Quặn lòng thương nữ vận động viên võ thuật tật nguyền

07:02, Thứ hai 18/11/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Từng là vận động viên võ thuật, không may bị ô tô tải đâm vào, thoát chết nhưng Hồng bị liệt tứ chi. Và mong ước lớn nhất của Hồng hiện tại là "cơ thể mình có cảm giác, đi lại được để tự làm vệ sinh cá nhân...".

Hàng ngày, tại bệnh viện Tuệ Tĩnh, có đôi vợ chồng già đã gần “cán mốc” cái tuổi “thất thập cổ lai hi” vẫn ngày đêm vò võ chăm đứa con tật nguyền tên là Hồng. Để ai đi ngang qua cũng xót xa, quặn lòng: “Hồng ơi, bác thương con lắm, thương cả bố mẹ con nữa. Giờ bác mới biết, bố mẹ con có mỗi con thôi, vậy mà…”

Tôi đến thăm Hồng vào một ngày nắng hanh hao cuối thu. Tại tầng 3, phòng 303, khoa nội tiết của bệnh viện Tuệ Tĩnh. Hình ảnh một cô gái với mái tóc tém, tay và cổ đầy vết sẹo vì phẫu thuật, nằm bất động một chỗ trên giường bệnh khiến lòng tôi quặn thắt.

Nỗi đau chồng nỗi đau

Hồng năm nay đã 23 tuổi, nhưng thân hình của cô chẳng khác nào học sinh cấp hai. Hồng nói: Em chỉ cao có 1m 50 thôi. Không giống mọi người, em nằm trong bụng mẹ có 7 tháng, lúc sinh ra nặng 1,.3 kg và phải nằm ở bệnh viện Nhi Thụy Điển hơn 2 tháng.

Nói đến đây, cô buồn bã kể: bố mẹ em vất vả lắm. Trước khi có em, bố mẹ em đã có hai anh trai. Không biết bị bệnh gì, hai anh chỉ sống được vài tháng đã bỏ bố mẹ đi. Gia đình em bán hết ruộng vườn để lo chạy chữa, thuốc thang cho hai anh nên cuộc sống càng lúc càng tù túng hơn. 

Từ ngày xảy ra tai nạn, Hồng nằm bất động, mọi hoạt động đều do bố và mẹ cô trợ giúp.

Hiện gia đình phải sống tạm bợ trong ngôi nhà diện tích khoảng 15m2 ở thôn Văn Uyên, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Căn nhà siêu vẹo, mái lợp bờ lô, xung quanh rào bằng tre, mùa hè nóng, mùa đông gió thông thống rất lạnh. Hồng kể: khổ nhất là khi nào trời mưa, cả nhà phải mang thau, chậu, ca đựng nước ra để hứng. Mẹ nhiều khi không muốn cho mình về quê vì sợ mưa nắng thất thường, không tránh kịp lại ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hồng may mắn hơn hai người anh trai là được sống. Nhưng nhớ lại cái ngày khủng khiếp nhất cuộc đời mình, Hồng rơm rớm nước mắt. Cô bị một chiếc xe ô tô tải chở cát đi ngược chiều đâm vào. May mắn không mất mạng, nhưng Hồng bị thương tật rất nặng. Sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ kết luận Hồng bị chấn thương tủy cổ, gẫy quai hàm. 

Từ ngày bị tai nạn, Hồng đã trải qua 9 viện lớn nhỏ khác nhau. Và giờ, cô “định cư” ở bệnh viện Tuệ Tĩnh – nơi mà như Hồng nói: “Các bác sĩ và những bệnh nhân đều tốt bụng, thân thiện”. 

Gần 3 năm nay, Hồng bị liệt tứ chi, chỉ có cảm giác từ bắp tay lên đến đỉnh đầu, còn toàn thân như khúc gỗ. Thỉnh thoảng, chân của Hồng co giật, cô bảo đấy chỉ là phản ứng tự nhiên chứ không phải do cô ý thức và hành động được.

Hàng ngày, Hồng được các bác sĩ, y tá ở đây xoa bóp, bấm huyệt kết hợp châm cứu. Đồng thời sử dụng thuốc Tây kết hợp thuốc Bắc. Trước đây Hồng phải thở bằng máy, do nằm nhiều nên một bên phổi bị dẹt làm giảm khả năng hô hấp. Vì thế, cô phải tập luyện thường xuyên để tránh viêm phổi. Ngoài ra Hồng còn phải chữa bệnh viêm đường tiết niệu. 

