7 đối tượng này không nên uống vì khó hấp thu
1. Những người không dung nạp lactose
Một nghiên cứu năm 2015 đã ước tính rằng khoảng 75% dân số trên thế giới không dung nạp đường sữa ở một mức độ nào đó. Do hàm lượng đường lactose trong sữa bò tương đối cao, với những người không thể dung nạp được lactose mà uống sữa sẽ dễ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa, gây ra các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, đi kèm với các triệu chứng đau nửa đầu, tắc nghẽn xoang, nổi mụn trứng cá hoặc phát ban trên da.
2. Những người bị dị ứng với sữa
Bác sĩ Xiufeng (Bệnh viện Cổ truyền Trung Quốc) cho hay, thể chất của mỗi người rất khác nhau, đối với một số người việc uống sữa có thể gây ra các phản ứng dị ứng như là tiêu chảy, nổi phát ban, ngứa… Do đó bạn không nên tự ép bản thân phải uống sữa nếu có những tác động tiêu cực nói trên.
3. Người bị trào ngược thực quản
Vì chất béo có trong sữa sẽ ảnh hưởng đến sự co bóp bình thường của cơ vòng thực quản, dễ dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày hoặc trào ngược thực quản sau khi uống sữa. Do đó những bệnh nhân đang mắc căn bệnh này không nên tiêu thụ sữa, hoặc có thể uống sữa theo chỉ định của bác sĩ.
4. Bệnh nhân bị loét dạ dày
Wang Bojun, bác sĩ trưởng khoa tiêu hóa của bệnh viện trực thuộc trường đại học y khoa Ninh Ba cho biết, đối với những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày , việc uống sữa khi bụng rỗng sẽ khiến niêm mạc dạ dày tiết ra một lượng lớn axit dịch vị, gây kích ứng và làm tổn thương các vết loét nhiều hơn, dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Do đó, với những bệnh nhân đang mắc bệnh này thì cần thận trọng khi uống sữa.
5. Bệnh nhân thiếu máu do thiếu sắt
Mặc dù giá trị dinh dưỡng của sữa tương đối cao nhưng đối với những bệnh nhân bị thiếu máu do thiếu sắt vẫn không nên uống sữa. Lý do là vì canxi có trong sữa sau khi vào cơ thể sẽ kết hợp với các ion sắt, dẫn đến khả năng kháng sắt của cơ thể tăng, khiến triệu chứng thiếu máu càng thêm trầm trọng.
6. Bệnh nhân bị viêm túi mật
Bệnh nhân viêm túi mật cũng cần chú ý không nên uống sữa trong thời gian bị bệnh, vì sữa khi vào cơ thể cần nhiều dịch mật để tiêu hóa, nhưng nếu túi mật đang bị viêm sẽ làm tăng gánh nặng cho túi mật và ảnh hưởng đến tình trạng phục hồi của bệnh.
7. Những người bị sỏi thận
Theo các bác sĩ, trong sữa có nhiều canxi. Người bình thường có thể bổ sung canxi để củng cố xương nhưng với bệnh nhân bị sỏi thận, canxi có thể gây hình thành sỏi trong thận, làm bệnh tình thêm trầm trọng.
Vậy thì nên uống bao nhiêu sữa là tốt nhất?
Tiến sĩ Gail Cresci, chuyên gia dinh dưỡng, từ Viện Nghiên cứu Lerner, của phòng khám nổi tiếng Cleveland Clinic (Mỹ) nói rằng: “Mặc dù nghiên cứu của Thụy Điển đưa ra những nghi vấn thú vị, nhưng không có bằng chứng đủ mạnh để đảm bảo hạn chế sữa”.
Tiến sĩ Cresci nói: “Nếu bạn muốn uống sữa để có xương chắc khỏe, tôi khuyên bạn không nên uống quá 1 ly mỗi ngày. Sữa giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính, như bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và đột quỵ và một số bệnh ung thư như ung thư đại trực tràng, bàng quang, dạ dày, vú”, theo Ladders.
Hiệp hội sữa quốc gia của Mỹ - National Dairy Council - lưu ý rằng, một người trung bình chỉ cần uống 1 ly - tương đương với 235 ml sữa mỗi ngày là đã đủ để cung cấp nhu cầu canxi và vitamin B2 hằng ngày, và các chất dinh dưỡng quan trọng khác, theo eatthis.com.
Ngoài ra, một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2014, khuyến cáo không nên uống quá 3 ly sữa mỗi ngày.
Nghiên cứu cho thấy, người từ 9 tuổi trở lên, chỉ nên uống tối đa 3 ly sữa mỗi ngày - khoảng 675 ml.
Hướng dẫn Chế độ ăn uống của Úc, do Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Úc thực hiện, dựa trên các bằng chứng khoa học mới nhất hiện có, đưa ra các khuyến nghị - được cập nhật lần cuối ngày 30.4.2021, khuyến cáo như sau, theo Ladders.
“Thực phẩm từ sữa, bao gồm sữa, phô mai và sữa chua thuộc 1 trong 5 nhóm thực phẩm được khuyến nghị hằng ngày trong Hướng dẫn Chế độ ăn uống của Úc”.
“Người lớn từ 19 - 50 tuổi chỉ nên tiêu thụ không quá 2,5 khẩu phần sữa, phô mai, sữa chua mỗi ngày. Một khẩu phần sữa là 250 ml (1 ly)”, theo dairy.com.au.
Uống nhiều sữa có hại thế nào?
Điều gì quá cũng không tốt, và sữa cũng vậy. Vì vậy, đừng quá lạm dụng sữa.
Một nghiên cứu, được đăng trên tạp chí y khoa của Anh BMJ, cho thấy những người uống quá nhiều sữa nguyên kem hằng ngày, sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn so với những người uống đúng theo mức khuyến nghị.
Nghiên cứu của Thụy Điển cho thấy, mặc dù sữa có thể tốt, nhưng uống quá nhiều sữa - từ 3 ly trở lên mỗi ngày, sẽ có tỷ lệ tử vong cao hơn so với uống chỉ 1 ly.
Uống quá nhiều sữa cũng có thể dẫn đến tăng cân, đầy hơi, đau bụng và tiêu chảy.
Thực sự thì uống quá nhiều sữa có thể gây hại nhiều hơn là có lợi, vì sẽ gây ra những tác dụng phụ, theo Ladders.