Quả bòn bon (tên gọi của Miền Nam) và quả dâu da đất (Miền Bắc). Cây kết trái hình tròn, đường kính khoảng 5 cm, vỏ dẻo. Cơm bòn bon màu trắng đục, có khi gần như trong suốt, chia thành 5-6 múi. Mỗi múi có một hột. Vị bòn bon hơi chua, khi chín thì ngọt hơn. Hột bòn bon rất đắng, khó tách khỏi cơm nên người ăn có khi nuốt luôn cả múi để tránh nhằn hột. Bòn bon chín vào mùa hè từ tháng 5 đến tháng 10.
Trái bòn bon còn có hai tên quý phái nữa do Vua Nhà Nguyễn ban: trái nam trân, tức "(trái) quý ở phương nam" và trái trung quân, tương truyền vì trong khi trốn tránh quân Tây Sơn, nhờ có trái bòn bon ăn cứu đói mà nhóm quân phò chúa mới cầm cự được.
Bòn bon chứa nhiều đường, chất xơ, vitamin A, B1, B2, B3, C, các khoáng tố gồm Ca, Fe và P. Bòn bon thường được ăn dạng quả còn tươi, nhưng đến mùa bội thu nó cũng được chuyển thành dạng phơi khô hoặc đóng hộp.
Ở các nước Đông Nam Á, toàn cây bòn bon đều được dùng làm thuốc. Vỏ và hạt bòn bon làm thuốc hạ sốt, diệt ký sinh trùng đường ruột và ký sinh trùng sốt rét và tiêu chảy, kiết lỵ, vỏ cây còn được dùng chữa côn trùng cắn. Chất xơ trong quả bòn bon còn giúp cho hệ tiêu hóa và phòng ngừa nhiều bệnh ung thư.
Bòn bon được xem là nguồn dinh dưỡng cho cơ thể nhưng lại không chứa nhiều calo, ăn 100g quả bòn bon chỉ cung cấp 70 calo, nhưng lại nhiều xơ. Ăn bòn bon giúp cho cơ thể khỏe mạnh và tốt cho ruột già, phòng ngừa được nhiều bệnh đường ruột nhất là bệnh ung thư ruột kết, bòn bon còn giúp tăng cường hoạt của hệ vi khuẩn có lợi trong ruột.
Tuy nhiên, nếu ăn quả bòn bon không đúng cách sẽ gây hại cho sức khỏe nghiêm trọng.
Không nên nhai hạt khi ăn
Quả bòn bon thường có 5 múi và có vách ngăn mỏng. Với một số múi có hạt lớn, không nên nhai hoặc nuốt vì trong hạt đắng, chứa một chất xác định là cấu trúc alkaloid độc gây ảnh hưởng không tốt cho cơ thể.
Không nên cắn vỏ
Vỏ của qủa bòn bon có thể dùng để làm thuốc chữa bệnh nhưng lại có độc tố cao. Trong vỏ bòn bon còn chứa một chất gọi là acid lansium độc đối với tim. Do vậy, khi ăn bòn bon cần lưu ý nên dùng tay để tách vỏ, bỏ hạt.
Người tiểu đường không ăn nhiều
Đối với người mắc tiểu đường thì không nên ăn nhiều bởi trong bòn bon có hàm lượng đường tương đối cao. Người bình thường cũng không nên ăn nhiều vì dễ bị nặng bụng.
Ăn phải bòn bon thúc chín
Quả bòn bon thường hay bị phun thuốc thúc chín. Bởi vậy để an toàn, cần chọn lựa cẩn thận khi mua. Nếu bòn bon chín tự nhiên thì dưới đít quả sẽ có dấu châm kim li ti, cuống quả còn tươi. Khi bóc ăn thử, bòn bon sẽ có vị ngọt thanh, thịt quả màu trong, hạt đen và nhỏ, đặc biệt không còn mủ.