Năm hết tết đến, ai ai cũng mong mỏi một khoản tiền cuối năm để có tí chút sắm sửa, lo toan Tết nhất. Thế nhưng sau một năm kinh tế khó khăn, thiên tai liên miên khiến rất nhiều người dân phải đối mặt với tình trạng thiếu đói.
Chính vì vậy mới đây, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội) Thái Phúc Thành cho biết với tinh thần "Không để một hộ dân nào thiếu đói trong dịp Tết", Bộ đã chỉ đạo Cục Bảo trợ xã hội tập trung rà soát các nhóm thiếu đói sau thảm họa thiên tai vừa qua để cứu trợ.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2013, cả nước đã hỗ trợ hơn 60.000 tấn gạo cho bà con vùng thiên tai, giáp hạt.
Hàng nghìn hộ dân đề nghị cứu đói dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014. |
Hiện nay đã có 11 tỉnh đề xuất hỗ trợ gạo cứu đói trong dịp Tết với khoảng 20.000 tấn, gồm Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Kon Tum và Ninh Bình. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Quảng Bình đề xuất cứu trợ 5.200 tấn; Nghệ An 4.200 tấn, Quảng Trị 4.289 tấn.
Ngay sau đó, vào ngày 6/1, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có tờ trình khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị hỗ trợ gạo cứu trợ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014. Theo đó tổng số hộ đề nghị cứu đói là gần 13.300 hộ với hơn 33.700 nhân khẩu; mức cứu đói là 15kg/người/tháng trong thời gian 1 tháng. Tổng số gạo đề nghị cứu đói là hơn 500 tấn.
Khỏi phải các hộ nghèo trên khắp cả nước đã mừng như thế nào khi nghe được thông tin này. Người Việt từ xưa đến nay vẫn quan niệm dù giàu hay nghèo thì cũng phải cố gắng được ăn no trong 3 ngày tết. Bởi những ngày đầu năm được no đủ thì mới có hy vọng cả năm sung túc, may mắn.
Thế nhưng, chưa kịp vui mừng vì được cứu trợ thì người dân lại giật mình nhớ đến hàng loạt vụ việc cán bộ ăn chặn tiền cứu trợ gần đây, rồi canh cánh nỗi lo trong lòng.
Thật đau lòng khi đọc trên báo vài ngày qua, ở xã Đại Hưng (Đại Lộc, Quảng Nam) lại phát giác ra vụ cán bộ cắt xén quà của Chủ tịch nước dành tặng cho người nghèo bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát quà tại xã Đại Hưng (Quảng Nam) |
Xã Đại Hưng nhận 100 suất quà (mỗi suất trị giá 900.000đồng, trong đó 100 ngàn tiền quà, còn lại tiền mặt) và 10 con bò do Chủ tịch nước trao tặng. Thế nhưng trưởng thôn Đại Mỹ khi cấp phát 13 suất quà cho 13 hộ dân trong thôn đã vận động mỗi hộ nhận quà nộp lại cho thôn 200 ngàn đồng (mỗi hộ chỉ nhận 600.000 đồng tiền mặt thay vì 800.000 đồng như quy định) để làm điện đường đón tết và làm quỹ thôn…Một số quà bằng hiện vật cũng bị giữ lại để đem ra bán.
Ở cấp thôn, nơi gần với dân nhất, nhưng các cán bộ vẫn không giấu được cái bản chất tham lam của mình, có quà từ trên về, quà của Chủ tịch nước hẳn hoi mà cũng thò vào đòi chia phần, bớt xén.
Vụ việc này lại khiến chúng ta nhớ lại chuyện tham nhũng 181 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ trẻ tàn tật ở Hà Giang trong 2 năm 2012, 2013 của các ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật, thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cùng hai "cộng sự" Nguyễn Thị Lan Anh, kế toán, Trịnh Thu Hương, thủ quỹ.
Và điều bất ngờ là khi vụ việc bị phát giác thì Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh Hà Giang đã quyết định không khởi tố vụ án vì “đại cục”.
Vậy đấy, năm hết tết đến, dân nghèo đã đủ đau đầu với bao nhiêu vấn đề về cơm áo gạo tiền, thiếu ăn lại còn phải canh cánh trong lòng nỗi lo cán bộ ăn chặn tiền cứu trợ của nhân dân. Đúng là chỉ có dân là khổ đủ trăm đường!