Sắp hết "kế sách", Mỹ có can thiệp quân sự vào Ukraine?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Liên quan đến vấn đề khủng hoảng tại Ukraine, nhiều nhà quan sát cho rằng bằng hàng loạt các biện pháp ngoại giao, kinh tế, Mỹ đã rất nỗ lực trong việc khẳng định ảnh hưởng của mình, tuy nhiên hiệu quả đạt được lại không cao.

Ngày 8/3, Mỹ đã lên tiếng cảnh báo Nga rằng, bất cứ bước đi nào của Moscow nhằm sáp nhập Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine sẽ khép lại cánh cửa ngoại giao giữa Mỹ và Nga.

Thông điệp trên đã được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gửi tới người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ngày hôm qua (8/3). Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục có các cuộc thảo luận về tình hình Ukrane với các nhà lãnh đạo một số quốc gia trên thế giới.

Cảnh báo của phía Mỹ được đưa ra sau khi có thông tin, phái đoàn quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) bị ngăn không cho vào bán đảo Crimea. Theo Reuters, đã có một loạt đạn được bắn chỉ thiên để cảnh cáo phái đoàn của OSCE, buộc phái đoàn này quay đầu khi họ đang định tiến vào bán đảo Crimea ngày 8/3.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Kerry và ông Lavrov đã có cuộc điện đàm hôm 8/3, vị quan chức này nói: “Ông ấy (Kerry) tuyên bố rõ rằng, tiếp tục leo thang quân sự và khiêu khích ở Crimea hay những nơi khác của Ukraine, cùng với những bước đi nhằm sáp nhập Crimea vào Nga sẽ đóng sập mọi cánh cửa ngoại giao. Ông Kerry cũng kêu gọi kiềm chế tối đa”.

Cũng trong ngày 8/3, Tân Hoa xã dẫn theo thông tin Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi 6 nhà lãnh đạo trên thế giới họp bàn về khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine.

Mô tả ảnh.
Ông Obama gọi điện từ văn phòng Nhà Trắng (Nguồn: Nhà Trắng)

Trong một buổi họp kín có sự tham gia của Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Tổng thống Mỹ Obama đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Mỹ và Liên minh châu Âu về các hành động của Nga ở Ukraine.

Trước đó, ngày 6/3, Liên minh châu Âu đã quyết định tiến hành các biện pháp chống lại Nga đồng thời kêu gọi giải pháp cho cuộc khủng hoảng thông qua đàm phán giữa Ukraine và Nga.

Tổng thống Obama cũng tổ chức một cuộc họp với các nhà lãnh đạo của 3 nước Lithuania, Latvia và Estonia. Tại cuộc họp, ông Obama tái khẳng định cam kết “phòng vệ chung” theo Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hứa sẽ "hỗ trợ lâu dài đối với an ninh và dân chủ" của các nước vùng Baltic.

Đây là lần đầu tiên ông Obama nói chuyện với các nhà lãnh đạo của 3 nước vùng Baltic về cuộc khủng hoảng Ukraine. Được biết, 3 nước này đều là thành viên của NATO có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga.

Trước đó, Mỹ đã áp đặt các lệnh cấm thị thực đối với Nga và mở đường cho những biện pháp trừng phạt sâu rộng hơn đối với Moskva do các lực lượng thân Nga kiểm soát khu vực Crimea của Ukraine.

Bên cạnh những nỗ lực về mặt ngoại giao, kinh tế, nước Mỹ cũng đã có những động thái nhất định trên mặt trận quân sự. 

Ngày 5/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết rằng Mỹ đang có kế hoạch mở rộng hợp tác quân sự với Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic để hỗ trợ cho các đồng minh của mình trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine.

Sau đó, vào ngày 7/3, Lầu Năm Góc cho biết, trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, ông Ihor Yosypovych Tenyukh, Bộ trưởng Quốc phòng tạm quyền ở Ukraine, đã đề nghị Mỹ trợ giúp quân sự.

Cùng ngày CNN (Mỹ) đưa tin, tàu khu trục tên lửa Truxtun của Mỹ đã đi vào biển Đen cách Crimea gần 500 km để tập trận với một tàu hải quân Bulgaria và ba tàu hải quân Romania từ ngày 10 đến 12/3. Bộ Quốc phòng Bulgaria thông báo cuộc tập trận đã được lên kế hoạch trước.

Việc USS Truxtun xuất hiện trong bối cảnh Crimea đang sẵn sàng tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về việc ly khai khỏi Ukraine đã khiến hãng tin Mỹ Fox News mạnh mồm tuyên bố rằng, việc khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) củng cố hiện diện ở Biển Đen là một biện pháp “phòng thủ” để chống lại “sự xâm lược quân sự của Nga” ở Ukraine.

Tuy nhiên, theo RT News (Nga), USS Truxton cũng khó ở lại Biển Đen lâu và cũng chẳng dễ ghé vào bất cứ nơi nào trên bán đảo Crimea.

Mô tả ảnh.
Tàu khu trục USS Truxtun của Hải quân Mỹ.

USS Truxton, với thủy thủ đoàn khoảng 300 người,là một tàu khu trục tên lửa dẫn đường thuộc lớp Arleigh Burke – một trong những thế hệ tàu chiến lớn nhất của Hải quân Mỹ. Tàu chiến này thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay USS George W.Bush hiện đang đóng quân ở Hy Lạp. Dự kiến, USS sẽ ở lại Biển Đen cho đến giữa tháng 3 này vì theo Hiệp ước Montreux, tàu chiến của những nước không có đường biên giới bao quanh Biển Đen chỉ được phép lưu trú 21 ngày trong vùng biển này.

Trong khi đó, ngày 7/3, trả lời câu hỏi của phóng viên kênh truyền hình Mỹ PBS về khả năng can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào khủng hoảng Ukraine, Tướng Dempsey nói rằng câu hỏi này đòi hỏi thảo luận kỹ và việc xem xét tùy thuộc vào diễn biến phát triển sự kiện.

"Tuy nhiên hãy nhớ rằng chúng ta có nghĩa vụ với các đồng minh NATO. Và tôi muốn cam đoan với họ rằng nếu tình huống phát sinh đòi hỏi chúng ta thực hiện nghĩa vụ thì Hoa Kỳ nhất định có phản ứng”, tướng Martin Dempsey kết luận.

Vấn đề khiến dư luận quốc tế đặt câu hỏi là sau khi đã thực hiện hàng loạt các biện pháp mà không mấy hiệu quả, liệu Mỹ có sớm can thiệp quân sự vào Ukraine?

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn
TIN MỚI CẬP NHẬT