Thân thể bị tổn thương quá nhiều, những vết sẹo hằn lên gớm ghiếc ở cổ và hai bên cánh tay do bị ép se, hai bên bẹn hõm sâu vì bị hoại tử, Hồng nằm bệt một cách nặng nề. Nhìn Hồng hiện tại, không ai nghĩ rằng cô đã từng là một vận động viên võ thuật. 

Mọi người trong viện, từ bác sĩ - y tá đến bệnh nhân đều rất quan tâm và yêu quý Hồng.

Dù không thể cử động, nhưng mắt Hồng luôn ánh lên một niềm vui khi kể về quá khứ “lành lặn” của mình. Hồng học môn võ Karatedo từ đầu năm lớp 10, cô từng được tham gia vào đội tuyển huyện, đi thi đấu các giải học sinh – sinh viên và giành được 8 huy chương các loại. Nhưng niềm đam mê ấy thực sự vụt tắt vào cái ngày cô bị tai nạn giao thông. 

Chấn thương của Hồng không phải chữa trong ngày mai, ngày mốt mà phải chữa lâu dài. Thời gian đó có thể 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm. Nó phụ thuộc vào cơ địa mỗi người, nhưng theo như bác sĩ nói, cứ 100 người, may ra 5 người phục hồi. 

Hồng hiểu hơn ai hết về điều này, cô tâm sự: “Ngày nào mình cũng bị những cơn đau hành hạ. Mùa đông lạnh căm căm mà người toát hết mồ hôi, rất khó chịu. Nhiều khi mình buồn lắm, mình từng có ý định tuyệt thực, muốn chết đi để bố mẹ đỡ khổ”.

Chỉ ước con có thể ngồi được xe lăn

Người gây tai nạn đền cho gia đình cô vỏn vẹn 62,5 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí chữa bệnh cho Hồng đến nay đã lên đến hơn 600 triệu. Mỗi tháng đều đặn, gia đình phải trả tiền viện phí là 2 triệu, chưa kể phí sinh hoạt của gia đình. Không có điều kiện, mẹ Hồng thường nhịn ăn sáng. Riêng bữa trưa và tối thì chỉ dám ăn qua loa cho xong. 

Nhiều bệnh nhân cùng phòng nhìn hai mẹ con Hồng mà thương. Người cho nắm xôi, người cho cân hoa quả. Mỗi khi có ai cùng phòng điều trị được ra viện sớm đều ghé qua giường bệnh của Hồng để nói chuyện, rồi lại cho cô đồng quà tấm bánh để an ủi, động viên.

Từ ngày Hồng nằm viện, nhà cửa, ruộng vườn ở quê đều bị bỏ hoang không người chăm sóc.

Bác Phương – mẹ Hồng mặt rầu rĩ tâm sự: “Cực lắm cô ạ, vất vả nuôi con, đến ngày ra trường thì con gặp nạn, giờ cứ nằm liệt, chẳng biết bao giờ mới có thể phục hồi. Trước đây, gia đình đã sắp xếp xin việc cho Hồng vào làm ở nhà máy in của Bộ Tổng tham mưu (Ngọc Hồi). Hồng đi làm được khoảng chục ngày thì chuyện không may xảy đến”. Tính đến thời điểm này, Hồng đã nằm viện được 2 năm, 7 tháng. Bao tiền của đội nón ra đi mà chẳng biết bao giờ Hồng mới trở lại bình thường được.

Nhà cửa ở quê bỏ hoang vì cả gia đình chẳng còn ai sinh sống. Mẹ Hồng phải ở viện để chăm sóc cô. Gánh nặng cuộc sống đè lên đôi vai gầy yếu của người cha đã 63 tuổi. Bác Ngô Đức Hiền (Bố Hồng) nhận làm bảo vệ thuê. Tuy nhiên, do quá tuổi lao động nên bác chỉ được nhận kí hợp đồng, công việc vì thế cũng bấp bênh. Mỗi tháng, tiền lương kiếm được chỉ vẻn vẹn có 3 triệu. Vậy mà, toàn bộ chi tiêu sinh hoạt, viện phí của gia đình đều trông cả vào nó. 

“Em chỉ ước cơ thể mình có cảm giác, đi lại được để tự làm vệ sinh cá nhân chứ không dám nghĩ gì hơn”. Đó là mong ước lớn nhất của Hồng hiện tại.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: