Căn bệnh ung thư với hơn 100 loại ung thư đang đe dọa hàng triệu người trên thế giới. Tuy vậy, cho đến nay y học vẫn chưa tìm ra cách trị tận gốc căn bệnh này trong khi các phương pháp điều trị y khoa đều có những tác dụng phụ nghiêm trọng.
Do đó, để hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc bệnh thì phòng ngừa vẫn là điều quan trọng nhất. Bạn có thể làm điều đó dễ dàng bằng việc chỉ cần thêm các thực phẩm sau vào chế độ ăn hàng ngày.
Nghệ
Nghệ là loại thảo dược trong họ nhà gừng, thường dùng làm cho món cà ri có màu vàng và hương vị hấp dẫn đặc biệt. Chất curcumin dường như là hợp chất hoạt động trong nghệ. Nó đã được chứng minh là có tính chống oxy hóa và chống viêm, có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại sự phát triển ung thư.
Chất bổ sung chiết xuất từ củ nghệ đang được nghiên cứu xem liệu chúng có vai trò như thế nào trong việc ngăn ngừa và điều trị một số loại ung thư, bao gồm cả đại tràng, tuyến tiền liệt, vú, và ung thư da.
Táo
Táo chứa quercetin, epicatechin, anthocyanins và triterpenoids có tính kháng sưng viêm, chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng.
Vỏ táo là phần bổ dưỡng nhất vì chứa đến 80% quercetin. Táo còn có thể kháng ung thư phổi, vú, dạ dày.
Tỏi
Tỏi thuộc nhóm Allium với những loại củ như hẹ, tỏi tây, hành tây, hẹ tây, và hành lá. Tỏi có hàm lượng lưu huỳnh cao và cũng là một nguồn giàu các chất arginine, oligosaccharides, flavonoids, và selen. Tất cả những loại chất này đều có lợi cho sức khỏe. Hợp chất hoạt động của tỏi, được gọi là allicin tạo cho nó có mùi đặc trưng, sinh ra khi tỏi được cắt nhỏ, nghiền nát.
Một số nghiên cứu cho thấy ăn nhiều tỏi làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày, đại tràng, thực quản, tụy, và vú. Tỏi có thể bảo vệ chống lại ung thư thông qua nhiều cơ chế, bao gồm ức chế nhiễm khuẩn và sự hình thành các chất gây ung thư, thúc đẩy tái tạo DNA. Tỏi hỗ trợ giải độc, tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp giảm huyết áp.