỏ mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng, nhưng cũng khiến nhiều người lo ngại về quá trình làm sạch. Do nho thường mọc thành chùm và có vỏ mỏng, quả dễ bị dập nát khi chà rửa mạnh tay, việc làm sạch không hề đơn giản.
Có nhiều cách để rửa nho như sử dụng nước muối, bột mì, giấm trắng hoặc baking soda. Tuy nhiên, tiến sĩ Li Wanping nhấn mạnh rằng, quan trọng nhất vẫn là chọn những loại nho có nguồn gốc rõ ràng và tươi ngon. Tùy vào tình trạng của nho mà điều chỉnh phương pháp rửa cho phù hợp.
Chẳng hạn, nho mua tại siêu thị hoặc chợ, được bọc trong túi nilon hoặc hộp kín có kiểm định, sau khi mua về chỉ cần rửa kỹ dưới vòi nước chảy. Đối với nho không bọc, dễ bị bụi bẩn bám vào, nên ngâm trong nước trắng hoặc nước muối loãng từ 3 đến 10 phút rồi rửa lại dưới vòi nước chảy. Nếu nho bẩn nhiều hơn, có thể ngâm và dùng khăn mềm ướt chà nhẹ từng quả trong nước để giảm nguy cơ dập nát, sau đó rửa lại nhẹ nhàng dưới vòi nước chảy chậm.
Ông cũng đưa ra khuyến cáo rằng chỉ nên sử dụng bột mì hoặc baking soda để rửa nho trong trường hợp nho quá bẩn hoặc có nhiều phấn trắng bất thường bám trên bề mặt. Đặc biệt, những vòng màu trắng ở đáy trái nho hay các đốm trắng dạng bột không đều là dấu hiệu của cặn hóa chất hoặc chất tẩy rửa được sử dụng để làm đẹp nho.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng dù sử dụng phương pháp rửa nào, cũng cần tuân theo một số nguyên tắc chung. Trước tiên, cần loại bỏ những quả nho thối hoặc dập nát trong chùm. Sau đó, dùng kéo cắt từng quả nho ra, để lại một phần nhỏ cuống trên quả. Việc này tránh làm rách vỏ sát cuống khi tách nho bằng tay, giúp hạn chế bụi bẩn bám vào phần thịt nho hở ra. Khi rửa, cần nhẹ tay và sử dụng vòi nước nhỏ, chảy chậm. Nho sau khi rửa sạch và để ráo chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh từ 2 đến 3 ngày để đảm bảo độ tươi ngon.