Chiều 11/3, Bộ Giao thông Vận tải đã có kết luận chính thức về kết quả tìm hiểu, đánh giá nguyên nhân của sự cố sập cầu treo Chu Va 6 ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu vào cuối tháng 2 vừa qua.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra nguyên nhân sập cầu treo chính là do chế tạo sai ắc neo tăng đơ đồng thời qua quá trình kiểm tra cũng đã phát hiện hàng loạt sai phạm khác trong thiết kế, thi công và nghiệm thu khi xây dựng cây cầu này.
Đối với ắc neo, kết luận chỉ rõ ắc neo có hình dáng và kích thước không đúng thiết kế, tại vị trí nhỏ nhất có diện tích tiết diện gần bằng 25 cm2, chỉ bằng 50% diện tích tiết diện thiết kế. Kết luận khẳng định việc thi công trụ tháp neo không đúng yêu cầu kỹ thuật, việc ốp gạch, trát phủ ngoài trụ tháp không có trong hồ sơ thiết kế và không đúng các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng hiện hành là điều sai phạm.
Nguyên nhân sập cầu do quá tải cũng bị bác bỏ với lý do cầu Chu Va 6 thiết kế cho xe gắn máy, đoàn người đi bộ, xe súc vật kéo, tải trọng ≤ 1,5 tấn. Tải trọng rải đều tiêu chuẩn theo chiều dài cầu là 150 kg/m.
Cầu Chu Va 6 sau vụ sập.
Trao đổi với Phunutoday.vn về vụ sập cầu treo ở Lai Châu, luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: ‘‘Trường hợp nguyên nhân sập cầu từ yếu tố thiếu trách nhiệm, hành vi tiêu cực trong thẩm định, thiết kế, thi công, duy tu, sửa chữa công trình cầu treo của chủ đầu tư, bên thi công, thẩm định thiết kế thì tùy theo hành vi vi phạm, có thể khởi tố, điều tra về một trong các tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 Bộ luật hình sự), tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 229) hoặc tội Vi phạm về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông” (Điều 220).
Đối với tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, Bộ luật Hình sự nêu rõ: Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Trường hợp người phạm tội là người có chức vụ quyền hạn hoặc hành vi phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm.
Như đã đưa tin khoảng 8h30 phút ngày 24/2 trong khi nhân dân bản Chu Va 6 và vùng lân cận thuộc xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đang tổ chức tang lễ đưa thi hài đến giữa cầu treo dân sinh Chu Va 6 nối hai bản Chu Va 6 và Chu Va 8 thì xảy ra sự cố sập cầu hất văng nhiều người dự tang lễ xuống suối. Hậu quả, 9 người chết và 37 người bị thương.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại Theo quy định tại Điều 627, Bộ luật Dân sự thì: Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”. Và sẽ được bồi thường theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài Hợp đồng tại Chương XXI, Bộ luật Dân sự và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nếu con ốc neo cầu bị gãy không phải do nguyên nhân quá tải trọng thì cần phải bồi thường thiệt hại cho người dân một cách thỏa đáng, đồng thời xem xét đến việc xử lý trách nhiệm của cá nhân, đơn vị có liên quan”. Luật sư Phạm Thị Hương, Công ty Luật Song Thanh |